Tầm nhìn xa trong tiêu thụ nông sản

Tầm nhìn xa trong tiêu thụ nông sản

Thời gian qua, người nông dân tại Hà Nội và Hải Dương rơi vào cảnh lao đao được mùa, mất giá, khi hàng chục ha củ cải trắng và su hào không tiêu thụ được, đành ngậm ngùi vứt bỏ hoặc bán tháo với giá rẻ mạt. Tuy đây là vấn đề không mới trong sản xuất nông nghiệp, song thực tế cũng đang đặt ra vấn đề cần xây dựng, tạo mối liên kết chặt chẽ “bốn nhà” trong tiêu thụ nông sản.


Gần một tháng nay, người dân và thương lái ở xã Tráng Việt (Mê Linh, Hà Nội) “đứng ngồi không yên” vì củ cải trắng đang chính vụ nhưng lại bị rớt giá thê thảm. Ông Nguyễn Văn Xuân người xã Tráng Việt buồn rầu cho biết, giá củ cải thời điểm này quá rẻ, bình thường, giá củ cải bán tại ruộng từ 6 nghìn đồng đến 8 nghìn đồng/kg. Thời điểm này, giá bán củ cải ngay tại ruộng là 700 đến 800 đồng/kg, thậm chí là 500 đồng/kg, nếu mang về rửa sạch cũng không bán được quá 1.000 đồng/kg. Có những củ từ 2 đến 3 kg trắng đẹp, nõn nà mà lại là rau sạch, giờ phải đổ đi. Trong khi đó, quy trình trồng củ cải rất phức tạp. Gia đình ông phải bỏ công chăm sóc và vốn đầu tư khoảng 3 - 4 triệu đồng/sào. Vậy mà, chỉ trong tháng 3-2018, nhiều gia đình đã nhổ hàng chục tấn củ cải, nhưng không thể bán hoặc chế biến cho nên đành phải thuê cả xe mang đi đổ. Thậm chí, nhiều thương lái đã đặt mua từ trước nhưng đến thời điểm này ngừng thu mua và người dân phải thuê người nhổ, vận chuyển củ cải đi vứt bỏ với giá 1,5 triệu đồng/sào.

2e682b84040c2f14eb530427cdcf9175.jpg

Người dân Hà Nội mua củ cải trắng ủng hộ bà con nông dân xã Tráng Việt.

Tình cảnh tương tự cũng xảy ra tại xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ, Hải Dương), mặc dù đã quá vụ thu hoạch nhưng hàng loạt cánh đồng trồng su hào vẫn còn nguyên do không ai thu hái. Thậm chí, có ruộng còn bị bà con phá bỏ, bởi từ Tết đến giờ giá su hào xuống quá thấp, không bõ công thu hoạch. Được biết, để trồng được một củ su hào, người dân phải mất hai tháng chăm sóc. Chỉ tính riêng tiền giống đã mất 200 đồng/củ, thế nhưng thương lái thu mua với giá chỉ 200 - 300 đồng/củ, thậm chí có nơi thương lái ngừng thu mua. Một nông dân ở xã Ngọc Kỳ ngậm ngùi “Nhà tôi có hơn một sào trồng gần 6.000 gốc su hào. Trước Tết khoảng mười ngày, có thương lái đến hỏi mua vo và trả 5 triệu đồng nhưng tôi không bán. Vậy mà chỉ mấy ngày sau đã chẳng còn ai thèm mua, cho họ cũng không lấy, giờ chỉ biết nhổ bỏ”.

Trước thực trạng nêu trên, nhiều địa phương đã tích cực, khẩn trương họp bàn chính sách kịp thời hỗ trợ nông dân. Huyện Mê Linh (Hà Nội) đã họp khẩn với các sở, ngành liên quan và một số doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn Hà Nội để tìm cách “giải cứu” củ cải của nông dân xã Tráng Việt. Hiện tại, các doanh nghiệp cam kết hỗ trợ thu mua củ cải chất lượng tốt với giá thành hợp lý. Cùng với đó, Sở Công thương Hà Nội cũng bảo đảm sẽ triển khai đồng loạt trên hệ thống phân phối của thành phố để hỗ trợ tiêu thụ cho người dân trong thời gian tới; đồng thời có văn bản gửi đến các cơ quan, đoàn thể để giúp nông dân bán với giá ổn định, tiêu thụ toàn bộ số lượng nông sản đang ứ đọng. Tuy nhiên, theo ý kiến đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc “giải cứu” này chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, tạm thời. Để không còn xảy ra tình trạng “trồng chặt, chặt trồng” này cần có một giải pháp căn cơ, bài bản, bền vững. Vì trên thực tế, vùng rau Tráng Việt đã được quy hoạch vùng trồng rau an toàn, kỹ thuật chăm sóc cây trồng cao, cái còn thiếu chỉ là khâu thương mại, tiêu thụ sản phẩm.

Nhìn lại quá khứ, không ít các vụ “giải cứu” nông sản từ chuối ở Đồng Nai, thanh long ở Bình Thuận đến dưa hấu, ớt ở Quảng Ngãi, giải cứu thịt lợn... đã diễn ra. Tuy nhiên, đó chỉ là phương án tạm thời, không thể cứ để diễn ra mãi tình trạng này. Được mùa, rớt giá, bế tắc đầu ra... là vòng luẩn quẩn mà người nông dân Việt Nam luôn gặp phải. Theo các chuyên gia trong ngành chăn nuôi, trồng trọt, điểm yếu của nông sản Việt là khâu làm thị trường kém, cùng với đó là tâm lý “đám đông”, thấy mặt hàng nào được giá là đua nhau sản xuất dẫn tới thừa cung. Cùng với đó, những vướng mắc trong liên kết “bốn nhà” đã dẫn tới những bất cập trong khâu tiêu thụ. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có sản lượng rau củ quả lớn ở khu vực châu Á và thế giới. Nhưng sản phẩm rau củ quả Việt Nam mới chỉ loanh quanh trên “sân nhà”, số lượng và chất lượng không đáp ứng yêu cầu nhà nhập khẩu. Không những vậy, nhiều loại rau củ quả Việt Nam có nguy cơ thua ngay trên sân nhà do phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nhập khẩu. Một trong những nguyên nhân của tình trạng nêu trên trước hết là do ngành hàng sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp vốn gặp nhiều rủi ro, chịu sự “thất thường” của thị trường, cho nên doanh nghiệp dễ lâm vào tình cảnh bị động. Trong khi đó, phần lớn nông dân sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, manh mún; sản phẩm làm ra ít, chất lượng chưa bảo đảm yêu cầu, tư duy canh tác còn tùy tiện, làm theo phong trào. Một căn bệnh khó chữa nữa của nông dân là tự ý phá hợp đồng khi giá thị trường cao hơn giá ký kết, khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc tiêu thụ sản phẩm.

Để giải bài toán tiêu thụ nông sản theo chiều hướng căn cơ, nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người nông dân, các cấp, ngành cần nghiên cứu có các giải pháp phù hợp để đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ nông sản một cách bền vững. Trước mắt, cần tập trung tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến tận cán bộ, hội viên nông dân, làm cho người dân hiểu rõ và thực hiện đúng chính sách, pháp luật về thương mại cũng như việc kết nối cung cầu giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp. Đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân đối với sản phẩm do Việt Nam sản xuất, cung cấp thông tin về thị trường, giá cả, các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả... Các ngành chức năng cần làm tốt công tác xúc tiến thương mại, quảng bá kết nối sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho nông sản.Tạo điều kiện, cân đối bố trí tăng kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nông sản nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững. Rà soát quy hoạch giao thông phù hợp với việc phát triển hệ thống hạ tầng thương mại nông thôn, bảo đảm nối liền mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị với các trục lộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và phương tiện vận chuyển. Triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; xây dựng các điểm bán hàng sản xuất trong nước cố định tại các xã, phường, quận, huyện và tổ chức các hoạt động Xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng và phát triển các thương hiệu quốc gia về sản phẩm nông sản. Cần có chiến lược dài hơi cùng cơ chế, chính sách đủ mạnh hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát bảo đảm an toàn từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ nông sản thực phẩm, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất sản phẩm kém chất lượng.

“Những vùng rau chuyên canh như ở xã Tráng Việt cần hình thành công đoạn chế biến giống như làng nghề, như mô hình mỗi làng, xã một sản phẩm. Bởi củ cải hay một số loại rau nếu chế biến sâu sẽ mang lại giá trị cao hơn rất nhiều mà lại chủ động được đầu ra, không bị áp lực về thời vụ và thời hạn sử dụng. Hợp tác xã và người nông dân cũng cần thay đổi thói quen sản xuất, tiến tới các mặt hàng có thương hiệu tốt về an toàn thực phẩm và mẫu mã”.

TRẦN PHƯƠNG LAN Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội

“Sở dĩ việc tiêu thụ nông sản tại nhiều địa phương còn khó khăn là do chưa có nhiều sản phẩm chất lượng, có thương hiệu. Các cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa có định hướng quy hoạch, năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao, tính cạnh tranh thấp. Phần lớn các cơ sở sản xuất không theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chưa nắm được nhu cầu thị trường, sản xuất còn theo phong trào”.

NGUYỄN VĂN TUẤN Chuyên gia kinh tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

“Không chỉ có củ cải hay su hào… mà tại nhiều địa phương do chưa có cơ chế tiêu thụ tập trung cho nên nông sản làm ra phần lớn nông dân đều phải tự đi bán lẻ, nếu tiêu thụ với số lượng lớn đều phải qua thương lái, do vậy việc bị chèn ép về giá là điều khó tránh khỏi. Do vậy, chúng tôi rất mong Nhà nước cần có giải pháp để phát triển thị trường tiêu thụ nông lâm sản phù hợp, góp phần gỡ khó cho người nông dân”.

NGUYỄN THỊ THU (Xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương)

Theo ND 

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang