Ứng dụng công nghệ cao, nâng sức cạnh tranh cho ngành Nông nghiệp

Ứng dụng công nghệ cao, nâng sức cạnh tranh cho ngành Nông nghiệp

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn do thời tiết biến đổi thất thường, giá cả hàng nông sản bấp bênh trong khi giá vật tư đầu vào có xu hướng tăng cao. Để tăng năng suất, chất lượng nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là một trong những giải pháp cấp bách.


Nông dân đứng bên lề cuộc cách mạng 4.0

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của ngành Nông nghiệp trong tình hình mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, người dân trên địa bàn tỉnh hiện chủ yếu vẫn sản xuất, canh tác theo lối truyền thống, có phần lạc hậu.

Trongdua180528.jpg

Trồng dưa lưới trong nhà kính theo công nghệ Israel tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên - Ảnh: THỦY TIÊN

Hiện nay, trừ các vùng sản xuất nông nghiệp có chứa hàm lượng công nghệ cao như Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…, người nông dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp bằng các công cụ thô sơ: nhổ cỏ, bón phân, trồng cây bằng tay; cuốc ải phơi đất, lên luống bằng cuốc... và dường như người dân đang đứng ngoài lề xu hướng hội nhập toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng sâu rộng.

Theo ông Lê Đủ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, thời kỳ cạnh tranh kinh tế thị trường đòi hỏi ngành Nông nghiệp phải có sản phẩm khối lượng lớn, chất lượng cao, giá thành cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện nay người dân đa phần canh tác nhỏ lẻ, mang tính cá thể và ít chịu đầu tư cho công nghệ sản xuất vì ngại đầu tư tốn kém, thiếu kỹ năng vận hành máy móc, công nghệ, khó từ bỏ thói quen sản xuất thủ công và phần lớn nông dân vẫn chưa thích ứng được phương thức sản xuất mới chứa hàm lượng công nghệ cao.

TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Viện trưởng, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ cho rằng, nghề trồng rau ở nước ta có từ lâu đời, nông dân có kinh nghiệm và truyền thống canh tác rau kể cả trái vụ. Tuy nhiên, trong hoạt động sản xuất rau vẫn còn gặp trở ngại do nhiều loại hạt giống còn phải nhập ngoại, giá thành cao, diện tích sản xuất còn manh mún, phân tán, công nghệ canh tác theo phương thức truyền thống là chính, quy trình trồng rau chưa được cụ thể hóa theo từng vùng. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất kỹ thuật trồng rau còn nghèo nàn, đầu tư thấp và chưa đồng bộ so với yêu cầu phát triển. Mặt khác, vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, ô nhiễm nguồn nước đã làm cho sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm rau nói riêng của nước ta không an toàn.

nam180528.jpg

Trồng nấm linh chi ứng dụng công nghệ cao tại Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ - Ảnh: THÁI HÀ

Hệ quả của việc trồng trọt nhỏ lẻ, mang tính cá thể là nông dân trồng trọt theo lối tự phát, thấy cây trồng nào có giá trị kinh tế thì trồng theo, cây gì đang được giá thì bỏ hết cây cũ để trồng cây mới rồi lại rơi vào cảnh bị thương lái ép giá. Đây cũng là nguyên nhân làm cho nhiều người trẻ bỏ nông thôn, bỏ ruộng vườn đi vào các thành phố lớn làm việc vì làm nông vất vả mà thu nhập bấp bênh. Trong khi số lượng người trẻ có tri thức quay lại nông thôn, khởi nghiệp bằng nông nghiệp lại rất ít ỏi và gặp nhiều khó khăn.

Cần những cách làm đột phá

Theo TS Dương Hoa Xô, TS Phạm Hữu Nhượng, những nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực công nghệ sinh học, mục tiêu cuối cùng của phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là “giải quyết mâu thuẫn giữa năng suất nông nghiệp thấp, sản phẩm chất lượng thấp, đầu tư công lao động nhiều, hiệu quả kinh tế thấp với việc áp dụng những thành tựu KH-CN để đảm bảo nông nghiệp tăng trưởng ổn định với năng suất và sản lượng cao, hiệu quả và chất lượng cao…”. Để đạt được những mục tiêu trên, nền nông nghiệp tỉnh nhà cần có sự đầu tư đúng mức, cũng như người dân phải trở thành những nông dân “công nghệ cao” sẵn sàng tiếp thu tri thức mới, dám đầu tư, ứng dụng KH-CN vào sản xuất.

Để tạo những bước đi mang tính đột phá cho nền nông nghiệp, tỉnh đã có đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, quan điểm tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Phú Yên là theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững chung của cả nước; gắn với phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển bền vững.

Trong chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Phú Yên đến năm 2020, trồng trọt vẫn là một lĩnh vực quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương thực và phát triển các ngành chế biến sản phẩm sau thu hoạch. Theo đó, định hướng tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt sẽ là phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm (lúa, gạo, mía, sắn, rau hoa củ quả, hồ tiêu…) và lợi thế vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó là đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH-CN vào sản xuất; nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến, nhất là công tác giống, kỹ thuật canh tác, tăng nhanh tỉ lệ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nông nghiệp, áp dụng rộng rãi công nghệ tưới nước tiết kiệm, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng, giảm giá thành, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Theo ông Lê Đủ, trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, ngoài các định hướng mang tính đột phá mà tỉnh đã đề ra thì yếu tố “người nông dân kiểu mới” đóng vai trò rất quan trọng, góp phần quyết định sự phát triển của ngành Nông nghiệp. Theo đó, nông dân phải tổ chức được “hành động tập thể” theo quy trình sản xuất chung. Kèm theo đó, quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản và thương mại của nông dân phải được thiết lập trên cơ sở yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường về khối lượng cung ứng, chất lượng hàng hóa… Để làm được những điều này, các hộ nông dân cần áp dụng kỹ thuật tiến bộ, xây dựng quy trình kỹ thuật, cùng nhau liên kết sản xuất chứ không thể sản xuất theo kiểu đơn lẻ, mang tính cá nhân như từ trước đến nay.

Theo Báo Phú Yên 

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang