Ảnh minh họa.
Đề xuất hai giải pháp về hiến máu
Máu và các chế phẩm từ máu là loại thuốc đặc biệt, chỉ được lấy từ người và đến nay mặc dù các nhà khoa học đã có nhiều công trình nghiên cứu để tìm các chất thay thế máu nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Do vậy, máu người vẫn là nguồn nguyên liệu chính để cấp cứu và điều trị bệnh nhân trong giai đoạn trước mắt. Mới đây, để khắc phục tình trạng thiếu máu khi điều trị, Bộ Y tế đề xuất 2 giải pháp về nghĩa vụ của công dân liên quan đến hiến máu trong Dự án Luật về máu và tế bào gốc vừa gửi tới Bộ Tư pháp.
Một là, quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu. Theo tính toán của Bộ Y tế, với dân số hiện nay là gần 90,5 triệu người, trong một năm nước ta sẽ có khoảng 46 triệu người phải tham gia hiến máu (trừ 30,3 triệu công dân dưới 18 tuổi và khoảng 14,2 triệu người mắc các bệnh không thể hiến máu). Và hai là, quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu.
Bộ Y tế khẳng định cả hai giải pháp đều không có tác động đến tăng chi cho Nhà nước mà chỉ tăng chi cho Quỹ bảo hiểm y tế với mức tăng chi bình quân khoảng 500 tỷ/năm. Việc quy định hiến máu là nghĩa vụ của công dân có mặt tích cực là giúp cho có nguồn máu đầy đủ và ổn định. Nếu thực hiện chính sách này thì hàng năm sẽ tiêu tốn khoảng 4.180 tỷ đồng, trong đó: Quỹ bảo hiểm y tế sẽ phải tăng chi khoảng 400 tỷ/năm, chủ sử dụng lao động sẽ phải bỏ ra khoảng 3.200 tỷ để chi trả tiền lương cho khoảng thời gian mà người lao động sử dụng để đi hiến máu và bản thân người lao động sẽ phải bỏ ra tên 580 tỷ cho việc đi lại phục vụ cho việc hiến máu.
Còn nếu coi việc hiến máu là tự nguyện và trong điều kiện lý tưởng là có 18,2 triệu người hiến máu tình nguyện trong một năm thì hàng năm sẽ tiêu tốn khoảng 2.000 tỷ, trong đó: Quỹ bảo hiểm y tế sẽ phải tăng chi thêm khoảng 524 tỷ/năm, chủ sử dụng lao động sẽ phải bỏ ra khoảng 1.250 tỷ để chi trả tiền lương cho khoảng thời gian mà người lao động sử dụng để đi hiến máu và bản thân người lao động sẽ phải bỏ ra trên 217 tỷ cho việc đi lại phục vụ cho việc hiến máu.
Bộ Y tế chọn giải pháp hai
Ngay sau khi hai giải pháp này được đưa ra đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận. Một người dân bày tỏ: “Tự nguyện thì tôi sẽ hiến chứ bắt buộc thì không bao giờ. Máu trên người tôi tôi có quyền, không ai có quyền xâm phạm thân thể tôi”. Một người dân khác cũng chia sẻ: “Tôi là người hay đi tình nguyện, nhưng nếu phương án bắt buộc hiến máu được chọn thì từ nay tôi sẽ không đi hiến máu nữa”.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng không khỏi băn khoăn bởi nếu như quy định hiến máu là bắt buộc thì số lượng máu dư thừa sẽ được giải quyết như thế nào? Bởi theo tính toán của WHO, mỗi năm một quốc gia cần khoảng 2% dân số hiến máu, tương đương 18,2 triệu đơn vị máu. Nếu nước ta quy định bắt buộc hiến máu thì mỗi năm sẽ có khoảng 46 triệu đơn vị máu, thừa 28 triệu đơn vị.
Trước sự phản ứng của dư luận, chiều ngày 9/1, đại diện Bộ Y tế đã có cuộc trao đổi với báo chí. Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết đề xuất “quy định bắt buộc hiến máu” chỉ là một trong những giải pháp được đưa ra thảo luận trong báo cáo đánh giá tác động chính sách đối với Dự thảo Luật về máu và tế bào gốc.
Ông Quang lý giải: “Đã là thảo luận thì có giải pháp nào chúng tôi cũng đều phải đưa ra. Tuy nhiên, khi đưa bất kỳ nội dung nào vào Dự thảo Luật, chúng tôi cũng thảo luận kỹ lưỡng và quyết định quy định việc hiến máu là tự nguyện vào dự thảo”.
Ông Quang cho biết thêm: “Ngay từ đầu Bộ Y tế lựa chọn phương án hiến máu tình nguyện nhưng làm thế nào để chứng minh hiến máu tình nguyện là tối ưu thì phải đưa ra giả định. Trường hợp này giả định là hiến máu bắt buộc. Việc hiến máu tình nguyện hiện trong 2-3 năm gần đây đáp ứng tốt nhu cầu điều trị của người bệnh, lại tiết kiệm được nhiều chi phí. Năm 2016 toàn quốc vận động, tiếp nhận gần 1,4 triệu đơn vị máu; đạt 1,52% dân số hiến máu. Nếu chiếu theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi quốc gia chỉ cần 2% dân số hiến máu tình nguyện thì lượng máu đủ nhu cầu điều trị. Hiện tại, Việt Nam còn thiếu tỉ lệ 0,48% dân số hiến máu. Trong khi đó, phong trào hiến máu tình nguyện đang lan rộng trong thanh, thiếu niên, nhiều tầng lớp người dân. Nếu đẩy mạnh thêm kinh phí cho tuyên truyền, thúc đẩy hiến máu tình nguyện, khi nào đạt tỷ lệ chiếm 2% dân số hiến máu thì phong trào hiến máu đạt ngưỡng thỏa mãn nhu cầu điều trị của người dân”.
Được biết, sau khi đánh giá, nghiên cứu xã hội học trên 1.600 người dân tại 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng trên cả nước, chỉ có 30,25% người đồng ý, còn lại 69,75% người không đồng ý với giải pháp “quy định bắt buộc hiến máu”.
Tại sao phải luật hóa việc tình nguyện hiến máu?
Trong báo cáo đánh giá tác động Dự án Luật về máu và tế bào gốc phục vụ cuộc họp do Bộ Tư pháp tổ chức sắp tới cho biết theo tính toán lý thuyết của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở các nước đang phát triển, dựa trên số dân của mỗi nước, cần khoảng 2% dân số hiến máu mỗi năm. Do vậy, để giải quyết tình trạng thiếu máu và bảo đảm an toàn truyền máu, Chính phủ các nước đã đề xuất việc ban hành Luật Hiến máu (Blood Donation Law) hoặc các luật khác có liên quan đến vấn đề hiến máu tình nguyện không lấy tiền như: Luật Truyền máu, Luật Cấm buôn bán máu… Sau khi Luật Hiến máu được Quốc hội các nước ban hành, tình trạng khan hiếm máu cho cấp cứu và điều trị đã cơ bản được giải quyết.
Tuy nhiên, đến nay toàn bộ các quốc gia có ban hành Luật về máu thì chưa có quốc gia nào quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân. Ví dụ như Luật Hiến máu của Trung Quốc quy định: “Các cơ sở, ban ngành Nhà nước, quân đội, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các đơn vị, Ủy ban dân cư và Ủy ban thôn xóm cần huy động và tổ chức cán bộ nhân dân của đơn vị mình đi hiến máu nếu ở độ tuổi phù hợp”. Theo đó, các cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong hệ thống nhà nước phải có trách nhiệm tham gia hiến máu và nguồn máu này được lưu trữ và sử dụng phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho toàn dân chứ cũng không quy định nghĩa vụ bắt buộc hiến máu.
Lý giải cho việc tại sao Việt Nam phải luật hóa việc tình nguyện hiến máu, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: “Chúng tôi muốn Luật khẳng định chính sách về hiến máu, bảo đảm quyền lợi cho người hiến máu. Ngoài những quyền lợi mà người hiến máu được hưởng như hiện nay (được tiếp cận với nguồn máu khi có nhu cầu, được tư vấn về các phát hiện bất thường…), chúng tôi đề xuất người hiến máu sẽ được nghỉ 1 buổi làm việc để đi hiến máu và 1 buổi làm việc ngay sau khi hiến máu mà không phải trừ lương hoặc tính vào ngày nghỉ phép, nghỉ lễ theo quy định của pháp luật về lao động và được hưởng chế độ bồi dưỡng sau khi hiến máu hoặc tế bào gốc theo quy định… Nếu Luật ghi nhận hiến máu tình nguyện, người dân sẽ tích cực tham gia, hàng nghìn bệnh nhân cần máu sẽ được cứu sống. Theo thống kê của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, năm 2016 có khoảng 98% máu hiến tặng là hoàn toàn tình nguyện”.
Theo Pháp luật