Bản quyền sáng tạo văn hóa nghệ thuật trong phát triển công nghiệp văn hóa?

Bản quyền sáng tạo văn hóa nghệ thuật trong phát triển công nghiệp văn hóa?

Nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà sáng tạo bỏ nhiều công sức tạo ra tác phẩm, sản phẩm, nhưng ngay chỉ hôm trước hôm sau, tác phẩm đã bị “đạo”, “nhái”, hoặc khai thác trên các nền tảng khác mà không được phép... Nghệ sĩ, nhệ nhân, nhà sáng tạo liệu có thể tự bảo vệ mình trước tình trạng này?

Nguồn:Tạp chí Người Hà Nội Online

Tràn lan tình trạng đạo, nhái, xâm phạm bản quyền

Công nghiệp văn hóa (CNVH) có 12 lĩnh vực thì hầu như tất cả các lĩnh vực đều xảy ra vấn nạn về xâm phạm bản quyền. Ngay cả đến lĩnh vực tưởng chừng như có "đề kháng" với xâm phạm bản quyền như làm tour du lịch văn hóa, khi đơn vị này nghiên cứu, phát triển một tour, thì chuyện một đơn vị khác “đạo” ý tưởng cũng khá phổ biến, sau đó cho ra đời một tour tương tự. Những lĩnh vực khác tình trạng trầm trọng hơn rất nhiều. Trong sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhiều nghệ nhân vừa mới “ra mẫu”, cảm thấy ăn khách, chỉ vài hôm sau, mẫu đó đã xuất hiện ở những nhà sản xuất khác, với thậm chí rẻ hơn.

Theo Báo cáo nghiên cứu thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam công bố, điện ảnh là một trong 3 loại hình sản phẩm văn hóa sáng tạo bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhiều nhất (bên cạnh âm nhạc và bản ghi âm, ghi hình) với tỷ lệ lên tới 71,6%.

Hiện nay có tới hàng trăm website phim tiếng Việt đang công khai chiếu hàng chục nghìn bộ phim trên internet trong khi các tác phẩm chưa được chủ các website này mua bản quyền. Mặc dù các cơ quan quản lý đã có nhiều động thái mạnh tay với website vi phạm bản quyền về phim, “đánh sập” nhiều trang web phim lậu nhưng ngay sau đó đã xuất hiện một website khác thay thế với một lớp vỏ (tên miền) khác...

phim-a.jpg

Trong lĩnh vực điện ảnh, bất kỳ hãng phim nào cũng đau đầu với nạn người xem phim lậu. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu, lợi nhuận của hãng. Trong nhiếp ảnh, sản phẩm của tác giả bị đánh cắp, đăng tải vô tội vạ, không xin phép. Đối với lĩnh vực xuất bản, tình trạng in sách lậu tràn lan, không có hồi kết… Nhiều người biết bị vi phạm bản quyền, nhưng nếu đuổi theo khiếu kiện thì nhiều khi “được vạ, thì má đã sưng”, nên phần lớn đành chấp nhận thực tế.

Việc không được bảo hộ quyền tác giả “đến nơi đến chốn” không chỉ gây thiệt hại cho nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà sáng tạo mà còn khiến CNVH chậm phát triển do không thu hút được đầu tư, nhất là những nhà đầu tư lớn. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cũng phải thừa nhận: Nhiều nhà đầu tư chỉ đầu tư vào phát triển các ngành CNVH khi thấy những quy định về bảo hộ bản quyền được thực thi nghiêm túc.

453-202411171227434.png

Nhà tổ chức Hanoi Indie Troupe yêu cầu khắt khe với những nhà sản xuất thủ công tham gia hội chợ Maker Market trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 khi phải có sáng tạo gốc, làm chủ kĩ thuật trong việc tạo ra sản phẩm cuối.

Chủ tịch CLB Doanh nhân Sáng tạo Lê Quốc Vinh cho rằng, với cơ chế bảo vệ phù hợp nhận được từ pháp luật và xã hội, người đầu tư và tác giả sẽ yên tâm để sáng tạo tiếp, làm giàu cho chính họ và cho xã hội. Không những thế, nó tạo động lực cho cá nhân và tổ chức tham gia hoạt động đổi mới, sáng tạo, tạo ra tài sản trí tuệ, bởi vì họ sẽ được hưởng lợi và vinh danh từ những sáng tạo của mình, khích lệ các doanh nghiệp và trung gian tài chính đầu tư, tài trợ cho việc nghiên cứu, phát triển, thương mại các sản phẩm và dịch vụ trong công nghiệp sáng tạo, tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh và khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ, tạo điều kiện để kết nối thị trường trong nước với các quốc gia và khu vực mậu dịch mà việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được coi trọng.

Làm gì để bảo vệ mình?

Luật pháp Việt Nam hiện nay bảo hộ bản quyền tác giả trong tất cả các lĩnh vực khác nhau của công nghiệp văn hóa. Trong những năm qua, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ bản quyền tác giả.

Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) điểm danh 3 vi phạm bản quyền sách phổ biến trên không gian mạng, đó là: Bán các sản phẩm sách in giả, sách lậu trên các nền tảng thương mại điện tử, các mạng xã hội phổ biến; Sử dụng website, ứng dụng OTT được cấp phép hoặc các website đăng ký tên miền và đặt máy chủ ở nước ngoài, các ứng dụng OTT lậu được chia sẻ trên Internet, các mạng xã hội phổ biến... để cung cấp các sản phẩm sách số (đọc, nghe, nhìn); Lợi dụng công nghệ số, nhất là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các tác phẩm phái sinh nhưng không thực hiện theo đúng quy định về quyền tác giả, quyền liên quan.

Trong đó, Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 là văn bản “gốc”. Ngoài ra, còn có các văn bản pháp lý khác như: Luật số 36/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ ngày 19/6/2009; Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan… và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.

453-202411171227445.png

Thông qua nhiều sân chơi sáng tạo mở, nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà sáng tạo đã có những ý kiến đóng góp và nhận thức tốt hơn về vấn đề bảo vệ tác phẩm - đứa con tinh thần của mình.

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có hẳn một cơ quan là Cục Bản quyền tác giả để thực hiện nhiệm vụ này. Theo Quyết định số 912/QĐ-BVHTTDL ngày 11/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp phát triển các ngành CNVH thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nhà nước và xã hội về quyền tác giả, quyền liên quan; Cấp, cấp lại, cấp đổi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan. Lập và quản lý sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan; chứng thực bản quyền…

Tuy nhiên, để nhận được sự bảo hộ, các nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà sáng tạo, kiến trúc sư… cần thực hiện Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đến Cục Bản quyền tác giả. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp 1 hồ sơ đăng ký quyền tác giả trực tiếp hoặc qua bưu điện tại trụ sở Cục Bản quyền tác giả (ngõ 294/2 Kim Mã, quận Ba Đình, TP. Hà Nội).

Ngoài ra, các tác giả còn có thể nộp đến Đại diện Phòng đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.

Điều đáng lưu ý, trong trình tự thủ tục đăng ký quyền tác giả, Nhà nước cho phép ủy quyền đăng ký quyền tác giả. Hiện nay, nhiều công ty luật đứng ra thực hiện dịch vụ về sở hữu trí tuệ, thực hiện hỗ trợ trọn gói nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà sáng tạo… đăng ký bản quyền tác phẩm, sản phẩm của mình với mức chi phí hợp lý. Đây là giải pháp phù hợp với những nghệ sĩ, nhà sáng tạo vốn “ngại” thủ tục giấy tờ.

Mặc dù ngay cả khi đăng ký quyền tác giả, tác phẩm, sản phẩm vẫn có thể bị “đánh cắp” tác quyền ở những mức độ khác nhau và việc khiến kiện vẫn mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, nếu không đăng ký quyền tác giả, việc xử lý sẽ còn phức tạp hơn rất nhiều do thiếu thủ tục pháp lý. Do đó, việc đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả vẫn là điều mà bất kỳ nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà sáng tạo nào tham gia các hoạt động trong lĩnh vực CNVH cần thực hiện để bảo đảm quyền lợi của chính mình./.

Tạp chí Người Hà Nội Online
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang