Tỉnh An Giang có nhiều làng nghề truyền thống, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động. Xây dựng thương hiệu bền vững cho các sản phẩm địa phương là nhiệm vụ quan trọng.
Sản phẩm thổ cẩm Làng Chăm được du khách quốc tế quan tâm.
Các làng nghề truyền thống lâu đời ở An Giang như: nghề nhang Bình Đức, lưỡi câu Mỹ Hòa, bánh tráng Mỹ Khánh (phường Long Xuyên); nghề dệt thổ cẩm Chăm Châu Phong, nghề dệt lụa Tân Châu; nghề dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo, nghề đóng xuồng ghe Mỹ Hiệp, nghề vẽ tranh trên kính, nghề mộc Chợ Thủ; nghề rèn Phú Mỹ, bánh phồng Phú Mỹ… Các làng sản xuất quanh năm, một số ít hoạt động mạnh trong mùa nước nổi như nghề lợp lươn Cần Đăng, nghề lợp cua Mỹ Đức.
Mỗi làng nghề có sự sáng tạo và giá trị riêng. Vùng Bảy Núi làm đường thốt nốt với hơn 350 cơ sở sản xuất, mỗi năm cho sản lượng hơn 3.800 tấn, từ đó giải quyết việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động nông thôn. Ông Chau Rô Thi, ngụ ấp Tà Ngáo, phường Tịnh Biên kể, cây thốt nốt cho nhiều nước vào các tháng khô hạn cho nên từ tháng 11 năm nay đến tháng 4 năm sau là thời vụ khai thác nước thốt nốt để nấu thành đường. Đường thốt nốt với hương vị độc đáo rất được ưa chuộng, du khách đến vùng Bảy Núi thường mua đem về biếu tặng người thân. Hiện nay đường thốt nốt đã có mặt ở các siêu thị, cửa hàng trong và ngoài tỉnh. Nghệ nhân Chau Ngọc Dịu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Palmania, xã Tri Tôn cho biết, công ty của chị đã nghiên cứu, chế biến thành công đường thốt nốt sệt bằng phương pháp sản xuất thủ công truyền thống. Sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn sạch, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng cho nên đã xuất khẩu qua một số nước như Hà Lan, Thụy Điển, Phần Lan…
Xã Long Điền nằm bên cù lao sông Hậu và sông Tiền là vùng nổi tiếng với làng nghề làm mộc Chợ Thủ với hàng trăm cơ sở lớn nhỏ dọc theo sông Tiền và kênh Trà Thôn. Ông Trần Minh Đoàn, người thợ lành nghề nhớ lại: “Làng nghề hình thành vào năm 1892 và duy trì ổn định cho đến nay. Các thợ thầy tạo ra các sản phẩm đa dạng từ đồ gia dụng đến các sản phẩm chạm trổ mỹ nghệ như tủ thờ, tủ quần áo, bàn ghế…”. Làng nghề hoạt động mạnh nhất vào dịp Tết cổ truyền do lúc này nhiều gia đình mua sắm bàn ghế, giường tủ… mới thay đồ dùng cũ. Các thợ thầy luôn cố gắng, tìm tòi tạo ra sản phẩm đa dạng, kết hợp cách làm truyền thống với hiện đại để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Một trong những làng nghề luôn sôi động quanh năm là làng nghề rập chuột An Châu, xã An Châu, xuất hiện từ năm 1957. Ruộng đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long “cò bay thẳng cánh”, chuột đồng sinh sôi nhanh, nông dân phải giăng bẫy bắt chuột để bảo vệ mùa màng. Ông Nguyễn Văn Giàu, sống bằng nghề làm rập chuột cho biết, hiện làng nghề có 15 cơ sở, lúc trước các thợ thầy làm bằng thủ công sau này có máy móc trợ lực cho nên số lượng rập cũng tăng theo. Vào lúc sạ lúa và thu hoạch, chuột cắn phá lúa, nhà nông phải đặt mua rập. Cao điểm, mỗi ngày cơ sở ông Giàu sản xuất hơn 500 cái rập, bán với giá từ 10.000 đến 25.000 đồng tùy loại. Theo ông Giàu, do nhiều công đoạn làm rập cho nên mỗi cơ sở có hàng chục nhân công với mức thu nhập hơn 100.000 đồng/ngày.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, chỉ tính riêng phần tỉnh An Giang cũ, có 29 làng nghề và làng nghề truyền thống cho tổng doanh thu mỗi năm hơn 818 tỷ đồng. Đồng chí Ngô Công Thức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, trên cơ sở những chính sách của Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như: đào tạo, tập huấn; vốn tín dụng hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư công nghệ mới; đầu tư mới máy móc thiết bị, hỗ trợ đăng ký thương hiệu... Nhờ đó, ngành nghề nông thôn được duy trì và phát triển ổn định.
Các cơ sở ngành nghề nông thôn đã tạo ra sản phẩm hàng hóa ngày càng phong phú, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu thụ trên thị trường. Theo phương hướng nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2026-2030 và định hướng đến năm 2045, tỉnh phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn theo hướng bền vững gắn với chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, lợi thế.
Tuy nhiên các làng nghề vẫn gặp khó khăn. Một số làng nghề có nguy cơ mai một như nghề dệt lụa Tân Châu; nghề dệt thổ cẩm làng Chăm Châu Phong… Để khắc phục, tỉnh sẽ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm ngành nghề nông thôn, kết hợp phát triển các hoạt động dịch vụ du lịch; từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ, lẻ sang sản xuất hàng hóa lớn theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, trong đó hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng.
Tỉnh hỗ trợ đào tạo và phát triển nghề cho thế hệ trẻ; khuyến khích các làng nghề áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất để nâng cao chất lượng và năng suất, đồng thời giữ gìn nét đặc trưng của sản phẩm; tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm sản phẩm thủ công truyền thống, giúp người tiêu dùng nhận diện và ưa chuộng các sản phẩm làng nghề; xây dựng chiến lược marketing, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của làng nghề, không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn xuất khẩu. Ngoài ra, địa phương sẽ cải thiện hạ tầng tại các làng nghề để phục vụ tốt hơn cho hoạt động sản xuất và du lịch; thúc đẩy du lịch nông nghiệp theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm; tập trung nguồn lực phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống, ngành nghề nông thôn gắn với tour du lịch nông nghiệp…