Doanh nghiệp gia tăng nhận thức về xây dựng thương hiệu

Doanh nghiệp gia tăng nhận thức về xây dựng thương hiệu

Tỷ lệ doanh nghiệp nhận thức đúng về thương hiệu tăng lên, có ý chí và quyết tâm xây dựng thương hiệu cũng có xu hướng tăng lên.

Nguồn:Báo Công Thương

3 lý do để doanh nghiệp chú trọng xây dựng thương hiệu

Chia sẻ với phóng viên, PGS, TS Nguyễn Quốc Thịnh, giảng viên cao cấp Bộ môn Quản trị Thương hiệu - Khoa Marketing trường Đại học Thương mại cho rằng: Thông qua các chương trình đào tạo, từ năm 2020 đến nay, mỗi năm chúng tôi thực hiện khảo sát từ 300 - 400 doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Tỷ lệ doanh nghiệp nhận thức đúng về thương hiệu tăng lên. Ảnh minh họa

Kết quả cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp nhận thức đúng về thương hiệu đang có xu hướng tăng lên, doanh nghiệp có ý chí và quyết tâm xây dựng thương hiệu cũng có xu hướng gia tăng, điều này được thể hiện thông qua những hành động cụ thể như: Nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp về thương hiệu cũng như cách thức triển khai, quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm và sự thuận tiện của khách hàng…

‘Đặc biệt, nhóm các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã có những chuyển động tích cực. Nhiều doanh nghiệp, dù mới khởi nghiệp nhưng đã rất nỗ lực trong xây dựng thương hiệu – ông Nguyễn Quốc Thịnh khẳng định.

Cũng theo PGS, TS Nguyễn Quốc Thịnh, có 3 động lực để doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến xây dựng thương hiệu, bao gồm: Thứ nhất, từ áp lực cạnh tranh của thị trường, đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao, buộc doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng.

Thứ hai, hoạt động truyền thông về xây dựng, phát triển thương hiệu hiện nay rất mạnh, rất nhiều kinh nghiệm, bài học được chia sẻ trên không gian mạng và đó chính là cơ hội để doanh nghiệp tìm hiểu, nhận thức đầy đủ hơn và tích cực hơn khi nói về xây dựng thương hiệu.

Thứ ba, động lực lan toả từ chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam của Chính phủ và Bộ Công Thương tổ chức đã tác động đến các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Quốc Thịnh, từ năm 2003 khi bắt đầu Chương trình Thương hiệu Quốc gia, rất nhiều các doanh nghiệp lớn tham gia và thông qua các trường hợp cụ thể được chia sẻ từ những cánh chim đầu đàn đã tạo những ảnh hưởng tích cực đến những doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn.

Đó là lý do, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ với sự năng động, sáng tạo, khai thác hiệu quả thị trường đã chứng minh năng lực đổi mới sáng tạo, phát triển thương hiệu bền vững.

Ông Nguyễn Quốc Thịnh cho rằng: ‘Khi thẩm định Chương trình Thương hiệu Quốc gia, chúng tôi nhận thấy có những doanh nghiệp mặc dù quy mô không quá lớn nhưng đã triển khai chương trình kiểm toán khí thải, bảo vệ môi trường rất nghiêm ngặt thể hiện ý chí phấn đấu của doanh nghiệp và mong muốn phát triển bền vững chứ không chỉ đơn giản tăng trưởng ngắn hạn. Đây cũng là cách doanh nghiệp chú trọng xây dựng thương hiệu’.

Thương hiệu – yếu tố sống còn của doanh nghiệp

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã tham gia đến 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, có tính cạnh tranh ngày càng cao. Hàng hóa, sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra không chỉ cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước mà còn phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, nên việc xây dựng, phát triển, quảng bá và bảo vệ thương hiệu có ý nghĩa sống còn đối với mỗi doanh nghiệp nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung.

Ý thức được vai trò của thương hiệu có yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp, nên theo ông Nguyễn Quốc Thịnh, rất nhiều doanh nghiệp hiện nay đã lồng ghép xây dựng thương hiệu trong chiến lược phát triển.

Trong quá trình xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có nhiều lợi thế bởi họ không chỉ năng động mà nhiều doanh nghiệp còn phát triển sản phẩm sang các thị trường ngách và đã đạt được những thành công nhất định. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn cần cả quá trình mới đưa được sản phẩm ra thị trường.

Không chỉ có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại của doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế còn cho rằng, xây dựng thương hiệu còn có ý nghĩa đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia, dân tộc. Theo đó, để Việt Nam đạt được mục tiêu trong ‘kỷ nguyên vươn mình’ của dân tộc, ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái - cho rằng, đây không phải là trách nhiệm riêng của mỗi doanh nghiệp mà nó còn là trách nhiệm của từng người dân Việt Nam. Theo đó, mỗi người dân Việt Nam cần có trách nhiệm ủng hộ sản phẩm của doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt, giúp doanh nghiệp Việt có cơ hội đứng vững trên thị trường trong nước và quốc tế.

Báo Công Thương
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang