Xoài Cao Lãnh 'lãnh đủ' vì bị mạo danh, bị dừng nhập khẩu

Xoài Cao Lãnh 'lãnh đủ' vì bị mạo danh, bị dừng nhập khẩu

Xoài Cao Lãnh, Đồng Tháp bị làm giả xuất xứ, càng sốc hơn khi phía Trung Quốc đã thông báo dừng nhập khẩu xoài có mã vùng trồng ở đây.


Xoài Cao Lãnh lãnh đủ vì bị mạo danh, bị dừng nhập khẩu - Ảnh 1.

Tại một nhà máy được cấp mã số nhà đóng gói xuất sang Trung Quốc nhưng bị “xài chùa” và bị “gạch tên” một cách oan ức - Ảnh: NGỌC TÀI

Nguyên nhân do vào tháng 6-2020, phía hải quan Trung Quốc phát hiện 220 lô xoài tươi nhập khẩu từ Việt Nam nhiễm sâu gây hại, trong đó có nhiều lô gắn các mã số của Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương. Trớ trêu là thời điểm này xoài ở Đồng Tháp đã hết vụ.

Mã số bị nhái tứ tung

Bà Đinh Kim Nhung - phó giám đốc Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp - cho biết công ty bà là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của ĐBSCL được cấp mã số là nhà đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc. Chưa kịp mừng thì trong một chuyến công tác ra Bắc bà phát hiện mã số của mình được sử dụng vô tội vạ trên hàng loạt lô hàng xuất khẩu.

Khi bà Nhung tìm gặp cơ sở đóng gói để khiếu nại thì chỉ nhận được câu trả lời tỉnh bơ: "Phía thương lái Trung Quốc kêu in mã số nhà đóng gói nào thì in cái đó". Chưa hết bức xúc, gần đây bà nhận được đơn đặt hàng từ phía thương lái Trung Quốc và được "cho" mã số của nhà đóng gói để đóng lên lô hàng. Ngược đời là mã số được phía đối tác "cho xài" chính là mã số của bà.

Do trở thành mã số "công cộng" cho quá nhiều lô xoài, hiện nay mã số của bà Nhung chính thức "biến mất" khỏi danh sách được công nhận.

Theo nhiều nhà vườn và doanh nghiệp thu mua, việc cấp mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói để xuất hàng sang Trung Quốc khá đơn giản. Nhà vườn chỉ kê khai tên chủ hộ, diện tích, địa chỉ, sản lượng, danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật thường dùng... Phía Trung Quốc sẽ cấp mã số vùng trồng mà không cần đến tận nơi để kiểm tra.

Với nhà đóng gói, ngoài việc phải là doanh nghiệp, những thủ tục khác khá đơn giản. Trong khi đó, nếu mã số đóng gói xuất sang châu Âu, họ có người trực tiếp xuống kiểm tra, yêu cầu khắc phục nếu chưa đạt.

Thêm nữa, những mã số xuất khẩu ở các thị trường lớn khác đều được bảo mật, chỉ doanh nghiệp, vùng trồng được cấp biết. Trong khi mã số xuất sang Trung Quốc được công khai, ai muốn tìm là có ngay.

Phải bảo vệ người làm chân chính

Ngoài mã số nhà máy đóng gói của bà Nhung bị loại khỏi danh sách cập nhật trên trang web của Cục Bảo vệ thực vật thì hai mã số vùng trồng của HTX xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) cũng bị loại, trở thành "nạn nhân" mới của việc bị "xài chùa" mã số.

Ông Võ Việt Hưng - giám đốc HTX xoài Mỹ Xương - phân trần các đối tác ký hợp đồng với HTX không có đơn vị nào xuất hàng sang Trung Quốc và thời điểm phát hiện các lô xoài có sâu gây hại, xoài của HTX cũng đã hết vụ. "Bị làm giả xuất xứ thành viên HTX giận lắm, bị mang tiếng và ảnh hưởng lâu dài" - ông Hưng nói.

Bà Lê Thị Hà, phó Phòng quản lý chất lượng - an toàn thực phẩm, Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, cho biết hiện tại trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 110 mã số vùng trồng cây ăn trái và 13 mã nhà đóng gói quả tươi xuất khẩu sang Trung Quốc. Việc quản lý các mã số để xuất hàng sang Trung Quốc, theo bà Hà, chưa có văn bản hướng dẫn hoặc quy định về việc quản lý, bảo hộ.

Phía Sở NN&PTNT Đồng Tháp cũng đã có công văn phản hồi với Cục Bảo vệ thực vật về tình trạng xoài địa phương khác gắn mác xuất xứ của xoài Đồng Tháp, kiến nghị cơ chế quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói để đảm bảo quyền lợi cho nông dân, doanh nghiệp.

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang