Thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam: Sản phẩm tốt nhưng không ai biết đến

Thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam: Sản phẩm tốt nhưng không ai biết đến

Thương hiệu là vấn đề cốt lõi để sản phẩm tăng sức cạnh tranh, thu hút người tiêu dùng trong và ngoài nước. Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp (DN) Việt Nam có chất lượng tốt, giá thành hợp lí nhưng do chưa có thương hiệu nên chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến…


 

Thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam: Sản phẩm tốt nhưng không ai biết đến

Trà là mặt hàng xuất khẩu còn yếu kém nhưng rất nhiều tiềm năng. Ảnh minh họa

Vấn đề được đề cập tại Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh của DN thông qua phát triển thương hiệu” vừa được Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) (Bộ Công Thương) tổ chức.

Hiểu xu hướng thị trường

Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục XTTM cho biết, xây dựng thương hiệu đang là nhiệm vụ cấp bách của DN Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế thế giới; quá trình hội nhập và phát triển của nước ta minh chứng, một trong những yếu tố để hội nhập thành công, tranh thủ được cơ hội hợp tác là phải xây dựng và phát triển thương hiệu của DN tiềm năng. 

“Trong những năm qua chúng ta đã nỗ lực xây dựng thương hiệu cho DN tiềm năng, tuy nhiên DN Việt Nam còn nhiều yếu kém, cần hoàn thiện hơn để cạnh tranh với hàng hóa toàn cầu. Do đó, vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua phát triển thương hiệu vừa là cấp thiết trước mắt vừa là chiến lược lâu dài”, ông Đỗ Kim Lang cho biết.

Theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Nielsen Việt Nam, muốn phát triển tốt thương hiệu thì DN cần nắm rõ nhu cầu và xu hướng thị trường. Từ việc nắm rõ tâm lý và xu hướng tiêu dùng, DN sẽ biết lựa chọn cách nào tốt nhất để phát triển thương hiệu, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng một cách hiệu quả.

Thông qua nhiều nghiên cứu và khảo sát thị trường, đại diện Nielsen Việt Nam cho biết, có đến 80-90% người tiêu dùng Việt Nam nói rằng nguồn gốc nhãn hiệu là một yếu tố quan trọng để họ đưa ra quyết định có lựa chọn sản phẩm hay không. 

Kết quả các cuộc điều tra xã hội học của Nielsen cũng cho thấy, Việt Nam là một trong ba thị trường được thế giới ưu tiên đầu tư (cùng với Indonesia và Trung Quốc), cụ thể: năm 2016, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam lên đến 24,4 tỷ USD, với hơn 2.500 dự án mới (tăng 9% so với năm 2015). Ngoài ra, số lượng các hộ gia đình ở Việt Nam cũng sẽ tăng lên khá nhanh trong những năm tới; các ngành hàng tiêu dùng sẽ tiếp tục giữ nhịp tăng trưởng cao trong thời gian dài do nhu cầu thị trường trong nước ngày một tăng. “Đây là thời đại của chúng ta”, Giám đốc Nielsen Việt Nam khẳng định.

Có chiến lược phát triển thương hiệu

Theo Giám đốc Nielsen Việt Nam, đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu lớn, nhỏ. Tuy nhiên, nếu hiểu được phân khúc thị trường của từng loại hình sản phẩm khác nhau, DN dù là nhỏ vẫn có thị phần đáng kể và cơ hội phát triển. Dẫn chứng quan điểm này, bà Hà cho biết, ở Việt Nam các DN lớn có khả năng ngày càng lớn hơn thuộc các lĩnh vực bia, nước giải khát, sản phẩm vệ sinh cá nhân, bánh bích quy; những DN có mức độ cạnh tranh ổn định là chất điều vị, bánh xốp, bàn chải đánh răng, nước đóng chai; những DN lớn bị các DN nhỏ đe dọa là thuốc lá, mì ăn liền, nước tăng lực, trà đóng chai, dầu gội đầu, sản phẩm giặt giũ, cà phê, sản phẩm chăm sóc phụ nữ, nước trái cây… 

Thị trường Việt Nam có xu hướng, trong khi những DN lớn chủ yếu tập chung ở đô thị thì những DN nhỏ tập chung phát triển ở nông thôn, sau đó mới vươn ra đô thị. Bà Hà ví dụ, bột giặt ABA ra mắt năm 2012, khởi đồng ở Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, sau đó tấn công vào thị trường Bắc Trung bộ, rồi vùng nông thôn Đông Bắc, Tây Bắc. “Hiện ABA là mối đe dọa lớn nhất đến ngôi vị dẫn đầu của Omo”, bà Hà nói. Đại diện Nielsen Việt Nam còn dẫn trường hợp của sữa tươi Mộc Châu khi DN này chiếm lĩnh và tạo niềm tin cho người tiêu dùng ở vùng Đông Bắc và Tây Bắc.

Ông Alain Chevalier, Cố vấn cấp cao về thương mại quốc tế tại Việt Nam cho biết, các Công ty Việt Nam cần nâng cấp chuỗi giá trị và tập trung vào xuất khẩu hàng chất lượng cao hơn và giá cả cao hơn; đồng thời thay đổi hình ảnh các công ty Việt Nam ở những thị trường nước ngoài thông qua xây dựng thương hiệu tích cực. Theo ông Alain Chevalier, một thực tế ở Việt Nam là có những sản phẩm chất lượng tốt, giá cạnh tranh nhưng lại không có thương hiệu, nước ngoài không ai biết đến. Ông dẫn chứng trường hợp về xuất khẩu trà. 

Theo đó, một chương trình nghiên cứu về tiềm năng xuất khẩu cho những mặt hàng còn yếu kém được thực hiện ở Việt Nam. Sản phẩm trà là một ví dụ. Trà được lựa chọn là một ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu. Trà Việt Nam có từ lâu đời; là nước đứng thứ 7 thế giới về sản xuất trà, thứ 9 về xuất khẩu nhưng nhiều nước trên thế giới lại không biết điều này. Sau khi thực hiện các chương trình XTTM, tham dự các hội chợ ở nhiều nước trên thế giới, họ đánh giá trà Việt Nam ngon đặc biệt, đạt Huy chương Vàng và Bạc ở Bắc Mỹ. “Vấn đề là phải xây dựng thương hiệu, cách xây dựng thương hiệu sao cho hiệu quả. Với trường hợp trà, phải xây dựng văn hóa trà Việt Nam, công ty trà, đam mê trà được thể hiện ở quy trình chế biến thủ công, truyền thống lâu đời từ thế hệ này đến thế hệ khác”, ông Alain Chevalier gợi ý. 

Theo PLVN

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang