Đồng thời, tham quan trực tiếp hoạt động sản xuất tại Công ty khuôn mẫu Lập Phúc. Tại buổi làm việc, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, những trì trệ, nhiễu nhương trong thủ tục hành chính vẫn đang là cản ngại cho sự phát triển của cộng đồng DN. 

Äá»ng chí Nguyá»n Thành Phong,  Chủ tá»ch UBND TPHCM  tham quan dây chuyá»n sản xuất  chế tạo khuôn mẫu  của Công ty TNHH  Lập Phúc

Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM tham quan dây chuyền sản xuất chế tạo khuôn mẫu của Công ty TNHH Lập Phúc

Chật vật tồn tại


Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TPHCM đã đại diện cho các DN trong hội phân tích nhiều yếu tố gây khó, cản trở sự phát triển của DN ngành cơ khí trong nhiều năm qua. Trước hết là chính sách thuế, DN nhập khẩu máy móc nguyên chiếc thì được hưởng mức thuế 0% nhưng DN sản xuất trong nước nhập khẩu linh kiện sản xuất thì phải chịu mức thuế 10%. Đây là nguyên nhân khiến giá thành sản phẩm chế tạo tại Việt Nam không thể cạnh tranh được với sản phẩm ngoại, dẫn đến thị phần của DN Việt trong ngành cơ khí bị hạn chế. 

Về chính sách hỗ trợ đầu tư, dù thành phố đã ban hành nhiều quyết định hỗ trợ vốn đầu tư nhưng rất ít DN có thể tiếp cận gói đầu tư. Riêng Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, tham gia đăng ký gói hỗ trợ đầu tư theo quyết định 50/2015-QĐ-UBND nhưng gần 2 năm theo đuổi thủ tục hành chính, đến nay vẫn chưa có kết quả. Một vấn đề khác cũng được nhiều DN đề cập, đó là có sự bất công bằng trong cách hành xử của cơ quan chức năng với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN nội. DN FDI dễ dàng được các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện hỗ trợ, nhất là quỹ đất để thu hút đầu tư. Còn DN nội phải “tự bơi”. Do vậy, có rất nhiều DN đã thành lập từ lâu, cần quỹ đất mới để mở rộng diện tích, nâng cấp sản xuất, nhưng không thể tìm ra. Chọn vào khu công nghiệp thì giá đất quá cao, các công ty không thuê được. Đơn cử như trường hợp của Công ty TNHH Lập Phúc, có nhu cầu đầu tư thêm nhà xưởng nhưng một thời gian dài vẫn chưa được các cơ quan chức năng cấp phép xây dựng nhà xưởng thêm. Hay như trường hợp Công ty cổ phần Máy công cụ và thiết bị T.A.T - một trong những DN tiên phong được kêu gọi đầu tư tại KCN Cát Lái, tham gia đầu tư từ năm 2001 nhưng 17 năm qua, công ty vẫn chưa được ký hợp đồng thuê đất chính thức và chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dù công ty đã đóng tiền thuê đất theo thỏa thuận hợp đồng nguyên tắc cho Công ty Công ích quận 2. Trong khi đó, KCN Cát Lái lại ký hợp đồng chính thức và cấp sổ đỏ 60.000m2 cho một DN FDI chuyên kinh doanh bất động sản công nghiệp. Chưa kể, hạ tầng Khu công nghiệp Cát Lái không được đầu tư đồng bộ, nhiều nơi bị ngập nước. 

 Một số DN nội có khả năng cung ứng tham gia chuỗi toàn cầu không thể tiếp cận được DN FDI đầu cuối. Các DN FDI đầu cuối cũng tìm mọi cách gây khó dễ để loại bỏ sự tham gia của các DN nội có đủ khả năng và đưa hệ thống DN cung ứng thân hữu của họ vào. Trường hợp Samsung là điển hình, hiện đơn vị này đang chuẩn bị đưa 200 DN cung ứng đầu tư vào Việt Nam thay vì ưu tiên sử dụng sản phẩm cung ứng nội địa. 

Cần tạo khoảng trống thị trường và vốn cho doanh nghiệp

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, chỉ số phát triển công nghiệp thành phố (IIP) 6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,11% (cùng kỳ năm ngoái tăng 7,51%), 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su nhựa, chế biến lương thực thực phẩm) tăng 9,55% cao hơn mức tăng chung của toàn ngành, trong mức tăng đó thì ngành cơ khí chế tạo chiếm tỷ trọng 17,2% giá trị sản xuất toàn ngành cho thấy sự quan trọng của ngành cơ khí trong sự phát triển kinh tế thành phố. Do vậy, thời gian tới, Sở Công thương sẽ làm việc với DN, hội ngành nghề để chọn ra những sản phẩm chủ lực của thành phố. Từ đó, xây dựng giải pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp với từng DN. 

Tuy nhiên, ngoài những chính sách trên, nhiều ý kiến DN cho rằng, TPHCM cần tạo những khoảng trống nhất định về thị trường để DN phát triển. Theo đó, phải có những điều khoản ràng buộc về tỷ lệ cung ứng sản phẩm nội địa với DN FDI khi được ưu đãi đầu tư hoặc đầu tư dự án công tại Việt Nam. Vì chỉ khi có ràng buộc về tỷ lệ thì các nhà sản xuất nước ngoài sẽ tương tác hỗ trợ cho các DN Việt Nam sản xuất đáp ứng đúng yêu cầu chất lượng sản phẩm. Như vậy, DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sẽ học tập được công nghệ của nước ngoài, phát triển sản xuất, tiến đến phát triển sản phẩm hoàn chỉnh. Song song đó, thành phố nên hạn chế thu hút đầu tư những DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ mà DN nội có thể đáp ứng về số lượng và chất lượng. 

Về quỹ đất, TPHCM cần sớm triển khai đầu tư các KCN do nhà nước làm chủ đầu tư để tạo quỹ đất với chi phí thấp phù hợp cho DN cơ khí. Từ đó làm cơ sở để tạo ra các liên kết giữa các cụm công nghiệp cơ khí - điện - tự động hóa, tạo sức mạnh tổng hợp để các DN có đủ năng lực trở thành đối tác tin cậy của các DN FDI, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, thành phố cần thiết phải sửa nội dung quyết định hỗ trợ vốn theo hướng linh hoạt, tinh gọn thủ tục hành chính, để tạo điều kiện DN tiếp cận nhanh nguồn vốn hỗ trợ và đẩy mạnh quy mô phát triển. 

 Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thành Phong đã thay mặt chính quyền thành phố xin lỗi DN vì thủ tục hành chính vẫn đang gây phiền hà, khó khăn. Riêng về những kiến nghị của các DN, thành phố sẽ tiếp thu. Trên cơ sở đó, cái nào thuộc thẩm quyền của thành phố sẽ tháo gỡ ngay, cái nào vượt thẩm quyền sẽ kiến nghị trung ương. Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng đã phê bình các sở ban ngành liên quan còn thiếu chủ động trong việc cải thiện thủ tục hành chính, dẫn đến những bức xúc, khó khăn cho DN kéo dài.

“Doanh nghiệp tạo ra năng lực cạnh tranh của thành phố, còn chính quyền tạo ra môi trường. Do vậy, trong thời gian tới, thành phố sẽ nâng số lượng khu công nghiệp (KCN) từ 18 KCN lên 23 KCN. Trong đó, có tính toán đến việc quy hoạch KCN dành riêng cho ngành cơ khí. Còn cụ thể diện tích bao nhiêu, đầu tư như thế nào thì giao Sở Công thương chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường lập đề án chi tiết trình thành phố xem xét. DN cần phải chủ động hơn trong việc tìm kiếm thị trường, thành phố sẽ hỗ trợ DN xúc tiến tìm kiếm thị trường.

Hiện TPHCM đã ký kết với 50 địa phương của các quốc gia trên thế giới. Vấn đề còn lại là hiệp hội phải kết nối cùng chính quyền trong từng ngành nghề cụ thể để tăng hiệu quả xúc tiến thương mại. Riêng về vấn đề hỗ trợ vốn, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, TPHCM sẽ làm việc với các viện trường để có hướng giải quyết. Mặt khác, yêu cầu các ngành chức năng cần rà soát và đề xuất để hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN ngành CN hỗ trợ phát triển”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Theo SGGP

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang