Đó là khẳng định của ông Phạm Văn Sơn, Ủy viên Ban quản trị Tập đoàn BMJ.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp “Đồng hành cùng doanh nghiệp” sáng nay (17/5), thay mặt Tập đoàn BMJ, ông Phạm Văn Sơn, cho biết: “Tập đoàn hoạt động trên lĩnh vực sản xuất vaccine phòng bệnh cho vật nuôi, sản xuất dược, thú y, thực phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi… Hiện, chúng tôi đang hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. Tập đoàn đóng góp cho xã hội và xây dựng nông thôn mới lên đến hơn 100 tỷ đồng/năm…
Khi Chính phủ ra Nghị Quyết 35 đã tác động đến chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương, đã nỗ lực, cảm thông, hỗ trợ từ tư tưởng quản lý là chính sang tư tưởng phục vụ doanh nghiệp. Doanh nghiệp chúng tôi cũng xin chia sẻ, trong giai đoạn lịch sử thế giới phức tạp, nền kinh tế toàn cầu chưa hồi phục được nhiều sau suy thoái, bong bóng bất động sản, giá thực phẩm, giá gia cầm thấp kỷ lục trong thời gian qua...
Tập đoàn BMJ kiến nghị:
Một là, Chính phủ họp để tìm cách tháo gỡ cho các hộ chăn nuôi, các DN sản xuất kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, các đại lý phân phối, hộ kinh doanh, nông dân bằng cách khoanh nợ, gia hạn nợ cho các hộ nông dân. Bởi một số hộ đã tìm đến đường cùng bằng việc tự tử vì lỗ vốn quá nhiều trong chăn nuôi, không còn khả năng trả nợ. Hỗ trợ lãi suất cho DN, hộ kinh doanh, chủ trang trại theo các gói hàng trăm nghìn tỷ đồng để được vay vượt qua thời gian khó khăn này.
Hai là, Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, Bộ Công Thương, ... vào cuộc kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp tìm đầu ra cho các sản phẩm của hộ chăn nuôi tiến đến xuất khẩu thực phẩm.
Ba là, huy động các DN lớn trong nước thu mua, chế biến các sản phẩm từ thịt, trứng để làm thực phẩm thức ăn nhanh giống như KFC, dăm bông, ruốc, xúc xích đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cùng xây dựng thương hiệu quốc gia về nông nghiệp. Việt Nam có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, có thể xây dựng thương hiệu quốc gia vì có gần 70% dân số làm nông nghiệp, xây dựng Việt Nam là điểm đến của khách du lịch quốc tế, làm bếp ăn của thế giới, là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư...
Bốn là, xây dựng quy hoạch các vùng nguyên liệu ngô, đậu tương, sắn, dược liệu, nguyên liệu sản xuất thuốc tân dược, thú y..., giảm thiểu nhập khẩu. Bởi tính riêng các mặt hàng trên, Việt Nam đang nhập khẩu gần 6 tỷ USD/năm trong khi diện tích đất đồi núi lớn, đất trống còn nhiều, bờ biển dài, thuận lợi trong phát triển và xuất khẩu thủy sản. Chính phủ nên dành nguồn kinh phí cho các dự án khả thi trên, đây là lợi thế của Việt Nam, đặc biệt Chính phủ nên lập các dự án mang tầm cỡ quốc gia cho các DN kết hợp với các trường ĐH Nông nghiệp đảm nhận.
Năm là, có chính sách quy hoạch chăn nuôi, cấp phép kiểm soát chất lượng đầu vào-đầu ra của người trồng lúa, ngô, đậu, sắn, rau củ quả... của Việt Nam tránh tình trạng nguyên liệu ngô có thuốc trừ cỏ, sắn bị mốc, lúa nhiễm kim loại nặng, tồn dư thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Kiểm soát và xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia hướng đến thực phẩm siêu sạch, bảo vệ sức khỏe con người Việt Nam, hướng đến xuất khẩu ra thế giới.
Sáu là, hỗ trợ vay vốn và giao đất thời gian dài cho những người làm trang trại vì hiện nay những người làm trang trại được vay vốn rất ít và chỉ được giao trong thời gian ngắn nên dù nhiều DN lớn muốn dầu tư vào ngành chăn nuôi nhưng sợ rủi ro nên họ không đầu tư.
Theo KTNT