Thích ứng với xu hướng đổi ngôi

Thích ứng với xu hướng đổi ngôi

Sở hữu một thương hiệu mạnh, doanh nghiệp có thể ung dung tung ra sản phẩm với giá cao hơn rất nhiều đối thủ cạnh tranh hoặc chờ đợi khách hàng đến gõ cửa sử dụng danh mục sản phẩm nghèo nàn của mình? Câu trả lời là hãy dè chừng.

 


Nếu như các bảng xếp hạng thương hiệu trước đây chỉ thay đổi rất ít trong mỗi năm thì hiện nay có sự xáo trộn rất lớn. Nhiều thương hiệu một vài năm trước ở vị trí cao giờ đã tụt xuống vị trí thấp hơn nhiều trong bảng xếp hạng.

Chẳng hạn, bảng xếp hạng danh sách Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2017 do Tạp chí Bán lẻ châu Á (Retail Asia Publishing) và Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor Intenational vừa công bố cho thấy, FPT Shop nhảy lên vị trí thứ 4, đẩy Trần Anh và Viễn Thông A, hai thương hiệu bán lẻ đình đám xuống vị trí 8, 9.

Thực tế, các thương hiệu mạnh vẫn có thể đặt ra các mức giá cao hơn thông thường, tuy nhiên mức độ chênh lệch đã giảm xuống. Sự trung thành của khách hàng với thương hiệu đã không còn bền chặt như trước đây. Đó là diễn biến cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường nhựa xây dựng phía Nam.

Thương hiệu dẫn đầu thị trường là Nhựa Bình Minh đang bị rút thị phần về tay các đối thủ như Hoa Sen, Tân Á Đại Thành. Đây là lý do trong lịch sử hơn 10 năm trở lại đây, vào đầu năm 2017, Nhựa Bình Minh buộc phải tăng chiết khấu cho các đại lý từ 11% lên 15%.

Tại sao lại như vậy? Trước đây, sản phẩm phần lớn là những loại hàng hóa thông thường và những sản phẩm nào có thương hiệu thường mang lại cho khách hàng sự đảm bảo về mặt chất lượng và sự nhất quán, do vậy chúng xứng đáng với mức giá cao hơn. Còn hiện nay, số lượng các sản phẩm tăng lên và cơ hội lựa chọn đa dạng thêm, sự có mặt của nhiều thương hiệu giúp cho việc lựa chọn mua sắm trở nên dễ dàng hơn.

Khi đó, cùng với những hình thức quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, việc xây dựng thương hiệu trở nên dễ dàng và đỡ tốn kém hơn nhiều. Khi đã thiết lập được vị trí thương hiệu, việc duy trì lợi thế cạnh tranh của thương hiệu cũng thuận lợi hơn.

ảnh 1

Mặt khác, nền kinh tế thị trường đã tạo ra nhiều thay đổi. Cuộc sống của người tiêu dùng bận rộn hơn và phức tạp hơn, họ cập nhật tin tức về thế giới xung quanh từ nhiều nguồn khác nhau. Người tiêu dùng có nhiều phương tiện để chia sẻ trải nghiệm về các sản phẩm mới.

Cùng với sự thuận tiện trong tiếp cận thông tin thì khả năng rủi ro khi đưa ra những lựa chọn tồi cũng hạn chế đi. Tiếng thơm lan xa nhưng tiếng xấu về các thương hiệu cũng lan truyền với tốc độ kỷ lục.

Một ví dụ được ông Vòng Thanh Cường, CEO của Boomerang chia sẻ, năm ngoái, Trung Quốc có bắt một nhóm sản xuất bia giả, sau đó trên mạng internet cũng xuất hiện một video về làm bia giả của Heneiken ở Hà Nội.

Khi clip bia giả mới xuất hiện, 6 giờ tối hôm trước, khi nhà quản trị rời công sở thì chỉ mới có 3 tin tiêu cực về thương hiệu xuất hiện trên các trang mạng, nhưng đến 9 giờ sáng hôm sau, lúc họ đến công sở và mở máy tính lên, số lượng bài đăng và thảo luận trên các trang mạng, diễn đàn trực tuyến về vụ bia giả đã lên tới con số 7.419 và cuối ngày hôm đó bùng nổ tới 24.024.

Bởi vậy, dễ hiểu vì sao những thương hiệu mạnh vẫn không ngừng chi cho marketing. Muốn vươn lên phải thực sự vận động, đó là cách doanh nghiệp buộc phải thích ứng.

Cũng cần lưu ý một điểm là hoạt động xây dựng thương hiệu không chỉ dành cho các thương hiệu lớn mà dành cho bất cứ doanh nghiệp nào tâm huyết với sản phẩm dịch vụ mà họ cung cấp và đủ khôn khéo để phát triển mối quan hệ gắn bó với khách hàng.

Các thị trường và sự lựa chọn cho các phương tiện truyền thông hiện nay ngày càng bị phân khúc rõ rệt, sức lan truyền của thông tin ngày một nhanh hơn nên các doanh nghiệp nhỏ cũng có nhiều cơ hội hơn để nâng tầm những gì mình có và thiết lập nền tảng cơ sở cho sự phát triển.

Ông Cao Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phục Hưng Holdings cho biết, nỗ lực xây dựng thương hiệu trong 3 năm trở lại đây của Công ty bắt đầu thu được quả ngọt. Giờ Phục Hưng có thể chọn chủ đầu tư để hợp tác thay vì chỉ đơn thuần kiếm hợp đồng như trước đây. Giá trị cổ phiếu của PHC của Công ty cũng đã tăng mạnh gấp gần 3 lần so với trước khi tập trung cho thương hiệu.

Xu hướng đổi ngôi trên thị trường cũng buộc các thương hiệu mạnh phải bắt tay liên kết để cùng gia tăng sức mạnh cộng hưởng. Có thể nhìn thấy nhiều ví dụ cho sự chuyển động này, chẳng hạn FPT mới đây hợp tác với Coca-Cola, ngân hàng bắt tay với các hãng bảo hiểm, các hãng xe hơi hợp tác chiến lược với nhà băng…

Thương hiệu muốn duy trì sức mạnh của mình giờ đây phải vươn ra trước và nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng. Có như vậy mới kỳ vọng duy trì được sự trung thành của khách hàng và góp phần giữ vững vị trí của mình trên các bảng xếp hạng.

Theo TNCK

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang