Hội thảo khoa học quốc gia: “Tăng trưởng xanh: Tái cấu trúc doanh nghiệp thời Covid” – Phiên thảo luận chuyên môn

Hội thảo khoa học quốc gia: “Tăng trưởng xanh: Tái cấu trúc doanh nghiệp thời Covid” – Phiên thảo luận chuyên môn

Tiếp nối chuỗi hoạt động của Hội thảo khoa học quốc gia: “Tăng trưởng xanh – Tái cấu trúc doanh nghiệp thời Covid, chiều ngày 10/10/2020, Trường Đại học Quy Nhơn phối hợp cùng với Trường Đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Điện Lực, Trường Đại học Thương mại, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tiếp tục tiến hành tổ chức phiên thứ hai của Hội thảo về thảo luận chuyên môn nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, các giảng viên của các trường chia sẻ các kết quả nghiên cứu và thảo luận các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh.


Quang cảnh buổi Hội thảo

Tiếp nối chuỗi hoạt động của Hội thảo khoa học quốc gia: “Tăng trưởng xanh – Tái cấu trúc doanh nghiệp thời Covid, chiều ngày 10/10/2020, Trường Đại học Quy Nhơn phối hợp cùng với Trường Đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Điện Lực, Trường Đại học Thương mại, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tiếp tục tiến hành tổ chức phiên thứ hai của Hội thảo về thảo luận chuyên môn nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, các giảng viên của các trường chia sẻ các kết quả nghiên cứu và thảo luận các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh.

Phiên thứ hai của Hội thảo được diễn ra với sự tham gia của nhiều giảng viên, nhiều nhà nghiên cứu của các đơn vị đồng tổ chức, các trường đại học, cao đẳng, đại diện các sở/ban ngành và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Phát biểu đề dẫn tại Phiên tư thảo luận chuyên môn, PGS.TS. Nguyễn Đình Hiền – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn đại diện Ban Tổ chức đã nhấn mạnh: Năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến nền kinh tế thế giới, làm thay đổi cả xu hướng sản xuất, xu hướng tiêu dùng của các quốc gia. Với Việt Nam, bài toán quản trị doanh nghiệp, bài toán tái cấu trúc doanh nghiệp tái cấu trúc sản xuất đang đặt ra cấp thiết để phù hợp với xu hướng của thế giới, xu thế phát triển doanh nghiệp. Mặc dù dịch Covid-19 ở Việt Nam đã được khống chế, sản xuất dần trở lại ổn định với trạng thái “bình thường mới”, song nhiều doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Và trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang dần thích nghi với trạng thái ‘bình thường mới’, lãnh đạo các doanh nghiệp phải tiếp tục cân bằng chiến lược cắt giảm chi phí mà không gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp, đồng thời chuyển hướng đầu tư cho các yếu tố giúp tăng trưởng. Để chuẩn bị cho những khủng hoảng trong tương lai, đây chính là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp thực hiện các biện pháp tái cấu trúc & tìm kiếm sự khác biệt trong chuỗi giá trị.

PGS.TS. Nguyễn Đình Hiền – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn phát biểu đề dẫn Hội thảo và tặng hoa cảm ơn các đơn vị đồng Tổ chức

Mở đầu cho Phiên tư thảo luận chuyên môn, PGS.TS. Lê Anh Tuấn – Trường Đại học Điện Lực đã trình bày nghiên cứu về “Các yếu tố tác động tới hoạt động đổi mới và kết quả vận hành tại các công ty điện lực thuộc EVNNPC” với các nội dung liên quan đến: (i) Áp lực xanh hóa và đổi mới ngành điện, (ii) Giới thiệu về về đổi mới sáng tạo, (iii) Đề xuất mô hình và các yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động đổi mới trong các doanh nghiệp phân phối điện. Kết quả nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng: (i) Hoạt động đổi mới có tầm quan trọng lớn đối với ngành điện và cụ thể là các doanh nghiệp phân phối điện, (ii) Kết quả nghiên cứu chỉ rõ các nhân tố: Học tập tổ chức, Khả năng nguồn nhân lực, Sự tham gia của các nhà cung cấp có tác động tích cực tới Đổi mới Quản lý và Đổi mới quản lý tác động gián tiếp tới Kết quả hoạt động thông qua Đổi mới công nghệ, (iii) Sự ủng hộ của lãnh đạo trong nghiên cứu này chỉ có tác động gián tiếp tới Đổi mới quản lý.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Điện Lực trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo

Tiếp theo phần trình bày tại Hội thảo, ThS. Lê Thị Mỹ Tú – Trường Đại học Quy Nhơn đã trình nghiên cứu về “Nghiên cứu ảnh hưởng của vốn trí tuệ đến hiệu quả hoạt động các công ty công nghệ trong bối cảnh kinh tế số”. Nghiên cứu đã trình bày khái niệm về vốn trí tuệ và các phương pháp đo lường vốn trí tuệ. Kết quả nghiên cứu đã đi đến kết luận: (i) Các công ty công nghệ Việt Nam sử dụng vốn trí tuệ rất tốt, (ii) Vốn nhân lực và vốn vật chất/tài chính có liên quan đáng kể cùng chiều, vốn cấu trúc không có ý nghĩa tích cực đến hiệu quả công ty chứng tỏ tại các công ty công nghệ ở Việt Nam, việc khai thác khả năng tạo ra giá trị của những tài sản cấu trúc vô hình chưa được hiệu quả, được xem là sự lãng phí nguồn lực và (iii) Các công ty công nghệ tại Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào vốn vật chất/tài chính nhiều hơn so với vốn trí tuệ. Đồng thời, vốn trí tuệ là khái niệm vẫn còn khá mới tại Việt Nam nên nghiên cứu đã đề xuất các hướng nghiên cứu mở rộng tiếp theo gồm: (i) Nghiên cứu trên nhiều ngành, xu hướng tìm sự khác biệt về sự đóng góp của vốn trí tuệ giữa công ty tri thức cao và thấp, (ii) Vốn trí tuệ không chỉ là một tài sản vô hình tĩnh, việc đầu tư vào vốn trí tuệ và việc thu lại lợi ích sẽ xảy ra tại các thời điểm khác nhau cả trong hiện tại và tương lai, cách tiếp cận dữ liệu bảng động, (iii) Vốn trí tuệ mang giá trị tiềm ẩn, không dễ nhận ra và không được tiết lộ trong các báo cáo tài chính và mô hình đo lường vốn trí tuệ  mới phù hợp với thực tế Việt Nam, khai thác dữ liệu  sơ cấp, (iv) Nghiên cứu về ảnh hưởng của vốn trí tuệ đến doanh nghiệp theo phân khúc thời gian , sau các sự kiện hoặc các cú sốc kinh tế, và (v) Mối quan hệ giữa vốn trí tuệ và các biến số kinh tế khác ngoài hiệu quả tài chính doanh nghiệp, theo chiều hướng trực tiếp và gián tiếp.

ThS. Lê Thị Mỹ Tú – Trường Đại học Quy Nhơn trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo.

Đồng thời, tại phiên thứ hai của buổi tham luận, TS. Nguyễn Thị Hương Liên – Trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội đã trình nghiên cứu về “Tác động của quản trị công ty đến hiệu quả tài chính của các công ty niêm yết Việt Nam”. Nghiên cứu đã trình bày các nội dung liên quan đến: (i) Thực trạng quản trị công ty của các công ty niêm yết Việt Nam, (ii) Tác động của quản trị công ty đến hiệu quả tài chính của công ty niêm yết và (iii) Khuyến nghị nâng cao chất lượng quản trị công ty và cải thiện hiệu quả tài chính của công ty niêm yết. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra khuyến nghị cho các công ty niêm yết: (i) Áp dụng mô hình có thành viên độc lập trong hội đồng quản trị theo khuyến nghị của Ngân hàng thế giới hay Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OEDC) nhằm tăng cường tính minh bạch, hiệu quả, (ii) Lựa chọn đơn vị kiểm toán độc lập có uy tín, có quy trình kiểm toán, kiểm soát chất lượng chặt chẽ và đội ngũ kiểm toán viên hành nghề, chuyên nghiệp để đảm bảo chất lượng của báo cáo tài chính đã được kiểm toán, (iii) Đảm bảo tính đa dạng về số lượng thành viên trong Hội đồng quản trị để thực thi hiệu quả các chức năng của hội đồng, tăng chất lượng của ra quyết định; từ đó cải thiện hiệu quả hoạt động của công ty.

TS. Nguyễn Thị Hương Liên – Trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo

Hội thảo đã tiến hành thảo luận rất sôi nổi về các chủ đề đã trình bày như quan điểm về vốn trí tuệ, phương pháp nào đo lường tối ưu hay sự khác biệt giữa vốn trí tuệ với cảm xúc trí tuệ, tầm quan trọng của vốn trí tuệ so với vốn tài chính, hay quan điểm về đổi mới sáng tạo gắn với tăng trưởng xanh và các nhân tố ảnh hưởng trong các doanh nghiệp đặc thù, hoặc phương pháp quản trị tài chính trong bối cảnh môi trường nhiều biến đổi, và các vấn đề về tăng trưởng xanh,…. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu còn trao đổi và chia sẻ thêm về các vấn đề có liên quan đến phương pháp lấy mẫu nghiên cứu, các phương pháp nghiên cứu và các mô hình nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh.

Kết luận tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đình Hiền đã thay mặt Ban Tổ chức đã tổng kết các kết quả đạt được tại Hội thảo và đề xuất các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học cần tăng cường kết nối trong nghiên cứu, xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, các nhóm nghiên cứu liên trường, liên ngành để gia tăng chất lượng nghiên cứu và công bố quốc tế, thúc đẩy nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn kinh tế - xã hội và doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy các nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa hướng đến tăng trưởng xanh. Đồng thời, PGS.TS. Nguyễn Đình Hiền cũng đề xuất các nghiên cứu cần chú trọng đến tăng trưởng xanh hậu Covid, tăng trưởng xanh gắn với số hoá trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, trân trọng cảm ơn sự tham gia tích cực, đầy trách nhiệm của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp đã tham gia viết bài và tham dự Hội thảo.

Các đại biểu của Ban Tổ chức tham dự và chụp hình lưu niệm tại Hội thảo.

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang