Theo Báo cáo về chỉ số TMĐT Việt Nam, hiện nay, một nửa dân số Việt Nam sử dụng internet và đang nằm trong top dẫn đầu về thời gian trực tuyến tại Đông Nam Á. Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng TMĐT lĩnh vực bán lẻ sẽ đạt khoảng 20%/năm và đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, trên thực tế, TMĐT trong lĩnh vực bán lẻ đang phát triển nhanh hơn với tốc độ tăng trưởng khoảng 25% năm 2017 và sẽ còn tăng trong năm 2018.
Việt Nam nằm trong top dẫn đầu về thời gian trực tuyến tại Đông Nam Á
Đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, theo thông tin từ hàng nghìn website TMĐT, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát gián tiếp một số doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát khoảng 62 - 200%. Đối với lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017, tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với năm 2016, trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%.
Hiện nay, cách thức mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng cũng khá đa dạng như qua các sàn giao dịch TMĐT hoặc qua mạng xã hội như facebook, instagram, zalo... "Tuy nhiên, hình thức mua sắm này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Thực tế tiếp nhận và giải quyết các phản ánh, khiếu nại tại cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức xã hội về bảo vệ người tiêu dùng cho thấy, TMĐT là một phương thức mua sắm mới, thu hút số lượng lớn người tiêu dùng nhưng cũng tồn tại nhiều bất cập" - ông Hồ Tùng Bách - Phó trưởng phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) - Bộ Công Thương) - cho biết. Thời gian qua, Cục đã nhận hàng nghìn khiếu nại mỗi năm về mua sắm trực tuyến qua đường dây nóng và văn bản gửi đến Cục. Các khiếu nại, phản ánh chủ yếu tập trung vào: Hàng nhận được không giống với quảng cáo (về hình dáng, tính năng, công dụng, thông số kỹ thuật,...); sai về xuất xứ hàng hóa, giá; hàng hỏng nhưng không thu hồi; giao hàng chậm; hủy đơn hàng không lý do... Thậm chí, có trường hợp giao dịch với các tổ chức cá nhân có chủ đích lừa đảo, đặc biệt là qua mạng xã hội như facebook, zalo… Thêm vào đó, sản phẩm không được cung cấp hóa đơn, khiến người tiêu dùng thiếu cơ sở, căn cứ khi muốn khiếu nại.
Để mua sắm trực tuyến thực sự là hình thức mua sắm mang lại nhiều tiện ích, bên cạnh nỗ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước, Cục CT&BVNTD khuyến cáo, người tiêu dùng cần chủ động tìm hiểu kỹ về hình thức mua sắm này. Nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…); tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận…; tìm hiểu kỹ về sản phẩm/dịch vụ trước khi mua. Người mua hàng cần cảnh giác với những yêu cầu cung cấp thông tin từ những trang web lạ; thông báo về việc trúng thưởng phiếu mua hàng dùng để mua sản phẩm của công ty; hay thông báo trúng thưởng và người tiêu dùng phải đóng tiền thuế, phí để nhận được sản phẩm.
Trong trường hợp phát sinh tranh chấp trong TMĐT với tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng có thể liên hệ tới cơ quan quản lý nhà nước để được hỗ trợ, tư vấn là Cục CT&BVNTD theo số điện thoại 1800.6838 hoặc gửi đơn khiếu nại tới địa chỉ 25 Ngô Quyền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo Công thương