Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất định, bất thường, thậm chí nhiều xu hướng ngày càng khó khăn hơn, kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2024 đã phục hồi và tăng trưởng khá tốt tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Đây là chủ đề được các chuyên gia kinh tế trao đổi, thảo luận tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam 2024: Nỗ lực phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định" do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng ngày 11/4/2024.
Hội thảo nhằm phân tích thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, đánh giá về triển vọng nền kinh tế năm 2024, trên cơ sở đó đưa ra các kiến nghị chính sách đối với công tác điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Hội thảo "Kinh tế Việt Nam 2024: Nỗ lực phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định" do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng ngày 11/4/2024.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: Trong giai đoạn 2023-2024, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, khu vực trên phạm vi toàn cầu, nhất là hậu quả của dịch Covid-19 kéo dài; xung đột Nga-Ukraine, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài dẫn đến suy giảm tăng trưởng, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước, đối tác lớn; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế gia tăng; những thách thức về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, đói nghèo ngày càng nghiêm trọng và tác động, ảnh hưởng đến kinh tế thế giới.
Những “cơn gió ngược” từ kinh tế thế giới về xung đột chính trị, lạm phát và lãi suất tăng cao, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm… đã gây những tác động bất lợi, khiến kinh tế Việt Nam giảm đà tăng trưởng một cách đáng kể, có những lúc xuống mức thấp trong nhiều năm trở lại đây. Tình hình sản xuất kinh doanh trong nước gặp rất nhiều khó khăn, đơn hàng suy giảm hàng loạt, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm.
Theo TS. Phạm Anh Tuấn, trước bối cảnh nhiều thách thức lớn, công tác điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2023 đã đạt được những thành công đáng ghi nhận. Tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 5,05%, dù thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng bình quân của thế giới (3,1%) và cao mức bình quân trong khu vực ASEAN-5 (4,2%).
Bên cạnh đó, nền tảng kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, lạm phát thấp, tỷ giá biến động nhỏ, thu chi ngân sách ổn định, đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Những kết quả này tạo niềm tin nền kinh tế trong nước đã vượt qua được những thách thức của năm 2023, củng cố nền tảng cho triển vọng phát triển của năm 2024.
TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, những “cơn gió ngược” từ kinh tế thế giới đã gây những tác động bất lợi cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn, bất thường, thậm chí nhiều xu hướng ngày càng khó khăn hơn, kinh tế Việt Nam quý I/2024 phục hồi và phát triển khá tốt tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Theo TS. Thành, những điểm tích cực có thể kể đến: xuất nhập khẩu, giải ngân đầu tư công, tài chính - tiền tệ… Tuy nhiên vẫn còn những vấn đề quan ngại như: Đầu tư tư nhân chững lại; bất động sản (tín dụng cho vay đối với bất động sản không tăng); tiêu dùng tăng trưởng chưa tương xứng tiềm năng; hoạt động doanh nghiệp khó khăn (số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng, các tập đoàn lớn gặp khó, giảm đầu tư)…
Trong bối cảnh đó, TS. Võ Trí Thành cho rằng, điều hành chính sách kinh tế vĩ mô thời gian qua đã có nhiều nỗ lực.
Một là ổn định kinh tế vĩ mô (từ duy trì lạm pháp tương đối thấp cho đến đảm bảo an toàn hệ thống tài chính - ngân hàng; tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản, khôi phục niềm tin thị trường và tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế.
Hai là kích cầu tiêu dùng, du lịch và hỗ trợ người lao động: thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng, thu hút FDI chất lượng qua tận dụng việc nâng cấp quan hệ đối tác với Hoa Kỳ, Nhật Bản,... cũng như làm sâu sắc thêm quan hệ với Trung Quốc; đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, ký kết, đàm phán thêm các FTA; hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách về tiền tệ, tài khóa cũng như Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Ba là tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý với một loạt Luật được cải thiện “cũ” và xây “mới” đáp ứng xu thế số, xanh, dịch chuyển chuỗi cung ứng; phê duyệt các Quy hoạch, Chiến lược một số ngành/lĩnh vực… và đẩy nhanh triển khai thi hành các chính sách này.
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh
Tương tự, TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Nhiều chỉ tiêu kinh tế Việt Nam đã có xu hướng phục hồi rõ nét hơn. GDP đã có dấu hiệu phục hồi rõ nét hơn từ đầu năm 2022, tuy nhiên mức tăng trưởng chung năm 2023 và quý I/2024 vẫn chưa phục hồi về mức trước Đại dịch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tăng khá rõ, nhất là từ 2022 đến quý I/2024. Xuất khẩu đã hồi phục dần, nhất là từ đầu năm 2023 - thời điểm xuất nhập khẩu giảm so với năm trước. Nhiều mặt hàng chủ lực cũng đã tăng trưởng trở lại. Từ quý I/2024 mức độ phục hồi đã rõ nét hơn và tăng trưởng trở lại.
Tuy nhiên, bên cạnh những dấu hiệu tích cực, TS. Lê Xuân Sang nhận định, sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, lĩnh vực bất động sản, thị trường tài chính… vẫn chưa rõ nét, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. (Ảnh: Thu Uyên)
Các chuyên gia cùng chia sẻ nhận định, nhiều dự báo kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2024 sẽ thuận lợi hơn, giảm bớt khó khăn, thách thức.
Khuyến nghị chính sách thời gian tới, TS. Võ Trí Thành cho rằng các nhóm chính sách giải pháp 2023 có thể có điều chỉnh, song về cơ bản cần được tiếp tục thực hiện trong năm 2024. Nếu năm 2023 trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng; năm 2024 là thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô.
“Mức độ cải thiện tình hình năm 2024 còn tùy thuộc diễn biến từ bên ngoài, song điều tiên quyết là nỗ lực chính sách và cải cách của Việt Nam”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh và cho rằng phía trước còn nhiều khó khăn, thậm chí sóng bão, song chúng ta vẫn có lý do để tin vào một kết quả tích cực hơn trong phát triển kinh tế năm 2024. Quan trọng hơn, hy vọng Việt Nam tạo dựng được những nền tảng cơ bản tốt hơn, chất lượng hơn, cả về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, để bứt phá phát triển trong giai đoạn tới.
TS. Trần Đình Thiên - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, để biến thách thức thành cơ hội, cần khai thác hiệu quả động lực từ Quy hoạch quốc gia, các Luật mới như: Luật Đất đai... và có cơ chế trao quyền cho các địa phương để gia tăng cơ hội thu hút đầu tư; có cách tiếp cận mới trong phát triển thị trường tài chính - tiền tệ; nghiên cứu xây dựng mô hình các khu sinh thái công nghiệp, khu thương mại tự do thế hệ mới...
Tại phiên thảo luận của Hội thảo, các chuyên gia cho rằng sự phục hồi và chính sách điều hành thời gian qua đều có những nét tích cực, tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là vấn đề hiệu quả thực thi các giải pháp, chính sách...