Yếu về thương hiệu
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, từ đầu năm đến nay, giá trị XK các mặt hàng nông sản, thực phẩm đạt kim ngạch 8,25 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2017; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 3,12 tỷ USD, tăng 9,7%. Mặc dù kim ngạch XK tăng cao nhưng các DN vẫn chủ yếu XK nguyên liệu thô. Cụ thể, mặt hàng rau củ quả phần lớn chưa qua chế biến mà chỉ qua sơ chế hoặc xuất thô, tập trung ở 3 dạng là đồ hộp, nước trái cây và trái cây sấy khô. Không những thế, các DN Việt Nam cùng kinh doanh một ngành hàng mới chỉ quan tâm đến thương hiệu đơn lẻ, thiếu liên kết trong việc xây dựng thương hiệu chung toàn ngành.
Dây chuyền sản xuất xúc xích mang thương hiệu Hapro. Ảnh: Thu Hương
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Tạ Hoàng Linh cho biết: Hiện cà phê Việt Nam chiếm đến 90% kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc nhưng người tiêu dùng Hàn Quốc lại nhầm tưởng là cà phê Brazil. Tương tự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh nêu rõ: Việt Nam có hàng trăm mặt hàng thực phẩm, nông sản chế biến đã tham gia vào thị trường XK, song người tiêu dùng trên thế giới chỉ mới biết đến một vài thương hiệu như cà phê Trung Nguyên, Vinamit, mì Acecook…
Truyền thông phải nổi bật
Chuyên gia thương hiệu của Tổ chức Hỗ trợ Nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI) Leon Trujilo cho rằng: Việt Nam là nước cung cấp hàng đầu nhiều loại nông sản, thực phẩm cho thế giới khi kim ngạch xuất khẩu nông sản hàng năm lên tới hàng chục tỷ USD, thế nhưng thế giới chưa biết đến. Điều đó cho thấy, DN Việt Nam cần xây dựng và truyền thông thương hiệu mạnh mẽ cho tổng thể toàn ngành thực phẩm trong nước. “Thương hiệu sẽ mang lại cho nông sản Việt Nam những lợi ích như làm cho khách hàng nhận biết được sản phẩm, phân biệt được thực phẩm Việt Nam với các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Colombia… Từ đó nhà sản xuất sẽ tìm tới Việt Nam nhiều hơn” - ông Leon Trujilo nêu rõ.
"Để xây dựng uy tín thương hiệu thì các DN trong ngành chế biến thực phẩm càng phải quan tâm đến chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh liên kết với DN bán lẻ để mở rộng kênh phân phối… đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Trong đó, cần chú trọng những sản phẩm độc đáo với các tiêu chuẩn độc nhất, có thể kết nối với lịch sử, con người và vị trí địa lý." - Phó Tổng giám đốc TH True Milk Ngô Minh Hải |
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong ngành thương mại, để có thể tạo dựng được thương hiệu sản phẩm tại thị trường quốc tế, các DN Việt cần tổ chức chiến dịch truyền thông nổi bật, đúng mục tiêu và vào đúng thời điểm họ dự kiến mua, sử dụng thực phẩm Việt. Theo TS Lục Thị Thu Hường, trường Đại học Thương mại, bên cạnh một thương hiệu chung, Việt Nam cũng cần một chiến lược riêng cho ngành thực phẩm nhằm thúc đẩy XK và bổ sung giá trị gia tăng vào sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc hoặc chế biến trong nước.
Nhằm hỗ trợ DN nông sản, chế biến thực phẩm xây dựng thương hiệu, Bộ Công Thương đã xây dựng Chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam. Theo đó từ nay đến năm 2020, chương trình sẽ thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh ngành hàng thực phẩm của Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, đây chỉ là bước khởi đầu. Để có thể duy trì phát triển, đòi hỏi chính bản thân DN trong quá trình xây dựng thương hiệu cần xác định đối tượng, mục tiêu, xu hướng, nhu cầu, kể cả việc nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, ý nghĩa logo thương hiệu. Bởi, việc định vị được thương hiệu và chiến lược quảng bá mới chỉ là bước đầu trong việc phát triển thành công thương hiệu nông sản, thực phẩm Việt trên thị trường thế giới.
Theo KTĐT