Trà mãng cầu Kim Nhiên (Công ty TNHH Chế biến nông sản Kim Nhiên) đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền.
Xây dựng và bảo hộ tài sản trí tuệ trong bối cảnh mới
Bà Huỳnh Thiên Trang, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh ÐBSCL, cho biết: Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng dẫn đến cạnh tranh ngày càng khốc liệt buộc DN nghiêm túc xây dựng và bảo vệ thương hiệu để đứng vững ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), điển hình là CPTPP và EVFTA đã nâng mức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) vượt bậc so với chuẩn mực quốc tế phổ biến hiện nay. Ngoài ra, hiệp định RCEP cũng đưa SHTT vào thành một chương trong cam kết giữa các bên. Quyền SHTT đã và đang trở thành công cụ chủ lực giúp DN thiết lập thế độc quyền và hợp pháp hóa khả năng khai thác giá trị từ các thành quả sáng tạo, định vị thương hiệu, mở rộng thị phần cũng như bảo vệ DN trước các hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh tại thị trường trong nước và quốc tế.
Theo ông Nguyễn Hữu Cẩn, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay việc quản trị tài sản trí tuệ của các DN Việt Nam chưa được chú trọng đúng mức. Nội dung quản trị tài sản trí tuệ chưa được đề cập trong hoạt động quản trị kinh doanh của hầu hết DN; kỹ năng cần thiết về quản trị tài sản trí tuệ còn hạn chế. Mỗi năm, Viện Khoa học SHTT giải quyết khoảng 1.000 vụ tranh chấp liên quan đến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu... "Tài sản trí tuệ đang trở thành mục tiêu tìm kiếm, phát triển và là nhân tố quan trọng trong cạnh tranh hiện đại. DN hướng đến tối đa hóa lợi nhuận, doanh thu nhưng nếu vấp phải rủi ro, tranh chấp về SHTT thì DN sẽ bị tổn thất nặng nề. Nếu coi nhẹ hoặc không có biện pháp quản trị thích hợp đối với loại tài sản trí tuệ thì DN sẽ không thể thành công trong phát triển" - ông Nguyễn Hữu Cẩn nói.
Cần Thơ hiện có 96% DN nhỏ và vừa. Ðây là những đối tượng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quản trị tài sản trí tuệ. Thời gian gần đây, Cần Thơ đã và đang quan tâm hướng dẫn DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể, chủ thể OCOP đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ. Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ, cho biết: Sở đã tham mưu UBND thành phố phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ đến năm 2030 kịp thời hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước, hỗ trợ chuyển đổi số cho một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP... Kể từ khi triển khai Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030, TP Cần Thơ đã hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho 65 tổ chức, cá nhân (75 nhãn hiệu, 10 sáng chế và 1 kiểu dáng công nghiệp). Tính đến nay, thành phố có 7.890 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và 5.513 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được Cục SHTT cấp. Số lượng đơn đăng ký và văn bằng được cấp mỗi năm tăng từ 10-15%.
Hướng đến phát triển bền vững
Mặc dù nhận thức về xây dựng, phát triển và bảo hộ quyền SHTT đã có sự chuyển biến nhưng việc thực thi trong thực tiễn gặp không ít khó khăn. Theo ông Nguyễn Hữu Cẩn, muốn thực hiện quản trị tài sản trí tuệ thành công, DN cần phải hiểu rõ đặc tính, nội dung và dạng tồn tại của từng loại tài sản trí tuệ. Ðồng thời, phải nắm vững các điều kiện nội tại, ngoại cảnh thuận lợi cũng như các nguy cơ, thách thức, từ đó xác định các hành động phù hợp.
Ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP Hồ Chí Minh cho biết, quản trị và khai thác tài sản trí tuệ trong DN là yếu tố cốt lõi để DN phát triển bền vững. Ðể xây dựng và quản trị tốt tài sản trí tuệ, DN cần lưu ý trong xây dựng mục tiêu, kế hoạch cụ thể cho các hoạt động SHTT gắn liền với kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xây dựng phát triển thương hiệu của DN. Ðồng thời, thiết lập hệ thống công cụ, phương tiện… để áp dụng trong quản trị, khai thác tài sản trí tuệ, ưu tiên các giải pháp chuyển đổi số; không ngừng đổi mới sáng tạo trong mọi hoạt động và cả công tác quản trị tài sản trí tuệ để nâng cao sức cạnh tranh của DN. Cùng với đó, vấn đề nâng cao nhận thức của công chúng, DN về SHTT nói chung và quản trị tài sản trí tuệ nói riêng cần được chú trọng và triển khai trên diện rộng.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, các chính sách hỗ trợ của thành phố đã tạo ra động lực mạnh mẽ khuyến khích và thúc đẩy các DN, tổ chức, cá nhân tích cực chủ động tham gia đăng ký bảo hộ quyền SHTT để bảo vệ, phát triển tài sản trí tuệ. Vì vậy, thành phố tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ DN đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng, bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu theo Nghị quyết số 03/2022/NQ-HÐND của HÐND thành phố quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn TP Cần Thơ. Tập trung hỗ trợ phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm gắn với chương trình OCOP theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị. Thành phố cũng thường xuyên giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại khác nhằm khai thác, phát triển giá trị các tài sản trí tuệ của DN trên địa bàn.