Xác lập và thực thi quyền sở hữu công nghiệp: Đơn nộp nhiều nhưng xử lý còn ít

Xác lập và thực thi quyền sở hữu công nghiệp: Đơn nộp nhiều nhưng xử lý còn ít

Đó là một trong những thông tin được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đưa ra tại báo cáo gửi tới Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 100/2023/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và Nghị quyết số 109/2023/QH15 tiếp tục thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khoá XIV và từ đầu nhiệm kỳ khoá XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Nguồn:Công an nhân dân

Cần phải có lộ trình và thời gian để chuẩn bị nguồn lực

Thống kê từ Bộ KH&CN cho thấy, năm 2023 đã tiếp nhận 148.198 đơn các loại, trong đó có tới 84.070 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Các cán bộ trực thuộc bộ đã xử lý được 107.549 đơn các loại, trong đó có 68.338 đơn đăng ký xác lập quyền; cấp 35.203 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp.

doi_moi_sang_tao_2-1729032537043.jpg

Một số quy định pháp luật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn vướng mắc.

Tiếp đến năm 2024, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm, Bộ KH&CN đã tiếp nhận 93.549 đơn (trong đó gồm 7.885 đơn sáng chế/GPHI; 2.364 đơn kinh doanh công nghiệp; 46.694 đơn nhãn hiệu quốc gia và 7.017 đơn nhãn hiệu quốc tế…), tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng thời gian này, Bộ KH&CN xử lý 88.531 đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp, tăng 22,5% so với cùng kỳ 2023 và cấp 41.785 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, tăng 67% so với cùng kỳ 2023.

Nhìn vào số liệu thống kê, Bộ KH&CN cũng thẳng thắn đưa ra nhận định, mặc dù hàng năm tốc độ xử lý đơn trung bình đều tăng so với tốc độ tăng trung bình của lượng đơn tiếp nhận, xong lượng đơn tồn vẫn còn nhiều. Nguyên nhân là do sở hữu trí tuệ là lĩnh vực mới tại Việt Nam, trong khi lượng đơn nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ tăng nhanh, do vậy Việt Nam cần phải có lộ trình và thời gian để chuẩn bị nguồn lực và nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Mặt khác, sở hữu trí tuệ là lĩnh vực đặc thù, việc xử lý đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp luôn có độ trễ theo thời hạn được pháp luật quy định và yêu cầu của người nộp đơn (rất nhiều đơn phát sinh các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình xử lý đơn).

Bộ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, để khắc phục các vấn đề nêu trên, tới đây Bộ KH&CN sẽ tiếp tục chỉ đạo Cục Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện quy chế thẩm định đơn theo hướng chi tiết, dễ áp dụng từ đó giúp đẩy nhanh quá trình xử lý đơn. Đồng thời, liên tục rà soát, tổ chức sắp xếp lại quy trình xử lý đơn để nâng cao năng suất lao động. Hiện đại hóa hệ thống quản trị đơn và thông tin sở hữu công nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị đơn sở hữu công nghiệp và quản lý các hoạt động trong cơ quan. Nghiên cứu, đề xuất chính sách đột phá, đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc tại cơ quan sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, Bộ KH&CN sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan để có cơ chế phù hợp về nguồn lực, trong đó có tăng kinh phí chi thường xuyên hằng năm cho cơ quan sở hữu trí tuệ và áp dụng cơ chế quản lý cơ quan sở hữu trí tuệ tính đến đặc thù của công tác thẩm định như các cơ quan sở hữu trí tuệ trên thế giới.

Cơ chế chính sách chưa phù hợp với đổi mới sáng tạo

Không chỉ riêng vấn đề sở hữu trí tuệ, từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ KH&CN tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH, CN&ĐMST) nhằm tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Song, người đứng đầu Bộ này cũng đánh giá một số quy định pháp luật trong lĩnh vực KH, CN&ĐMST còn vướng mắc, bất cập, chưa đồng bộ, chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và phát huy hiệu quả tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính, tự chủ của tổ chức KH&CN công lập còn chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động KH,CN&ĐMST, gây khó khăn cho hoạt động quản lý KH&CN. Công tác phối hợp với các bộ, ngành còn chưa chặt chẽ dẫn đến một số chính sách về KH, CN&ĐMST còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ với các chính sách trong lĩnh vực khác (kinh tế, đầu tư, tài chính, đấu thầu...), chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ dẫn đến chính sách, pháp luật chậm đi vào cuộc sống.

Trong báo cáo của Bộ KH&CN gửi tới Quốc hội cũng nêu rõ: Thực hiện tái cơ cấu các chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 23 chương trình/đề án KH&CN cấp quốc gia, đã giao Bộ KH&CN phê duyệt 21 Chương trình KHCN cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025 và 2021-2030 theo định hướng phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản, các hướng công nghệ ưu tiên, các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của đất nước hoặc phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia và gắn kết với lộ trình công nghệ của các ngành, lĩnh vực, phù hợp với nội dung Chiến lược phát triển KH, CN&ĐMST giai đoạn 2021-2031, phương hướng nhiệm vụ KH&CN 5 năm 2021-2025. Các Chương trình KH&CN cấp quốc gia được xây dựng theo định hướng không trùng lặp về nội dung nghiên cứu và phân bổ nguồn lực, có sự kết nối, liên thông giữa các chương trình; các nhiệm vụ KH&CN phải có tính ứng dụng cao đối với phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, trong phạm vi cả nước, giải quyết các vấn đề KH&CN có tính liên ngành, liên vùng.

Thế nhưng, trên thực tế, khó khăn vẫn đang “cản đường”. Đó là sự phối hợp giữa các bộ, ngành và các cấp địa phương chưa thực sự quyết liệt cho việc thực hiện triển khai các nhiệm vụ trong chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 dẫn đến sự chậm trễ trong việc đề xuất các nhiệm vụ KH&CN. Tiềm lực và trình độ KH&CN, đội ngũ cán bộ KH&CN tuy có phát triển về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu các nhóm nghiên cứu mạnh, thiếu các Viện nghiên cứu, trường đại học đẳng cấp quốc tế, thiếu các nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư có khả năng chỉ huy triển khai các nhiệm vụ quốc gia ở trình độ quốc tế; cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị nghiên cứu còn chưa đồng bộ. Sự phát triển kinh tế xã hội trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay cũng đã làm cho một số quy định không còn phù hợp, gây ra những khó khăn, bất cập nhất định cho các tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý trong quá trình áp dụng.

Bởi vậy, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đề xuất, trong thời gian tới cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, báo cáo Chính phủ các hồ sơ, dự án Luật. Cụ thể là tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV. Tập trung xây dựng trình Quốc hội trong năm 2025 hai dự án Luật, gồm Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; và Dự án Luật KH, CN&ĐMST.

Công an nhân dân
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang