Thương mại hóa tài sản sở hữu trí tuệ: Mối quan hệ “4 win” và những lưu ý về pháp lý

Thương mại hóa tài sản sở hữu trí tuệ: Mối quan hệ “4 win” và những lưu ý về pháp lý

Doanh thu hàng năm từ các sản phẩm liên quan đến tài sản sở hữu trí tuệ không chỉ là phần bổ sung mà đã trở thành động lực tăng trưởng cho hàng loạt tập đoàn lớn trên thế giới.

Nguồn:Tạp chí Thông tin & Truyền thông

Cơ hội lớn từ thương mại hóa tài sản sở hữu trí tuệ

Ngành công nghiệp giải trí và truyền thông đóng góp một phần lớn trong tỷ trọng nền kinh tế thế giới. Doanh thu hàng năm từ các sản phẩm liên quan đến tài sản sở hữu trí tuệ (SHTT) không chỉ là phần bổ sung mà đã trở thành động lực tăng trưởng cho hàng loạt tập đoàn lớn.

Các thương hiệu nổi tiếng như Disney đã tạo ra giá trị khổng lồ thông qua việc bảo vệ và khai thác SHTT, từ sáng chế công nghệ đến các sản phẩm văn hóa. Tất cả đều được bảo vệ kỹ lưỡng và mang lại giá trị kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.

Tại Việt Nam, xu hướng này cũng đang dần được bắt nhịp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Nhiều DN trong nước bắt đầu nhận ra tiềm năng lớn của tài sản trí tuệ và nội dung số, dù đây vẫn còn là lĩnh vực tương đối mới mẻ. Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tận dụng tối đa tiềm năng này, với sự hợp tác giữa các bên công và tư nhằm thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ và kinh tế sáng tạo.

z5874306208463_bf54dbaecebbb75b93a2636c36037474.jpg

Các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm "Xu hướng thương mại hóa tài sản SHTT".

Tại phiên thảo luận với chủ đề “Xu hướng thương mại hóa tài sản SHTT” diễn ra trong khuôn khổ Lễ trao Giải thưởng Sáng tạo Nội dung số Việt Nam (Vietnam Digital Content Creation Awards - VCA) năm 2024 chiều 27/9 tại Hà Nội, bà Vũ Thương, Giám đốc Học viện Đào tạo hoạt hình quốc tế Sconnect, cho rằng tài sản SHTT là những sản phẩm do trí tuệ con người sáng tạo ra thông qua quá trình tư duy sáng tạo trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là loại tài sản vô hình, không thể nhận biết thông qua các đặc điểm vật chất, nhưng lại có giá trị lớn nhờ khả năng tạo ra lợi nhuận.

Tài sản trí tuệ bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, từ tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ý tưởng, chương trình biểu diễn, bản ghi âm, phát sóng, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, công thức pha chế, giống cây trồng mới, đến phần mềm máy tính.

Ngành character licensing đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Giám đốc bản quyền Công ty CP Thương mại và Dịch vụ WOA Universal, sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Việt Nam đã chứng kiến một sự chuyển mình mạnh mẽ. Sự thay đổi này bắt nguồn từ hành vi của người tiêu dùng, ngân sách chi tiêu, và trải nghiệm mua sắm. Người tiêu dùng đã chuyển từ các phương thức mua hàng truyền thống sang thương mại điện tử, tạo nên sự dịch chuyển lớn trong cách thức tiêu dùng.

Thứ hai, ngân sách tiêu dùng cũng bị thắt chặt hơn, khi người tiêu dùng ưu tiên dành nhiều thời gian và tài chính để đầu tư vào những nhu cầu thiết yếu. Đặc biệt, giới trẻ - một bộ phận lớn của người tiêu dùng hiện nay - có xu hướng mua sắm dựa trên cảm xúc và chịu ảnh hưởng từ các kênh truyền thông mới. Điều này đã làm thay đổi cục diện thương mại hóa, cả trên thế giới và tại Việt Nam.

Sau đại dịch, nhiều ngành nghề đã suy thoái hoặc chứng kiến sự phá sản của nhiều DN. Tuy nhiên, ngành character licensing lại có sự tăng trưởng mạnh mẽ, điều này cho thấy một tín hiệu rất tích cực cho thị trường này tại Việt Nam.

Character licensing là hình thức cấp quyền cho bên thứ ba sử dụng hình ảnh, thương hiệu và các yếu tố liên quan đến một nhân vật được bảo hộ bản quyền để sản xuất và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ (gọi tắt là cấp quyền thương mại nhân vật).

Nắm bắt xu hướng này, nhiều DN hàng đầu tại Việt Nam, như Canifa và Bibica, đã ứng dụng việc sử dụng các nhân vật vào sản phẩm của mình. Hai DN đã hợp tác để ra mắt những dòng sản phẩm mang đến trải nghiệm mới, tạo cảm xúc tích cực cho người tiêu dùng.

“Hiện nay, người tiêu dùng trẻ tuổi, đặc biệt là trẻ em, rất dễ bị thu hút bởi các nhân vật nổi tiếng và hình tượng yêu thích. Đây chính là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ, thậm chí của cả các bậc phụ huynh khi lựa chọn sản phẩm cho con em mình”, ông Nguyễn Đức Thắng nói.

Vì thế, có thể nhận thấy rằng việc sử dụng các nhân vật trong truyền thông và bán hàng đã trở thành một công cụ quan trọng trong thị trường hiện đại, giúp các DN cạnh tranh trong cùng phân khúc và mang lại lợi thế lớn trong việc tiếp cận người tiêu dùng.

Tại thị trường Việt Nam, có thể thấy rằng tỷ lệ các gia đình trẻ và gia đình có trẻ em đang là cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, dân số trong độ tuổi từ 15 - 60 chiếm khoảng 64%, tạo ra một tệp khách hàng tiềm năng lớn cho các nhãn hàng khai thác. Đây là cơ hội để đầu tư và mang lại những hành trình trải nghiệm khách hàng mới mẻ.

Ông Thắng cho biết không chỉ trong lĩnh vực thời trang như Canifa hay ngành bánh kẹo như Bibica đã ứng dụng thành công, WOA Universal hiện đã hợp tác với gần 10 DN khác thuộc nhiều ngành nghề. Các ngành này bao gồm mặt hàng tiêu dùng nhanh, sản phẩm giáo dục, truyện tranh, và đồ chơi mang tính định hướng giúp hoàn thiện kỹ năng cho trẻ, dự báo sẽ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới.

Không chỉ win-win, đây là mối quan hệ “4 win”

Chia sẻ về thương mại hóa tài sản SHTT, bà Hoàng Oanh, Giám đốc Tư vấn chiến lược thương hiệu Công ty TNHH tư vấn NDH, đại diện nhãn hàng Zoo, Công ty CP Bibica, cho rằng trong mối hợp tác này, “không chỉ có win-win” mà nó là mối quan hệ "4 win".

z5874306172278_cd216416392e19f025a217b704c1d604.jpg

CACA, linh vật của Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024.

Theo bà Hoàng Oanh, đầu tiên là lợi ích dành cho Bibica. Bibica có thêm một câu chuyện để kể, một lý do để khách hàng chọn mua sản phẩm và một nguyên liệu truyền thông mới giúp phát triển kinh doanh mạnh mẽ hơn.

Thứ hai là lợi ích của Sconnect. Các nhân vật hoạt hình, thay vì chỉ sống trong thế giới online hoặc xuất hiện ở một số khu vui chơi, nay sẽ có cơ hội tiếp cận trực tiếp đến từng nhà và từng đại lý thông qua hệ thống phân phối của Bibica, có mặt tại tất cả các siêu thị.

Thứ ba là lợi ích cho người tiêu dùng. Khi Bibica hợp tác với Sconnect, sản phẩm sẽ đến từ những đơn vị uy tín, đảm bảo chất lượng. Điều này giúp người tiêu dùng tránh được việc mua phải các sản phẩm nhái tràn lan, không rõ nguồn gốc, mang đến sự yên tâm cho các bậc phụ huynh.

Cuối cùng, lợi ích thứ tư là dành cho các đại lý, siêu thị, và các điểm bán hàng trên khắp cả nước. Không chỉ ở Hà Nội, Sài Gòn hay các thành phố lớn, mà còn ở tất cả các địa phương, các đơn vị sẽ có thêm một sản phẩm hấp dẫn để trưng bày, thu hút người tiêu dùng đến mua hàng.

“Chính vì vậy, đây không chỉ là một mối quan hệ "win-win" trong kinh doanh, mà còn mở ra một mối quan hệ "4 win" đầy tiềm năng”, bà Hoàng Oanh nói.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Lê Quang Vinh, Giám đốc Công ty SHTT BROSS & Cộng sự, bản chất của hoạt động character licensing cũng là một hình thức thương mại hóa quyền SHTT.

“Hiện nay, chúng ta có thể hiểu character licensing như một hoạt động khai thác thứ cấp, nơi mà các hình tượng, nhân vật, hoặc biểu tượng được phát triển từ những bộ truyện nổi tiếng được sử dụng để tạo ra các sản phẩm hoặc dịch vụ khác. Điều này cho phép các công ty không chỉ kiếm lợi từ quyền SHTT mà còn mở rộng giá trị thương hiệu qua việc tạo ra những sản phẩm mới mang lại giá trị cho người tiêu dùng”, luật sư Lê Quang Vinh nói.

Theo luật sư, việc làm rõ quyền SHTT trong hợp đồng, như quyền tác giả hay nhãn hiệu, rất quan trọng. Đặc biệt, do tính trừu tượng và khó chiếm hữu của tài sản trí tuệ, DN cần hiểu rõ hệ thống pháp luật địa phương và quốc tế để bảo vệ tài sản trí tuệ.

“Một chiến lược đăng ký quyền SHTT sẽ rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi, đặc biệt là đối với bí mật thương mại và nhãn hiệu. Việc này không chỉ giúp DN duy trì giá trị tài sản vô hình của mình mà còn tránh được những rủi ro pháp lý có thể xảy ra trong tương lai”, luật sư Lê Quang Vinh nói./.

Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang