TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng từ 8,55 - 11,53%/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, từ năm 2021 - 2025 tăng trưởng 10,89 - 14,02%, từ năm 2026 - 2030 tăng trưởng 6,82 - 9,06%/năm.
Đến năm 2020, TP.HCM sẽ hình thành 5 tập đoàn hàng đầu Việt Nam - Ảnh: X.Thảo
Cùng với đó, Thành phố sẽ thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi giúp doanh nghiệp bán lẻ cạnh tranh lành mạnh, có điều kiện phát triển nhanh để đến giai đoạn 2025 - 2030 sẽ có ít nhất 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Theo đại diện Sở Công Thương TP.HCM, 10 năm qua, tăng trưởng bán lẻ của Thành phố khá tốt nhưng xu hướng phát triển thương mại toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của ngành và đã bộc lộ một số hạn chế, buộc phải quy hoạch lại.
Trước nay, hoạt động của ngành bán lẻ dựa vào Quyết định 17 của UBND Thành phố (quy hoạch định hướng phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn giai đoạn 2009 - 2015). Vì vậy, quy hoạch tổng thể ngành thương mại lần này sẽ cung cấp những dữ liệu cơ bản để doanh nghiệp tham khảo cũng như định hướng phát triển.
Hiện tại, TP.HCM có 207 siêu thị, 43 trung tâm thương mại và 1.100 cửa hàng tiện lợi, chiếm 21% ngành bán lẻ. Theo mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng bán lẻ hàng hóa theo các loại hình phân phối hiện đạt tối thiểu 40%, năm 2025 đạt 50% và năm 2030 đạt 60% ngành bán lẻ.
Để đạt được mục tiêu này, Thành phố sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên cơ sở cân đối hài hòa nhu cầu đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các chuỗi cửa hàng hiện đại, kinh doanh tổng hợp (cửa hàng tiện lợi) hoặc chuyên doanh lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu hằng ngày của người dân vùng ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, chung cư nhằm đẩy lùi hình thức kinh doanh tự phát.
Thành phố cũng khuyến khích các hộ kinh doanh bán lẻ hoạt động chưa hiệu quả chuyển đổi sang mô hình cửa hàng bán lẻ hiện đại. Dự kiến, TP.HCM sẽ triển khai 5 nhóm giải pháp về phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ hỗ trợ thương mại, nguồn vốn, đào tạo nhân lực và nâng cao chất lượng quản lý nhà nước.
Trong đó, nguồn lực chính phát triển ngành thương mại sẽ huy động chủ yếu từ khối dân doanh. Cơ quan nhà nước chỉ định hướng phát triển để tập trung làm tốt nhiệm vụ kiến tạo, củng cố môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh tế và người tiêu dùng.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của kênh mua sắm hiện đại đang xuống cấp. Nhiều nhà bán lẻ ngoại đầu tư chiếm thị phần dẫn đến cạnh tranh thị trường gay gắt và nguy cơ doanh nghiệp Việt Nam bị thâu tóm là có thể xảy ra. Và, trên thực tế, thời gian qua có khá nhiều thương hiệu bán lẻ trong nước đã vào tay doanh nghiệp nước ngoài.
Trong đó, Citimart và Fivimart đã thuộc về Aeon (Nhật Bản), thương hiệu Nguyễn Kim cũng đã thuộc quyền điều hành của Tập đoàn Central của Thái Lan. Việc thâu tóm một số doanh nghiệp bán lẻ chắc chắn sẽ còn tiếp diễn vì Việt Nam vẫn là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.
Theo DNSG
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI