Hiếm có một hãng hàng không nào kiên trì với thị trường Việt Nam như AirAsia, và cũng hiếm có thị trường nào mà gã khổng lồ tới từ Malaysia quyết tâm gia nhập như Việt Nam.
Việc AirAsia tuyên bố ngừng liên doanh với Thiên Minh Group đánh dấu thất bại lần thứ 4 trong nỗ lực thành lập một hãng hàng không ở Việt Nam. Tuy nhiên AirAsia chưa cho thấy dấu hiệu sẽ bỏ cuộc.
Năm 2005, một trong những phương án được đưa ra khi cải tổ hãng hàng không Pacific Airlines (tiền thân của Jetstar Pacific hiện nay) là bán cổ phần, cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Ngay sau đó, Air Asia đã gửi Bộ Tài chính đề án xin góp cổ phần với hãng hàng không Việt Nam.
Khi đó, dù chưa biết đề nghị có được chấp thuận hay không, CEO Tony Fernandes của Air Asia không giấu tham vọng hiện diện tại thị trường Việt Nam khi chia sẻ: "Nếu kế hoạch thất bại, một ngày không xa sẽ thành lập liên doanh khai thác hàng không giá rẻ tại Việt Nam".
Sau lần đầu "bén duyên" không thành, AirAsia thử sức lần hai vào năm 2007. Tiếp tục kiên trì với chiến lược liên doanh với các đơn vị nội địa để thành lập hãng hàng không mới, đối tác lựa chọn lần này là Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Tuy nhiên, giấc mơ bay tại Việt Nam của gã khổng lồ hàng không Đông Nam Á lại đổ bể, vì Chính phủ không chủ trương cấp phép thành lập hãng hàng không mới, nhất là hãng bay có vốn đầu tư nước ngoài.
Cơ hội cho AirAsia lại nhen nhóm vào năm 2010, khi Vietjet Air, hãng hàng không tư nhân chưa đạt được nhiều thành công và muốn bay trước khi bị rút giấy phép vào cuối năm 2010. Phù hợp với chiến lược, Vietjet Air nhanh chóng được hãng bay tới từ Malaysia tiếp cận, với mong muốn mua lại 30% cổ phần, trở thành đối tác chiến lược.
Liên doanh với thương hiệu Vietjet AirAsia dự kiến cất cánh trong năm 2010 đã vấp phải phản đối từ Vietnam Airlines.
Thất bại trong việc mang thương hiệu AirAsia vào Việt Nam, hãng này thoái vốn khỏi liên doanh với Vietjet Air, "ngậm đắng" lần thứ 3 tại thị trường hàng không Việt.
Đáng tiếc hơn cho AirAsia, chỉ ít năm sau khi cất cánh trở lại, Vietjet Air đã phát triển bùng nổ. Tăng trưởng doanh thu hãng bay của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo luôn ở mức trên 30% mỗi năm và hiện cùng Vietnam Airlines nắm trên 40% thị trường hàng không nội địa.
Đầu tháng 4/2017, AirAsia khiến giới quan sát bất ngờ về sự kiên trì với thị trường Việt Nam, khi tuyên bố liên doanh với Thiên Minh và Hải Âu để thành lập hãng hàng không mới. LIên doanh lên kế hoạch sẽ cất cánh trong năm 2018.
Tuy nhiên lần thử sức thứ 4 của AirAsia để lập hãng bay tại Việt Nam vẫn không thuận lợi.
Cuối năm 2018, AirAsia công bố thông tin hợp tác với Tập đoàn Thiên Minh, một công ty về du lịch tại Việt Nam thành lập hãng hàng không giá rẻ cạnh tranh trực tiếp với Vietjet Air.
Theo thỏa thuận, AirAsia sẽ sở hữu 30% của liên doanh mới, đây là tỉ lệ tối đa mà một công ty nước ngoài có thể sở hữu một doanh nghiệp hàng không tại Việt Nam, tỉ lệ này đang được xem xét nâng trần lên 49%.
Như vậy, trong lần thử sức thứ 4 thâm nhập vào thị trường hàng không Việt Nam, Tony Fernandes cùng các cộng sự lại thất bại.
Kế hoạch kỹ lưỡng là vậy, nhưng đến ngày 18/4, hai doanh nghiệp đã quyết định từ bỏ liên doanh. AirAsia khẳng định hãng cùng Thiên Minh Group đã "đồng tình chấm dứt hợp tác và giải phóng các bên khỏi các điều khoản hợp đồng có liên quan đến việc thành lập liên doanh tại Việt Nam" kể từ ngày 17/4.