Thương mại trên di động được đánh giá là nền tảng hỗ trợ cho xu thế kinh doanh trực tuyến. Với hơn 50% dân số sử dụng internet và gần 50 triệu thuê bao smartphone mà đa số là người trẻ, thị trường này được kỳ vọng sẽ hậu thuẫn tốt cho thương mại điện tử giai đoạn tới.
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Thị trường hàng hóa thông qua thương mại điện tử theo đó cũng mở rộng sang các thị trường mới, nơi mà thương mại điện tử chỉ mới ở giai đoạn đầu, tạo nên mức tăng trưởng đáng kể. Hiện thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng 69%, chỉ sau Thái Lan (104%) và Malaysia (88%).
Số liệu tổng hợp từ trang so sánh trực tuyến iPrice từ 1.000 doanh nghiệp thương mại điện tử cho thấy, tổng lượng mua sắm trực tuyến thông qua thiết bị di động tại Việt Nam tăng trưởng cao với mức 26% trong năm 2017. Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về tỷ lệ chuyển đổi số lượt truy cập website có thể dẫn đến mua sắm thành công với 65%, kế tiếp là Singapore và Indonesia.
Thống kê của Facebook cho thấy trong năm 2017, Việt Nam có 46 triệu người dùng trang mạng xã hội. Mặt khác, Việt Nam cũng nằm trong top các quốc gia có tốc độ tăng trưởng quảng cáo trên di động nhanh nhất, khoảng 35% mỗi năm, tương ứng với tăng trưởng của ngành thương mại điện tử.
Theo báo cáo của Kantar Worldpanel, doanh thu hàng hóa thông qua các nền tảng thương mại điện tử của 3 thị trường này đã tăng 30% trong một năm, tính đến tháng 3/2017. Giao dịch trực tuyến trên các mô hình công nghệ hiện đại đã lấn sang thị phần của các hình thức mua bán truyền thống. Tỷ lệ người mua sắm thông qua thương mại điện tử từ 5,4% đã tăng lên 8,8% tính theo tổng số dân tại 4 thành phố lớn của Việt Nam, giá trị của mỗi giỏ hàng mua sắm trực tuyến gấp 3 lần giá trị của một giỏ hàng truyền thống.
Thương mại điện tử trên nền tảng di động sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo, chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ toàn cầu. Dự báo đến 2020, Việt Nam có khoảng 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến nhờ vào thế hệ người tiêu dùng trẻ ngày càng ưa chuộng mua sắm số. Công nghệ đặc trưng của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ khởi nguồn cho các ứng dụng thương mại điện tử mới, từ mô hình kinh tế chia sẻ, bán hàng đa kênh, thương mại trên di động và thanh toán di động sẽ trở nên phổ biến và thúc đẩy thương mại trực tuyến xuyên biên giới.
Nhiều chuyên gia thương mại dự báo, doanh thu toàn cầu ngành bán lẻ thương mại điện tử đạt 2.290 tỷ USD năm 2017, chiếm khoảng 10% tổng doanh số bán lẻ, sẽ tăng lên 4.479 tỷ USD năm 2021. Xu thế này khiến thương mại điện tử năm 2018 có biến đổi lớn. Các thị trường đang phát triển sôi động ở Đông Nam Á, Trung Đông và châu Mỹ Latin dẫn đến sự chuyển đổi lớn trong cách thức buôn bán hàng hóa trên mạng.
Xu hướng cá nhân hóa là mấu chốt giữ chân khách hàng và đặc biệt phù hợp trong môi trường thương mại trên di động. Các công ty chú trọng vào dịch vụ, sản phẩm và thông tin đáp ứng sở thích cá nhân. Theo Tập đoàn Tư vấn Boston, các nhà bán lẻ đáp ứng nhu cầu cá nhân giúp doanh thu tăng 6 - 10%, đáp ứng nhanh hơn từ vài ba lần các nhà bán lẻ khác.
Thiết bị di động sẽ trở nên quan trọng, dự báo đạt 70% trong tổng giao dịch thương mại điện tử vào cuối năm 2018 và xu hướng ngày càng tăng cao. Những người mua hàng bằng smartphone cũng có xu hướng chi tiêu gấp đôi so với những người không mua hàng trên thiết bị di động.
Theo DNSG