Những năm gần đây, sự ra đời của hàng loạt website thương mại điện tử (TMĐT) lớn đã làm cho việc mua sắm online không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ.
Đặc biệt, thị trường mua sắm trực tuyến càng trở nên sôi động hơn khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng trẻ tham gia vào việc mua bán trên mạng xã hội, vì đây là thị trường mang tính tương tác cao, kết nối rộng, thuận tiện trong giao thương.
Kết quả khảo sát hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) 2018 của Hội doanh nghiệp HVNCLC vừa được công bố cũng cho thấy xu hướng mua bán online ngày càng rõ rệt, đặc biệt với người tiêu dùng trẻ: Nếu như kết quả khảo sát của năm 2017 về nơi chọn mua sản phẩm cho thấy mua sắm online mới chỉ chiếm 0,9%, thì chỉ sau 1 năm, số người tiêu dùng chọn mua online đã tăng gấp 3 lần (2,7%).
Hầu hết các sản phẩm tiêu dùng đều được người tiêu dùng lựa chọn mua online, trong đó các dòng sản phẩm thuộc các ngành hàng như thiết bị, đồ điện tử kỹ thuật cao, đồ chơi, dụng cụ thể thao, mỹ phẩm, dụng cụ làm đẹp, văn phòng phẩm và các mặt hàng thời trang… được mua online ngày càng nhiều (chiếm tỷ lệ từ 10 - 30% người tiêu dùng chọn mua online).
Mặt khác, kết quả khảo sát HVNCLC 2018 cũng chỉ ra: Kênh thông tin online ngày càng được nhiều người tiêu dùng tiếp cận và chọn là kênh tham khảo thông tin chính khi lựa chọn sản phẩm, đặc biệt là người tiêu dùng ở khu vực thành thị.
Có tới 23% người tiêu dùng lựa chọn các kênh online để tham khảo thông tin trước khi quyết định mua sản phẩm, tăng 5% so với kết quả khảo sát năm 2017 (18%). Trong đó, website công ty có tỷ lệ tham khảo tăng gấp đôi (từ 3,3% lên 6,7%). Đây là kênh thông tin mà doanh nghiệp hoàn toàn chủ động tạo ra nội dung thông tin để tiếp cận, thu hút và chinh phục người tiêu dùng.
Là địa phương đi đầu trong phát triển TMĐT cũng như các kênh mua bán online, theo đánh giá của Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp TMĐT tại Thành phố cũng nhanh chóng bắt kịp xu hướng mới của thế giới, đã và đang đầu tư cho website TMĐT một cách chuyên nghiệp, tạo thói quen mua sắm hiện đại của người tiêu dùng trên môi trường mạng.
Qua kiểm tra, phân loại, hiện nay TPHCM có hơn 61.000 website TMĐT (hoạt động ổn định) theo quy định của Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Năm 2017, doanh thu TMĐT của TP.Hồ Chí Minh ước đạt hơn 53.870 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 20% và có quy mô chiếm 40% thị trường TMĐT cả nước.
Kết quả khảo sát HVNCLC 2018 cho thấy, sản phẩm trong nước dù vẫn chiếm ưu thế trên thị trường với tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích và thường mua dùng là 51% và 60%, nhưng đã giảm đáng kể (lần lượt giảm 27% và 32%) so với kết quả khảo sát năm 2017.
Trong khi đó, các sản phẩm ngoại nhập có xuất xứ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đang từng ngày cạnh tranh giành niềm tin, chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt. Nếu như năm 2017, sản phẩm ngoại nhập từ Thái, Nhật, Hàn được người tiêu dùng mua dưới 3%, thì đến nay đã tăng lên 8-10%, thậm chí, có những sản phẩm như bánh kẹo, đồ uống chiếm tỷ lệ khá cao, từ 12 - 17%.
Các sản phẩm có xuất xứ từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc còn có ưu thế từ mạng lưới bản lẻ rộng khắp từ các hệ thống siêu thị lớn tại Việt Nam như: Mega Market (tên gọi cũ là Metro) với 19 siêu thị, Big C có 32 siêu thị, Central Group nắm 49% cổ phần hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Nhật Bản có hệ thống đại siêu thị Aeon Mall, trung tâm thương mại Saigon Centre, hệ thống cửa hàng tiện ích như Family Mart, mới nhất là hệ thống 7-Eleven. Hàn Quốc gắn liền với tên tuổi của Lotte, Emart, mới đây nhất là SG25…
Theo nhận định của các chuyên gia, hệ thống bán lẻ là yếu tố quan trọng tạo được không gian để sản phẩm có thể tiếp cận, kết nối và từng bước chinh phục người tiêu dùng.
Theo Chinhphu.vn