Để vực dậy các doanh nghiệp sau những thiệt hại nặng nề của 4 đợt dịch Covid-19, theo các chuyên gia, cần tiếp tục chính sách giảm chứ không chỉ giãn thuế. Đồng thời, phải đưa ra gói hỗ trợ mới mạnh mẽ hơn, mang tính chất đột phá, bền vững hơn gói “chữa cháy tạm thời” trước đó.
Theo thống kê của Bộ KH-ĐT, trong năm 2020, có 101.719 doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường, tăng 25,3% và số DN tạm ngừng kinh doanh là 46.592, tăng tới 62,2% so với năm 2019. Mới nhất, 5 tháng đầu năm nay, số DN rút lui khỏi thị trường tiếp tục gia tăng với gần 60.000 (tăng 23% so với cùng kỳ). Trong đó, có 31.818 DN tạm ngừng kinh doanh, chiếm gần một nửa. Ngoài ra, còn có gần 20.000 DN chờ làm thủ tục phá sản, giải thể.
Sản xuất bơm kim tiêm của một doanh nghiệp tại Hà Nội phục vụ cho chiến dịch tiêm chủng quốc gia phòng Covid-19
DN đóng cửa, phá sản tăng cao khiến số lượng việc làm đăng ký trong năm 2020 chỉ có hơn 1 triệu, giảm 15,9% so với năm 2019. Tính chung, năm 2020, số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi gần 1,2 triệu, tăng 227.800 so với năm 2019. Tính đến tháng 12.2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 gồm người bị mất việc làm, phải giãn/nghỉ việc... Trong đó, 69,2% bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm, và 14% buộc phải tạm nghỉ việc.
Kể từ đầu năm 2020 đến hết 5 tháng 2021, Quốc hội (QH) và Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách giảm, giãn thuế; giảm tiền thuê đất... Các chính sách này đã giúp vực dậy nhiều DN, tránh nguy cơ phá sản. Để tiếp tục tháo gỡ, trong tháng 4.2021, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Đồng thời, Bộ Tài chính giảm 30 loại thuế, phí với số tiền 1.000 tỉ đồng kéo dài đến hết năm 2021. Đây được xem là liều thuốc quý giúp DN “hồi sức”.
Nhưng như vậy là chưa đủ. Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành quyết định cho khu vực DN nhỏ và vừa nộp thuế thu nhập DN từ 2 - 3% doanh thu của năm đối với các DN có doanh thu khoảng 3 tỉ đồng/năm, đồng thời bãi bỏ, miễn giảm cho một số thủ tục mở sổ sách kế toán trong khu vực này. “Đối với Nghị định 52, chúng tôi đề nghị kéo dài thời gian kê khai thêm 6 tháng nữa, tương ứng như vậy, thời hạn nộp thuế sẽ kéo dài tương ứng với thời gian kê khai để phát huy hết ý nghĩa hỗ trợ của Chính phủ, của Nhà nước với cộng đồng DN đang gặp khó khăn”, ông Nam bày tỏ.
Theo PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, chính sách hỗ trợ vừa qua chỉ mang tính chất tạm thời, thậm chí việc giảm thuế và phí chưa đúng, trúng khi đa phần DN đều thua lỗ, chủ yếu hoạt động cầm chừng. Do đó, ông Long kiến nghị Chính phủ cần sớm trình QH giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp năm 2021 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỉ đồng; giảm 15% tiền thuê đất cho đối tượng dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên do dịch Covid-19. Ngoài ra, trình QH giảm 50% thuế GTGT năm 2021 đối với các ngành chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 như du lịch, khách sạn để giảm giá dịch vụ kích cầu, hỗ trợ du lịch nội địa.
Về lãi suất cho vay, theo ông Long, dù đã giảm nhưng vẫn còn rất cao; rất nhiều DN không tiếp cận được lãi suất rẻ và tín dụng ưu đãi. Do đó, cần có giải pháp giảm từ 3 - 5%/năm lãi suất cho vay. Hỗ trợ nguồn vốn vay cho DN thông qua ngân hàng từ nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa để tạo điều kiện cho DN tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết.
Cần gói hỗ trợ thứ 2 đủ mạnh
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên tại Học viện Tài chính, cho rằng từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, có nhiều chính sách hỗ trợ DN chung trong nền kinh tế nhưng hầu như không có chính sách hỗ trợ riêng cho DN trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản (BĐS), du lịch nghỉ dưỡng. Thời gian tới, để giúp đỡ DN trong lĩnh vực xây dựng, BĐS tháo gỡ khó khăn vì đại dịch Covid-19, chắc chắn cần những quyết sách thông thoáng cởi mở hơn trong việc tiếp cận đất đai, vốn vay làm dự án, vốn vay hỗ trợ cho người mua nhà.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), kiến nghị để tháo gỡ khó khăn cho DN BĐS, cần đẩy mạnh hỗ trợ tháo gỡ để tăng nguồn cung nhà ở bình dân lên, tạo quỹ nhà ở bình dân dồi dào. Mặt khác, để giúp đỡ người dân thu nhập thấp ổn định đời sống và cũng là làm ấm thị trường lên, cần có gói tài chính hỗ trợ cho người dân vay mua loại nhà có tổng giá trị trên dưới 1,5 tỉ đồng, với mức lãi suất ưu đãi nhất định. Bên cạnh đó, kèm theo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay mua nhà này cũng dễ dàng hơn. Đấy chính là chính sách kích cầu để làm tăng thanh khoản cho thị trường. BĐS vốn là ngành kinh tế cốt lõi, khi có chuyển biến sẽ tạo động lực lan tỏa kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề khác.
“Mới đây, Ngân hàng Nhà nước có chính sách không chuyển nhóm nợ là rất thiết thực, giúp DN dễ dàng tiếp cận vốn hơn. Nhưng tôi cho rằng để hỗ trợ DN trong lĩnh vực BĐS thì điểm cốt lõi vẫn là gỡ vướng cơ chế tiếp cận về đất đai, công nhận chủ đầu tư, phải chấp nhận tăng mật độ dân số cục bộ ở một số nơi mà cho chia nhỏ căn hộ tạo ra thanh khoản. Về lãi suất hỗ trợ mua nhà trong điều kiện hiện nay, có thể không được mức 5% như gói 30.000 tỉ nhưng không nên cao quá để phù hợp với đại đa số người dân. Như vậy, tôi cho rằng cần hỗ trợ tiền cho người dân thu nhập thấp mua nhà và gỡ vướng cơ chế chính sách trong việc đầu tư xây dựng nhà ở bình dân”, ông Châu nói.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI), cho biết gói hỗ trợ của Chính phủ đúng nhưng chưa trúng; triển khai rất chậm, hiệu quả thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Trong đó có nguyên nhân như quá cầu toàn, "sợ" trách nhiệm của cán bộ thực hiện. Đơn cử, đến hết năm 2020, hỗ trợ an sinh xã hội mới giải ngân được hơn 12.800 tỉ đồng, tức khoảng 20,6% tổng giá trị, cho gần 13 triệu người. Đến đầu năm 2021, các bộ, ngành về cơ bản chỉ đề xuất tiếp tục kéo dài thực hiện các giải pháp tài khóa, tiền tệ... đã có.
Theo TS Thành, đến nay, nền kinh tế vẫn rất cần một gói hỗ trợ thứ hai đủ mạnh do quá trình phục hồi còn gặp nhiều trắc trở. DN vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Cần kéo dài thời hạn thực thi các giải pháp hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ trong gói thứ nhất, bổ sung thêm một số biện pháp: miễn phí công đoàn năm 2021 tại DN; chính thức điều chỉnh giảm thuế thu nhập DN từ 20% xuống 15 - 17% đối với DN nhỏ và vừa từ năm 2021; tăng cho vay qua Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa; khởi động hoạt động thực chất của các quỹ bảo lãnh vay vốn cho đối tượng này (quy mô khoảng 60.000 tỉ đồng); thúc đẩy thực hiện gói cho vay nhà ở xã hội (3.000 tỉ đồng).