"Giới trẻ bây giờ thích ở nhà thuê hơn nhà mua"

"Giới trẻ bây giờ thích ở nhà thuê hơn nhà mua"

Chia sẻ của TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, tại Tọa đàm thường niên đánh giá triển vọng thị trường chung cư Hà Nội 2023 - 2025.

Nguồn:Báo đầu tư

TS.Võ Trí Thành bắt đầu bằng câu chuyện chung cư xưa và nay, từ câu chuyện của chính ông cũng như nhiều người khác - thế hệ của giai đoạn những năm 60 của thế kỷ trước. Hồi đó, hoàn toàn không có khái niệm chung cư, thay vào đó, chúng gọi là “tập thể” - một từ ngữ rất Việt Nam.

"Hồi đó, cũng chưa có khái niệm về hệ sinh thái, nhưng tôi đảm bảo chỗ vui chơi, giải trí của chúng tôi hơn hẳn lớp trẻ bây giờ. Đơn cử, các không gian vui chơi với bạn bè như sân bóng, chơi chuyền... đều đủ cả, thay vì trẻ em ngày nay chỉ có căn phòng kín với chiếc máy tính. Sau đó đến khi sang nước ngoài du học, tôi sinh sống nhiều ở các nhà chung cư đi thuê và đã quen hơn với loại hình bất động sản này", ông Thành hồi tưởng.

TS.Võ Trí Thành chia sẻ tại Tọa đàm

TS.Võ Trí Thành chia sẻ tại Tọa đàm và công bố Báo cáo thường niên: Xu hướng thị trường chung cư trung - cao cấp Hà Nội năm 2023, triển vọng 2023 - 2025.

Trở lại câu chuyện xu hướng sống, ông Thành cho rằng, con người có 3 nhu cầu chính trong cuộc sống: Nhu cầu làm việc để tạo thu nhập; nhu cầu được giải trí, nghỉ ngơi; nhu cầu về sức khỏe. 

Khi cuộc sống càng tốt, thu nhập càng cao thì sự cân bằng giữa 3 nhu cầu này càng lớn. Hơn nữa, “cung” lao động của con người hoàn toàn không giống hàng hóa. Đối với hàng hóa, cung càng cao thì cầu càng cao, còn “cung” lao động của con người theo hình vòng, đến một giới hạn nhất định phải cần có sự nghỉ ngơi, thư giãn. 

"Đặc biệt là lớp trẻ ngày nay, khác xa với thế hệ chúng tôi rất nhiều. Thay vì mua nhà, cơ bản họ cũng thích ở nhà thuê hơn và đây cũng là xu hướng phù hợp với họ khi có thể thay đổi thường xuyên, xê dịch nhiều nơi. Nhu cầu bán nhà để mua nhà mới hoặc chuyển sang đi thuê nhà là rất cao, ở những đại đô thị như Hà Nội, chúng ta có thể thấy rất rõ thực trạng này", ông Thành nhìn nhận.

Ông Thành cũng đồng tình với quan điểm về xu thế sống xanh, sống thân thiện. Tuy nhiên, ông đặt câu hỏi: liệu chúng ta có cần một đô thị quá thông minh?

"Tôi cho rằng, điều cốt lõi chúng ta cần thực sự là tính thân thiện và nhân văn của nơi sinh sống", ông Thành nói.

Tầng lớp người trẻ, gen Z chính là những thế hệ sẽ dẫn dắt các xu hướng này trong tương lai. Mới chỉ có 2-3% nhà ở Việt Nam đảm bảo tiêu chí xanh, trong khi tại Singapore, con số này gần như tới 99%. Nói về hệ sinh thái, ở Việt Nam hiện nay đô thị hóa đất đai lại nhanh hơn đô thị hóa về việc làm, về phát triển kinh tế.

"Còn nói về quy hoạch, tức là vấn đề kết nối cuộc sống cư dân, chúng ta cũng chưa đảm bảo khi nơi sinh sống của nhiều người dân còn cách xa nơi làm việc ở khu trung tâm thành phố, đi lại rất vất vả. Đô thị chung cư có “độ nén” và lợi thế lớn về quy mô cho hoạt động kinh tế. Tuy nhiên theo tôi thấy ở các đại đô thị như Hà Nội và TP.HCM hiện nay, “độ nén” chưa đủ nhưng hiệu ứng tắc nghẽn lại là quá lớn", ông Thành bình luận.

Trong tương lai, vấn đề tắc nghẽn cục bộ ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM còn lớn hơn nữa. Nếu gọi là chung cư cao cấp, sinh thái nhưng chưa đảm bảo việc nghỉ ngơi, giải trí, sức khỏe đi kèm thì vẫn chưa đúng với bản chất của sinh thái.

"Về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, việc xây dựng lại chung cư cũ, chúng ta cần có tầm nhìn xa về quy hoạch. Có thể sau 7 - 10 năm nữa, khái niệm nhà ở xã hội không còn, thu nhập người dân cải thiện hơn thì thế nào? Nếu chúng ta giải quyết bài toán nhà ở xã hội hiện nay mà không tính đến hệ thống mới và những vấn đề như độ nén đô thị quá cao ở trung tâm, hay thiếu hạ tầng, tiện ích thì việc xây mới tại 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội sau năm 2030 sẽ để lại hệ quả. Đơn cử, bây giờ có rất nhiều đô thị không có dân cư, nên chúng ta phải có tầm nhìn 7 - 10 năm trong vấn đề xây dựng nhà ở xã hội", ông Thành chia sẻ

Báo đầu tư
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang