Tại buổi làm việc giữa UBND thành phố Cần Thơ, Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các doanh nghiệp về tình hình sản xuất, tiêu thụ trái cây diễn ra hôm nay, 8-3, ở địa phương này, ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, sau nhiều năm đàm phán, trái cây Việt Nam đã mở cửa được nhiều thị trường đòi hỏi cao về tiêu chuẩn sản phẩm (hay còn gọi là thị trường khó tính) như Mỹ, Chi Lê, Nhật Bản, Đài Loan, New Zealand cho 5 loại trái cây chính là thanh long, nhãn, xoài, vải và vú sữa.
"Rộng cửa" xuất khẩu trái cây vào Mỹ, nhưng cần thận trọng. Ảnh: Trung Chánh
Riêng đối với thị trường Mỹ, theo ông Thiệt, sau 10 năm đàm phán, quốc gia này cũng đã chấp nhận mở cửa cho Việt Nam xuất khẩu trái vú sữa. “Ngày 26-12-2017 vừa qua, chúng tôi cũng đã làm lễ xuất khẩu lô vú sữa đầu tiên váo quốc gia này”, ông thông tin và cho biết đến nay đã có tổng cộng 134 lô vú sữa được xuất khẩu vào thị trường Mỹ với tổng khối lượng khoảng 230 tấn.
“Đây là điều đã vượt ra ngoài sự kỳ vọng của chúng tôi”, ông nhấn mạnh và giải thích vì từ khi được mở cửa đến nay chỉ có mấy tháng, trong khi vú sữa là loại cây cho trái 1 vụ/năm.
Giá trị xuất khẩu hàng rau, quả tháng 1-2018 ước đạt 321 triệu đô la Mỹ, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2017, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. |
Theo ông Thiệt, dưới sự ủy quyền của phía Mỹ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật cấp 18 mã số vùng trồng cho cây vú sữa ở ĐBSCL. Trong đó, Tiền Giang có 16 mã số vùng trồng và Cần Thơ có 2.
Ông cho biết thêm, thị trường Mỹ cũng đã tiếp tục mở cửa cho trái xoài Việt Nam và dự kiến trong tháng 4-2018 tới, lễ xuất khẩu lô hàng đầu tiên sẽ được thực hiện, mở rộng cửa hơn cho trái cây Việt Nam vào Mỹ.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, tại thị trường Mỹ, một số nơi người tiêu dùng sẵn sàng trả 100 đô la Mỹ cho nửa kí lô gam vú sữa, thậm chí các siêu thị phải treo bảng bán theo giờ, 9 giờ mở bán và đến 10 giờ ngưng bán. “Đó là cái mà chúng tôi không ngờ nó lại như vậy”, ông nói.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, đi đôi với “sốt” hàng, thì nó lại xảy ra những vấn đề khác, mà cụ thể là trái vú sữa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ bị “dính” dịch hại ruồi đục quả. “Khi hình ảnh trái vú sữa chúng ta bên thị trường Mỹ có vấn đề rồi, thì có khả năng sẽ "gieo" trong đầu người tiêu dùng đó là sản phẩm không tốt”, ông nói và cảnh báo cần phải chấn chỉnh ngay.
Theo ông, Việt Nam từng có bài học tương tự trong việc xuất khẩu trái vải vào thị trường Úc. “Lúc đó, nhu cầu tăng vọt ở thị trường Úc, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu, đưa qua nhiều dẫn đến chất lượng trái vải giảm và đồng thời doanh nghiệp cũng giảm giá xuống để người ta mua. Thế nhưng, trái vải hư sẽ gieo trong đầu người tiêu dùng là vải Việt Nam hàng xấu, giá rẻ nên vụ mùa năm sau người ta không còn có ấn tượng tốt nữa”, ông dẫn chứng.
Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chánh Thu cho biết, khách hàng muốn đặt hàng trái vú sữa còn rất nhiều, nhưng doanh nghiệp không dám nhận vì nếu sản phẩm xuất khẩu tiếp tục gặp sự cố ruồi đục quả, thì nguy cơ bị ảnh hưởng trong vụ mùa năm sau là rất lớn. “Vì vậy, chúng tôi dừng, tạm thời không nhận hợp đồng nữa”, bà cho biết.
Từ vấn đề nêu trên, bà Vy yêu cầu các vùng nguyên liệu chuyên canh vú sữa nên cho thực hiện bao trái sớm hơn để tránh bị ruồi đục quả, gây hại. “Vừa rồi ở Tiền Giang có xuất hiện khuyết điểm đó (bị ruồi đục quả) do chúng ta bao trái trễ”, bà giải thích.
Ông Thiệt cũng đưa ra khuyến cáo tương tự, đó là bà con nông dân nên thực hiện bao trái vú sữa sớm nhằm tránh bị ruồi đục quả xâm nhập. Bởi, quy trình sản xuất hiện đã đáp ứng được tất cả các yêu cầu của phía Mỹ đưa ra, chứ không phải chưa đáp ứng.
Xuất khẩu sang Mỹ, phải đáp ứng những gì?
Ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, muốn xuất khẩu trái cây sang Mỹ phải đáp ứng được 3 tiêu chuẩn chính, gồm vùng trồng đạt tiêu chuẩn và được phía Mỹ ủy quyền cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng; nhà máy đóng gói phải được chuyên gia phía Mỹ cấp mã số; sản phẩm phải được chiếu xạ tại nhà máy được cấp mã số đạt chuẩn. “Hàng hóa phải đạt 3 tiêu chuẩn như vậy mới được chấp nhận”, ông nói.
Trong đó, để đáp ứng và được cấp mã số vùng trồng, theo ông Thiệt, thứ nhất, vùng trồng phải có diện tích tối thiểu 10 héc ta;
Thứ hai, phải định vị vùng trồng trên Google Maps, có danh sách các hộ nông dân tham gia, diện tích, giống và phải có xác nhận của chính quyền địa phương;
Thứ ba, các hộ dân được cấp mã số và phải thực hiện ghi chép nhật ký (không bắt buộc sản xuất GAP);
Thứ tư, đối với trái nhãn phải thực hiện bao trái trước thu hoạch 3 tuần và vú sữa phải bao trái sớm hơn để tránh ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm;
Thứ năm là không được sử dụng 5 loại hoạt chất hóa học phía Mỹ cấm trong quá trình sản xuất.
“Đó là 5 tiêu chuẩn cần có để Cục bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ”, ông cho biết.
Theo KTSG