Thúc đẩy thương mại trong nước- ​Phát triển các chuỗi cung ứng

Thúc đẩy thương mại trong nước- ​Phát triển các chuỗi cung ứng

Tăng trưởng trung bình trên dưới 10%/năm, thương mại trong nước được đánh giá là một trong những động lực chính cho sự phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên, sự phát triển của lĩnh vực này vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa bền vững.


Nhận diện thách thức

Thông tin tại Hội thảo "Vai trò của cơ quan quản lý và doanh nghiệp (DN) trong phát triển thương mại, dịch vụ" do Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức mới đây cho thấy, dân số đông, sức mua lớn là yếu tố giúp Việt Nam được nhận định là một trong những thị trường hấp dẫn nhất thế giới. Giai đoạn 2011 - 2017, mức tăng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là 10%/năm, đạt 3.234,2 nghìn tỷ đồng vào năm 2017. Con số này của 4 tháng đầu năm 2018 là 1.399,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,85% so với cùng kỳ năm 2017. Giai đoạn 2006 - 2016, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn cao gấp 1,5 - 2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cùng thời kỳ.

7f2edbfc3f34bd608c82cb09707dc1f0_tr5.jpg

Nên tập trung khai thác thị trường nông thôn bằng việc xây dựng các cửa hàng tiện lợi

Ông Nguyễn Văn Hội - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, dù thương mại trong nước có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn cho sự phát triển của kinh tế trong nước nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn. Cụ thể, hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ tăng nhanh nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn.

Về phía các DN, ông Đinh Văn Thành - Tổng công ty May 10 - cho hay, khó khăn lớn nhất đối với các DN hiện nay là nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. "Không khó khăn gì khi chúng ta nghe thấy người bán cho biết đây là hàng xách tay, hàng sản xuất nối chuyền (sản xuất hơn số lượng của khách đặt hàng để rồi bán bằng thương hiệu có uy tín), hàng "hải quan"… Nhưng thực tế, đây là hàng nhái, hàng giả, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của DN" - ông Thành thẳng thắn cho biết.

Hình thành các doanh nghiệp đủ mạnh 

Để các DN Việt Nam có đủ năng lực làm chủ thị trường, phát huy tiềm năng, lợi thế của thương mại nội địa, PGS-TS. Hoàng Thọ Xuân - chuyên gia thương mại - cho rằng, cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để củng cố, phát triển các tổng công ty, tập đoàn kinh doanh thương mại có quy mô lớn để đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Tiếp tục phát triển các cơ sở kinh doanh thương mại hoặc dịch vụ phụ trợ phục vụ thương mại khác theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp như sàn giao dịch điện tử, trung tâm logistics, kho bán buôn… nằm ở ngoại vi các đô thị. 

Bên cạnh đó, các DN nên tập trung khai thác thị trường nông thôn bằng việc xây dựng các cửa hàng tiện lợi, bởi đây là thị trường rất nhiều tiềm năng và là địa bàn giàu "dinh dưỡng" cho phát triển thị trường, đặc biệt là thị trường hàng Việt. Đặc biệt, hình thành các chuỗi cung ứng hoàn thiện từ sản xuất đến tiêu thụ để nâng cao sức cạnh tranh.

"DN hoàn toàn có quyền hy vọng về một thị trường với trật tự mới, cấu trúc mới. Khi ấy, quản trị chuỗi sẽ trợ giúp đắc lực cho chống buôn lậu và gian lận thương mại, quản lý chất lượng hàng hóa, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm… Phát triển các chuỗi cung ứng là con đường hợp thời nhất để có ngành thương mại hiện đại trong một thị trường hiện đại" - PGS-TS. Hoàng Thọ Xuân cho hay. 

Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn 2025, tầm nhìn 2035. Với những hoạt động hỗ trợ DN Việt mở rộng hệ thống phân phối; ứng dụng thương mại điện tử, chiến lược này dự kiến sẽ giúp thương mại nội địa phát triển mạnh hơn trong tương lai.

 

Theo Công Thương 

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang