Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng: Giữ ổn định kinh tế vĩ mô

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng: Giữ ổn định kinh tế vĩ mô

Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, thận trọng đã góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm hiệu quả tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành, lĩnh vực. Và đây cũng là mục tiêu mà ngành Ngân hàng khẳng định tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.


Các chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam đã giúp nền kinh tế vận hành ổn định và giữ được đà tăng trưởng.

Triển vọng của Việt Nam được nâng lên “tích cực”

Trong báo cáo mới đây, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard&Poor’s (S&P Global Ratings - trụ sở tại Hoa Kỳ) đã giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam và nâng triển vọng của Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”. Như vậy, kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 năm 2020 đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế gồm Moody’s, Standard&Poor’s và Fitch nâng triển vọng lên “tích cực”.

Theo các chuyên gia kinh tế, kết quả này đã khẳng định sự thành công của Việt Nam trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, thận trọng đã góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm hiệu quả tăng trưởng. Mặt bằng lãi suất tín dụng được kéo giảm hợp lý đã giúp nền kinh tế có lượng vốn giá rẻ phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tín dụng ngân hàng hướng tới lĩnh vực thiết yếu nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế, nhưng kiểm soát chặt chẽ với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đã bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và kiềm chế lạm phát dưới 4% như mục tiêu đề ra.

Việc điều hành hiệu quả còn thể hiện ở chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 như khoanh, giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ... Tỷ giá được điều hành linh hoạt và giữ tương đối ổn định để hỗ trợ hoạt động xuất, nhập khẩu cũng là yếu tố đáng chú ý.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam Andrew Jeffries cũng đánh giá, chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam đã được áp dụng một cách linh hoạt, hiệu quả, giúp nền kinh tế vận hành ổn định và giữ được đà tăng trưởng trong tình hình kinh tế thế giới bị suy thoái. Thực tế, năm 2020, Việt Nam đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa 2,91% và quý I-2021 là 4,48%. Trong khi đó, lạm phát cơ bản bình quân năm 2020 là 2,31% và quý I-2021 là 0,29%, thấp nhất trong vòng 20 năm qua.

Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến giữa tháng 4-2021, tín dụng nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm 2020. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 357 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663 nghìn khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng, cho hơn 456 nghìn khách hàng vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23-1-2020 đến nay đạt hơn 3,16 triệu tỷ đồng.

Phân tích thêm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, nhờ thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, các giải pháp tiền tệ, tài khóa thận trọng, linh hoạt, kinh tế vĩ mô ổn định... nên những biến động bất lợi từ bên ngoài đối với nền kinh tế trong nước phần nào đã được hạn chế.

Chính sách tiền tệ linh hoạt như khoanh, giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ... đã hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19

Tiếp tục kiên định mục tiêu

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam từ cuối tháng 4-2021, với tốc độ lây lan nhanh, được dự báo sẽ khiến nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, gây trở ngại trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2021, Chính phủ nhận định, những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 tác động đến toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội; chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tài khóa có những kết quả tích cực song nhiều chỉ số còn chưa yên tâm…

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI), diễn biến dịch bệnh phức tạp ảnh hưởng đến việc hồi phục kinh tế, đẩy chi phí tăng lên đang tạo áp lực lạm phát... Do vậy, từ nay đến cuối năm 2021, điều hành chính sách tiền tệ tương đối vất vả khi vừa phải đáp ứng mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế, vừa bảo đảm không để xảy ra rủi ro cho ngân hàng. Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng: “Bên cạnh hướng đến đạt “mục tiêu kép”, yếu tố quan trọng nhất là phải giữ được ổn định vĩ mô và bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng. Do vậy, điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục phải linh hoạt, bám sát diễn biến của nền kinh tế để đưa ra quyết định chính xác”.

Trước những bất lợi do dịch bệnh, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong điều hành chính sách tiền tệ cần gắn kiểm soát lạm phát với yêu cầu phục hồi tăng trưởng kinh tế cả ngắn hạn và trung, dài hạn. Trong đó, giải pháp hỗ trợ tài khóa, tiền tệ phải đúng "liều lượng", thời điểm, cần thiết có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng thấp hơn nếu dịch bệnh phức tạp để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, cũng phải theo dõi sát những yếu tố bất ổn tài chính toàn cầu để kịp thời có giải pháp hạn chế rủi ro với nền kinh tế Việt Nam.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, chính sách tiền tệ vẫn sẽ được điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng khả năng thích ứng với những biến động của kinh tế thế giới và trong nước để góp phần nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế trong quá trình hội nhập.

 

Theo báo Hà Nội Mới

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang