Chưa phát huy được thế mạnh
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, hiện Việt Nam đang gặp khá nhiều khó khăn, thách thức, như: việc trồng, chăm sóc, khai thác và sử dụng loài cây tre luồng còn nhiều bất cập trồng rừng không tập trung. Các cơ sở chế biến tre luồng trên địa bàn tỉnh nhìn chung quy mô còn nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, nên sản phẩm chủ yếu là sơ chế, sản phẩm thô như bột giấy, tăm, đũa…, chưa có nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao như tre ép khối, ván sàn… Điều đó dẫn đến giá trị cây luồng hiện nay vẫn còn thấp và chưa tương xứng, phát huy hết tiềm năng.
Hơn nữa, chất lượng hàng hóa rất khó kiểm soát, mẫu mã sản phẩm nghèo nàn, không kịp đổi mới để đáp ứng nhu cầu trong nước và thế giới, thêm vào đó sản phẩm sản xuất ra hầu hết là chưa có bản quyền
Đến thời điểm này mới có rất ít doanh nghiệp sản xuất có quy mô xuất khẩu và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Số còn lại chủ yếu là hoạt động đơn lẻ, chế biến sản phẩm thô xuất bán ra thị trường phía Bắc, một phần còn lại chế biến thành các sản phẩm như hàng mây tre đan, làm hương phục vụ nhu cầu trong tỉnh.
Doanh nghiệp thiếu sự hỗ trợ
Khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải là công nghệ chế biến tre chưa hoàn thiện, vừa làm vừa sửa. Trong khi đó, sự quan tâm của Nhà nước với sự phát triển ngành tre chưa có: Ngành tre thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ (Nghị định 210, Nghị định 57) nhưng sau 2 năm doanh nghiệp vẫn không được hỗ trợ.
Về phía doanh nghiệp, nhà máy hiện chưa có đủ các chứng chỉ cần thiết để đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Nguồn nguyên liệu chưa ổn định, chưa có chuỗi giá trị ngành tre, nên đầu vào không ổn định.
Gần đây, một số thị trường mới như Trung Quốc, Tây Ban Nha, Chile, Anh… đang có xu hướng nhập khẩu nhiều mặt hàng mây tre đan từ Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức mà doanh nghiệp này gặp phải là nguồn nguyên liệu không ổn định về số lượng và chất lượng, trong khi giá cả ngày càng cao.
Đặc biệt, Nhà nước chưa có chính sách riêng hỗ trợ cây mây tre, mà vẫn lồng ghép trong các văn bản chính sách nông nghiệp chung.
Các doanh nghiệp mây, tre đan hiện nay chủ yếu vẫn phải tự mò mẫm tiếp cận thị trường, sản phẩm xuất qua trung gian, không đủ điều kiện để tiếp cận các thị trường lớn như EU, Mỹ… do bị các rào cản về kỹ thuật từ các thị trường này.
Về thương hiệu và quảng bá sản phẩm, doanh nghiệp Việt gần như gia công cho các nhà sản xuất, nhập khẩu từ nước ngoài.
Trước thực tế trên, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có chính sách cho phát triển ngành tre như hỗ trợ thuế VAT 0% như nông sản, dành ngân sách hàng năm cho phát triển ngành tre (hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ xây dựng hạ tầng đường sá vào khu vực khó khai thác, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hạ tầng), đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Như vậy, để phát triển toàn diện và bền vững chuỗi giá trị tre tại Việt Nam cần phải thúc đẩy mối liên kết giữa ba nhà: nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Chuỗi giá trị sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, đặc biệt là vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.