Thị trường phân bón năm 2017- Nhiều chuyển biến tích cực

Thị trường phân bón năm 2017- Nhiều chuyển biến tích cực

Sau một thời gian dài trầm lắng và giảm giá liên tục trong năm 2016, thị trường phân bón bước vào năm 2017 với những biến động mạnh mẽ. 


Trong đó phải kể đến sự tăng giá đối với mặt hàng Ure khi các nhà máy Trung Quốc duy trì việc cắt giảm sản lượng, không đáp ứng đủ nhu cầu nội địa, đồng thời khiến cho lượng hàng xuất khẩu bị giới hạn. Tính đến ngày 6/3/2017, giá FOB phân Ure giao sau tại Mỹ tăng 22,6% so với mức thấp nhất vào tháng 7/2016. Tại thị trường trong nước giá phân Ure cũng hồi phục khi tăng khoảng 10%.

Bên cạnh đó, giá than, giá điện tăng cũng giúp đẩy giá thành sản xuất đi lên và củng cố cho đà tăng của giá Ure. Ngoài ra, với việc ElNino chấm dứt, lượng mưa tăng lên, hạn hán suy giảm và tình trạng xâm nhập mặn tại khu vực canh tác chính miền Nam cải thiện đã giúp ngành nông nghiệp phát triển, nhu cầu phân bón hồi phục từ mức đáy năm 2016. Giá các mặt hàng nông sản thuộc đối tượng tiêu thụ phân bón số lượng lớn như cao su, hồ tiêu cũng có sự phục hồi mạnh mẽ khi giá cà phê dao động từ 40.000 - 45.00 đồng/kg, giá mủ cao su thiên nhiên phục hồi từ vùng 30 triệu lên xấp xỉ 50 triệu đồng/tấn nên rất nhiều nhà vườn, công ty mở miệng khai thác mủ trở lại kéo theo nhu cầu tiêu thụ phân bón tăng theo.

Nhờ những thuận lợi về thời tiết, giá cả thị trường trong năm 2017, ngành phân bón trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, các hoạt động xuất nhập khẩu được các doanh nghiệp đẩy mạnh và đạt mức tăng trưởng cao.

Hàng tỷ USD nhập khẩu phân bón

Theo thống kê của Vibiz.vn, để đáp ứng nhu cầu trong nước, năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 4,6 triệu tấn phân bón các loại, kim ngạch 1,2 tỷ USD, tăng 10,8% về lượng và 9,31% về kim ngạch so với năm 2016. Giá nhập bình quân giảm 1,31%, xuống còn 264,85 USD/tấn.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường  nhập khẩu phân bón chủ lực của Việt Nam, chiếm trên 40% tổng lượng nhóm hàng với 1,8 triệu tấn, kim ngạch 457,1 triệu USD, nhưng so với năm 2016 mức độ nhập từ thị trường này suy giảm cả lượng và kim ngạch, giảm lần lượt 4,47% và 2,38%.

Đối với thị trường Nga, Nhật Bản lượng phân bón nhập từ hai thị trường này đều có mức tăng trên 2 con số, tăng tương ứng 49,29% và 57,85% đạt 536,7 nghìn tấn và 272,2 nghìn tấn.

Ngoài ba thị trường chủ lực kể trên, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như: Lào, Hàn Quốc, Đức, Thái Lan, Mỹ…

Bảo vệ sản xuất trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu

Trước áp lực nhập khẩu tăng, Bộ Công Thương  đã ra quyết định áp thuế tự vệ tạm thời cho sản phẩm DAP/MAP nhập khẩu vào Việt Nam. Căn cứ vào Quyết định áp thuế tự vệ với phân bón, mức thuế tự vệ tạm thời là 1.855.790 VND/tấn.

Biện pháp thuế tự vệ tạm thời kéo dài không quá 200 ngày và chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau ngày 6/3/2018. Bộ Công Thương ban hành Quyết định này với kỳ vọng bảo vệ cho sản xuất trong nước, gỡ khó phần nào cho doanh nghiệp nội trước áp lực từ phân bón nhập khẩu.

Đồng thời, nhằm ổn định đầu ra cho sản xuất và hạn chế các tác động bất lợi từ sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp phân bón cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch ổn định sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ, tăng tính cạnh tranh sản phẩm. Đơn cử như Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao đã tập trung đổi mới công nghệ, sản xuất các sản phẩm có chất lượng tốt, cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Công ty CP phân bón Bình Điền đẩy mạnh xuất khẩu NPK sang thị trường truyền thống Campuchia. Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu Ure sang thị trường Malaysia, Myanmar, Thái Lan - những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn về chất lượng, tính cạnh tranh về giá.

d01e52aca3171df57e2d721187881b06_Untitled-2_copy.jpg


Nhờ các hoạt động đẩy mạnh xuất khẩu mở rộng thị trường của các doanh nghiệp, bức tranh tổng thể về xuất khẩu ngành phân bón đã trở nên lạc quan hơn. Năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu 930,4 nghìn tấn phân bón, kim ngạch 263,6 triệu USD, tăng 24,7% về lượng và tăng 25,8% về kim ngạch so với năm 2016. Giá xuất bình quân  đạt 278,7 USD/tấn, tăng 4,4%.a

Tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng vào năm 2018

Năm 2018, ngành trồng trọt đặt mục tiêu xuất khẩu 21 tỷ USD, tăng 2,2-2,3% so với cùng kỳ năm 2017. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam đặt kế hoạch tăng diện tích cây ăn quả lên khoảng 930.000 ha và tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Không chỉ trồng rau và hoa công nghệ cao, mỗi địa phương sẽ phát triển ở các thành phố lớn các vùng trái cây quy mô lớn theo tiêu chuẩn GAP về thực hành nông nghiệp cũng như an toàn thực phẩm. Đây là động lực lớn giúp ngành phân bón tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Đồng thời, năm 2018, luật sửa đổi VAT nhiều khả năng sẽ được thông qua, cùng với các dự án NPK hàm lượng cao đi vào hoạt động , tạo kỳ vọng về bức tranh ngành phân bón với nhiều khởi sắc.

Với thế mạnh là nhà cung cấp hàng đầu những phân tích và dự báo chuyên sâu về ngành phân bón, Chuyên trang cơ sở dữ liệu về các ngành kinh tế và kinh doanh Vibiz.vn phối hợp cùng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đưa ra báo cáo về doanh nghiệp xuất nhập khẩu phân bón 2017. Nội dung cung cấp trong báo cáo đa dạng, toàn diện từ tình hình xuất nhập khẩu chung (kim ngạch, mặt hàng, thị trường, top các doanh nghiệp xuất nhập khẩu), đến chi tiết xuất nhập khẩu từng chủng loại phân bón: Ure, Lân, NPK, DAP, Kali, SA, Amoni nitrat (thị trường xuất nhập khẩu, top doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo chủng loại), đồng thời kết hợp đi sâu phân tích những thuận lợi, khó khăn, cơ hội phát triển của ngành phân bón nói chung, và thế mạnh, thách thức đối với từng loại phân bón xuất nhập khẩu.

 

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang