Thương nhân và khách du lịch Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Chính phủ và ngành du lịch các nước đều muốn đoạn tuyệt với tour giá rẻ, tour 0 đồng nhưng thực tế đều lúng túng, đặc biệt trong thời đại cạnh tranh du lịch ngày càng khốc liệt như hiện nay.
Xuất hiện từ năm 1995
Tour giá rẻ hay tour 0 đồng thực chất đã xuất hiện tại Thái Lan từ năm 1995, sau đó xuất hiện tại Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và Singapore, đến giờ vẫn tồn tại. Đoàn khách Trung Quốc đầu tiên đến châu Âu năm 2004 chính là đoàn khách tour 0 đồng, khi đó hướng dẫn viên phải trả công ty du lịch trung bình 180 euro/đầu khách.
Ngày nay, khách Trung Quốc đến Nhật Bản và Hàn Quốc đi theo tour giá rẻ vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn. Vì vậy, tour giá rẻ hay tour 0 đồng, thậm chí âm đồng chính là hiện tượng phát triển tất yếu của thị trường.
Các quốc gia đều đã cố gắng kiểm soát, chấn chỉnh thị trường nhưng chưa tìm được giải pháp triệt để, cuối cùng phổ biến nhất vẫn là xoay quanh bảo vệ lợi ích của khách, lấy khách du lịch làm trung tâm, xem xét mức độ khiếu kiện của khách để quyết định việc trừng phạt cũng như quản lý liên quan đến sản phẩm du lịch.
Năm 2013, Cục Du lịch quốc gia Trung Quốc đã tập trung chỉnh đốn tour giá rẻ và tour 0 đồng, âm đồng, nhưng vẫn chưa tìm ra được giải pháp tốt nhất, sau nhiều lần vẫn phải để cho cung cầu của thị trường quyết định. Điều 46 của Nghị định quản lý lữ hành, hợp đồng tour phải chi tiết số lượng điểm mua sắm trong chương trình tour và phải thông báo cho khách nắm được. Bất kỳ công ty nào có hành vi lừa dối, ép buộc khách mua sắm sẽ bị phạt rất nặng, từ 10-50 vạn tệ, tước thẻ với hướng dẫn viên, trưởng đoàn, tước giấy phép với doanh nghiệp.
Năm 2016, Thái Lan cũng chỉnh đốn tour 0 đồng và tour âm đồng. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian rất ngắn, chi phí tour đã tăng lên đến 9.000 tệ (tương đương 28,8 triệu đồng/khách) với tour 5-6 ngày nên lượng khách Trung Quốc đến Thái Lan sụt giảm nghiêm trọng. Sau đó, Thái Lan dần điều chỉnh, nới lỏng thị trường.
Tháng 12/2016, Phó Thủ tướng Thái Lan, Bộ trưởng Bộ Du lịch và các bên liên quan đã đến Quảng Châu tổ chức xúc tiến du lịch, đáp ứng và giải quyết những đề xuất, kiến nghị của các công ty tổ chức đoàn ngay tại chỗ.
Đài Loan (Trung Quốc) và Hong Kong cũng từng siết chặt tour giá rẻ, tour 0 đồng, thường xuyên đưa tin về việc hướng dẫn viên ép buộc du khách mua sắm, chính quyền địa phương cũng áp dụng rất nhiều biện pháp, quản lý nghiêm hoạt động kinh doanh của các công ty lữ hành nhưng đến giờ số lượng tour này vẫn còn phổ biến. Chính vì vậy, Đài Loan đã áp dụng biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn bằng video để khách cảnh giác với hàng nhái và những cái “bẫy mua sắm,” bước đầu phát huy hiệu quả rất tốt.
Chính phủ Hàn Quốc cũng tước giấy phép của 68 doanh nghiệp phục vụ tour 0 đồng cho khách Trung Quốc, quyết tuyên chiến với hiện trạng này, nhưng thực tế cho thấy loại tour này vẫn không hề giảm nhiệt.
Các nước Âu-Mỹ đều chấp nhận sự tồn tại của tour giá rẻ trên thị trường, nhưng yêu cầu doanh nghiệp khai thác phải cho khách du lịch biết rõ những dịch vụ mà khách được và không được bao gồm rõ ngay từ đầu, vì thế tỷ lệ khiếu kiện của khách rất ít, khách du lịch hiểu và đồng thuận…
Giải pháp hạn chế tour giá rẻ, 0 đồng
Có thể nói rằng, tour giá rẻ, tour 0 đồng, âm đồng ảnh hưởng khá lớn, thậm chí làm xấu đi hình ảnh của du lịch Việt Nam. Lượng khách Trung Quốc ào ạt đến cùng một điểm khiến các địa phương đau đầu tìm cách giải quyết.
Để hạn chế các tour giá rẻ, tour 0 đồng, âm đồng, Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) cho rằng: Phải quản lý tốt các công ty lữ hành, nghiêm cấm hành vi “mua đoàn” hoặc bán lại đầu khách cho hướng dẫn viên, nếu bị phát hiện sẽ tước giấy phép hành nghề hướng dẫn và giấy phép lữ hành quốc tế. Quảng Ninh đã thực hiện điều này rất nhanh chóng.
Cụ thể là Thanh tra Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã phạt Công ty cổ phần đầu tư khám phá du lịch Việt Nam (tổ 1, khu 5A, Bãi Cháy, Hạ Long) 25 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế của công ty này trong 1 năm do không thực hiện chương trình du lịch đã ký với du khách; rất nhiều hướng dẫn viên cũng bị xử phạt…
Việc tiếp theo cần làm là chú trọng tới các điểm mua sắm dành cho khách du lịch bởi đây là nơi mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn nếu quản lý tốt, từ các cơ sở này sẽ kích phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng hóa tại chỗ. Do đó, các điểm mua sắm cần được gắn biển đạt chuẩn, đảm bảo khách không mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Hằng năm sẽ tiến hành xếp hạng, đánh giá các cơ sở mua sắm này thông qua đánh giá và khiếu nại của khách.
Thực tế cho thấy, khách Trung Quốc khá dễ tính, có khả năng chi tiêu rất cao. Thống kê cho thấy, trong năm 2016, có 120 triệu khách Trung Quốc đi du lịch trên khắp thế giới đã chi tiêu 250 tỷ USD, nghĩa là trung bình mỗi khách Trung Quốc tiêu 2.083 USD/chuyến đi. Dự báo đến năm 2025 sẽ có 220 triệu người Trung Quốc đi du lịch và tiêu đến 450 tỷ USD.
Mỗi tỉnh, thành phố, đặc biệt là các trọng điểm du lịch, cần thành lập đội phản ứng nhanh với số điện thoại đường dây nóng cho các ngôn ngữ Trung, Hàn, Anh, Nhật, Nga. Số điện thoại đường dây nóng cần được công khai ở khắp nơi từ khách sạn, sân bay, khu tuyến điểm du lịch, xe vận chuyển nhằm đảm bảo khách dễ dàng phản ánh, khiếu kiện. Mặt khác, các cơ quan quản lý cần hiểu rõ bản chất của tour 0 đồng, tour âm đồng, du khách không có lỗi trong việc này mà họ chính là nạn nhân. Do đó, các biện pháp quản lý của địa phương phải lấy lợi ích chính đáng của du khách làm trung tâm.
Trung Quốc vẫn là một thị trường lớn của du lịch thế giới, trong đó có Việt Nam. Các quốc gia khác biết rất rõ tầm quan trọng của dòng khách này và họ đều có chính sách hợp lý về visa, mở cửa bầu trời, xúc tiến quảng bá để thu hút khách Trung Quốc.
Việt Nam cũng không thể nằm ngoài quy luật chung của thế giới và phải thích ứng với những xu hướng, hiện tượng như tour giá rẻ, tour 0 đồng, âm đồng một cách tốt nhất để vừa khai thác được dòng khách này, đảm bảo quyền lợi cho du khách…/.
Theo PV (TTXVN/VIETNAM+)