Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ: Cần thiết cho một nền tư pháp hiểu đúng tài sản vô hình

Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ: Cần thiết cho một nền tư pháp hiểu đúng tài sản vô hình

Đề xuất thành lập Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ - đang được Quốc hội xem xét - là một bước tiến cần thiết trong tiến trình cải cách tư pháp của Việt Nam khi các tranh chấp sở hữu trí tuệ ngày cành tăng, trong khi các vụ việc đều có sự đòi hỏi mức độ chuyên môn cao.

Nguồn:Tạp chí Điện tử Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo

Việc thành lập Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ ở thời điểm hiện nay là đòi hỏi thiết yếu từ thực tiễn không chỉ vì số lượng tranh chấp sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng tăng, mà bởi lẽ đây là lĩnh vực pháp lý đòi hỏi mức độ hiểu biết chuyên sâu, liên ngành, vốn chưa được hệ thống tư pháp hiện nay tiếp cận một cách đầy đủ và nhất quán.

IP-litigation-lawyer-Pune-1-1024x768

Việc thành lập Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ là một bước tiến cần thiết trong tiến trình cải cách tư pháp của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế - xã hội mới.

Lĩnh vực sở hữu trí tuệ từ lâu được xem như “con nuôi” trong hệ thống các ngành luật - từ chương trình đào tạo cử nhân đến kinh nghiệm hoạt động xét xử thực tiễn. Dù gắn chặt với sự phát triển của nền kinh tế số và đổi mới sáng tạo, SHTT vẫn chưa có một thiết chế tư pháp chuyên biệt tương xứng, khiến việc áp dụng pháp luật đôi khi rơi vào tình trạng lúng túng hoặc thiếu nhất quán.

Gần đây, hai vụ việc lớn là Nhựa Bình Minh và Bia SAIGON (SABECO) đã cho thấy rõ nét những khoảng trống trong cách tiếp cận và xét xử các tranh chấp SHTT. Cả hai vụ đều liên quan đến hành vi sử dụng nhãn hiệu có yếu tố gây nhầm lẫn với thương hiệu đã được bảo hộ - một dạng tranh chấp điển hình trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

binh-minh2-1525

Vụ án Nhựa Bình Minh được xét xử gần đây đã cho thấy rõ những khoảng trống trong cách tiếp cận và xét xử các tranh chấp SHTT.

Hai vụ án đình đám trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ gần đây, vụ Nhựa Bình Minh và vụ Bia SAIGON, đều liên quan đến hành vi xâm phạm nhãn hiệu gây nhầm lẫn, nhưng lại được xử lý theo 2 hướng khác nhau. Sự khác biệt này gây ra mối băn khoăn trong cách áp dụng pháp luật về sở hữu trí tuệ tại VN. Đặc biệt, tại vụ án Nhựa Bình Minh, vốn là giải quyết tranh chấp nhãn hiệu, HĐXX lại 8 lần sử dụng thuật ngữ “logo” trong phần lập luận - một khái niệm không được định danh cụ thể trong Luật Sở hữu trí tuệ - phản ánh phần nào sự thấu hiểu và kinh nghiệm xét xử loại án SHTT.

Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia đã lên tiếng về nhu cầu cải cách toàn diện. Trong một bài viết gần đây, Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm chia sẻ:m“Chỉ khi hệ thống tư pháp thực sự thấu hiểu bản chất sở hữu trí tuệ – là công cụ phát triển chứ không chỉ là nhãn mác thương mại – thì quyền lực pháp lý mới đủ sức bảo vệ những thương hiệu chính danh và ngăn chặn hành vi ‘lách luật thương hiệu’.”

ls-tat-2-1010

 Luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch TAT Law Firm. 

Ông Tú cũng lưu ý rằng, xu thế quốc tế đã rõ ràng: các quốc gia có hệ thống tư pháp hiện đại đều đang xây dựng hoặc vận hành các tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ nhằm đảm bảo tính nhất quán, chính xác và kịp thời trong giải quyết các tranh chấp đặc thù liên quan đến tài sản vô hình.

Việc “mỗi tòa một phách” trong các vụ án như Nhựa Bình Minh hay SABECO cho thấy sự cần thiết phải thiết lập một cơ chế xét xử chuyên sâu, tránh lệ thuộc quá mức vào kinh nghiệm cá nhân của từng hội đồng xét xử. Khi không có tòa chuyên trách, án lệ không được hình thành rõ ràng, dẫn đến tính thiếu dự báo và rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt là các chủ thể đầu tư dài hạn vào thương hiệu và đổi mới sáng tạo.

Kinh nghiệm từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… cho thấy, tòa chuyên trách không chỉ nâng cao chất lượng xét xử mà còn góp phần hình thành chuẩn mực pháp lý, từ đó tạo ra niềm tin cho thị trường. Những mô hình này đều nhấn mạnh vai trò của một đội ngũ thẩm phán được đào tạo chuyên sâu, được cập nhật thường xuyên và có năng lực phối hợp với các cơ quan chuyên môn như cơ quan giám định, Cục SHTT, viện nghiên cứu chuyên ngành…

480987162_952063940403224_6850458773115864311_n

Luật sư Phạm Văn Tài cho rằng Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ không chỉ là bước cải cách mang tính tổ chức, mà còn là một chuyển biến mang tính tư duy pháp lý 

Với bối cảnh hiện nay, nếu đề xuất của Quốc hội được hiện thực hóa, việc thành lập Tòa chuyên trách về SHTT không chỉ là bước cải cách mang tính tổ chức, mà còn là một chuyển biến mang tính tư duy pháp lý. Từ chỗ xử lý theo lối hành chính – dân sự thông thường, SHTT cần được xét xử trong một hệ thống hiểu sâu bản chất tài sản vô hình, thấu cảm với thực tiễn thị trường và góp phần thúc đẩy môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Trong nền kinh tế tri thức, nơi giá trị không còn nằm ở máy móc hay nguyên liệu mà ở thương hiệu, thiết kế, thuật toán, mô hình kinh doanh, thì chậm trễ trong thiết lập một cơ chế bảo vệ đủ mạnh đồng nghĩa với việc tụt lại phía sau. Cải cách tư pháp - lần này - không còn là sự lựa chọn, mà là một đòi hỏi không thể trì hoãn.

Tạp chí Điện tử Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang