Xây dựng thương hiệu nông sản: Giải pháp nâng sức cạnh tranh và tăng giá trị

Xây dựng thương hiệu nông sản: Giải pháp nâng sức cạnh tranh và tăng giá trị

Việt Nam có nhiều loại nông sản đặc trưng của các vùng miền, tuy nhiên, do chưa xây dựng được thương hiệu nên nhiều sản phẩm chưa được người tiêu dùng biết đến, hoặc phải xuất khẩu dưới dạng thô và thông qua các thương hiệu nước ngoài, thậm chí nhiều nhãn hiệu đã bị “cướp tay trên”. Vì vậy, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực đang là một đòi hỏi tất yếu.


Sản phẩm bưởi da xanh Bến Tre đã được cấp chỉ dẫn địa lý.

80% nông sản chưa có thương hiệu

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), mặc dù có đến 10 sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chính, trong đó 8 sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, nhưng đến nay, 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô; 80% lượng nông sản của nước ta chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, nhiều sản phẩm bán ra thị trường thế giới phải thông qua các thương hiệu nước ngoài. Đây là một bất lợi lớn, khiến sức cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường còn yếu và chịu nhiều thiệt thòi.

Mặc dù còn nhiều nông sản chưa xây dựng được thương hiệu nhưng đáng tiếc là việc triển khai nhiệm vụ này rất chậm chạp. Thực tế, từ năm 2004, Hiệp hội Chè Việt Nam đã được Chính phủ giao chủ trì triển khai Chương trình thương hiệu Quốc gia Chè Việt Nam, nhãn hiệu CheViet đã được đăng ký và bảo hộ ở 73 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng do không được triển khai triệt để nên chương trình gần như bị bỏ ngỏ và sản phẩm chè hiện tại vẫn xuất khẩu dưới dạng thô. Mãi đến năm 2015, Chương trình Thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam mới được phê duyệt và hiện tại mới dừng lại ở việc Bộ Nông nghiệp và PTNT đang triển khai ban hành tiêu chuẩn quốc gia gạo Việt Nam và phát động cuộc thi sáng tác lô gô gạo Việt Nam trong quý I/2017.

Theo thống kê, trái cây, thủy sản, gạo đang là những sản phẩm được các địa phương tập trung hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu riêng. Với trái cây, khu vực Bắc Bộ có vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang); khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có chôm chôm Chợ Lách, bưởi da xanh (Bến Tre), xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu (Đồng Tháp), quýt đường (Trà Vinh)…

Đối với thủy sản, hầu hết các doanh nghiệp chế biến lớn đều đã xây dựng thương hiệu riêng của mình. Một số sản phẩm truyền thống của địa phương đã xây dựng chỉ dẫn địa lý như: Nước mắm Phú Quốc, mắm tôm Hậu Lộc, chả mực Hạ Long.

 Đối với gạo, đã xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với gạo Tám xoan Hải Hậu (Nam Định), gạo Điện Biên (Điện Biên), gạo Nàng Nhen thơm Bảy Núi (An Giang), gạo một bụi đỏ Hồng Dân (Bạc Liêu). Nhiều thương hiệu địa phương dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu tập thể  (NHTT), nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) như: nếp cái hoa vàng Kinh Môn (NHTT, Hải Dương); nếp cái hoa vàng Đông Triều (NNTT, Quảng Ninh); gạo Nàng Thơm chợ Đào (NHTT, Long An), gạo thơm Sóc Trăng (NHCN, Sóc Trăng), gạo Bao Thai Định Hóa (NHTT, Thái Nguyên), gạo Bao Thai Chợ Đồn (NHTT, Bắc Kạn)...

Kinh nghiệm của Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam

Do có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng nên Quảng Nam có nhiều sản phẩm chất lượng mang đặc trưng của mình. Trên cơ sở đó, tỉnh đã có nhiều giải pháp triển khai xây dựng thương hiệu, phát triển giá trị thương hiệu các sản phẩm.

ThS. Lê Minh Thảo (Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam) cho biết, đến thời điểm hiện nay, có 44 sản phẩm đặc sản, làng nghề truyền thống của tỉnh đã được xây dựng thương hiệu dưới hình thức như chỉ dẫn địa lý (CDĐL), NHCN, NHTT như: sâm Ngọc Linh, quế Trà My, tiêu Tiên Phước, rau Trà Quế, nước mắm Cửa Khe, gà tre Đèo Le, bê thui Cầu Mống...

Hiện, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương thực hiện Kế hoạch 5308/KH-UBND ngày 26/10/2016, phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho 32 sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề; xây dựng và vận hành có hiệu quả mô hình hệ thống tổ chức quản lý, phát triển quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho 26 sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề.

Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang (huyện Điện Bàn), đơn vị xây dựng thành công sản phẩm dầu phụng “Đất Quảng” chia sẻ, việc xây dựng thành công chuỗi giá trị dầu phụng Đất Quảng - bò thịt - rau sạch mà HTX triển khai trong thời gian tới sẽ góp phần thực hiện thắng lợi đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương, cũng là cơ sở để tạo việc làm cho người lao động, giúp tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp.

Được biết, từ năm 2015, HTX đã hoàn thành các thủ tục xây dựng cơ sở chế biến dầu phụng “Đất Quảng”. Tháng 4/2016, HTX khánh thành và đi vào hoạt động, vừa tổ chức gia công ép dầu cho nông dân trên địa bàn, vừa thu mua đậu phụng tại chỗ, ép - lọc - đóng chai, làm nhãn hiệu trình Cục Sở hữu trí tuệ ban hành quyết định công nhận thương hiệu “Dầu phụng Đất Quảng” vào ngày 18/11/2016. Qua 1 năm thử nghiệm đưa ra thị trường, dầu phụng thương hiệu “Đất Quảng” được người tiêu dùng chấp nhận và khen ngợi.

Năm 2017, HTX tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động, hiện đang hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định để tháng 9/2017 xúc tiến xây dựng cơ sở chăn nuôi bò thịt quy mô 2.000 con/lứa (nuôi 03 lứa/năm) theo hình thức khép kín nhập giống ngoại, chăn nuôi hữu cơ, cung cấp bò thịt cho doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo hợp đồng.

Thừa Thiên - Huế cũng đã xây dựng thành công thương hiệu cho một số sản phẩm nông sản. Điển hình như năm 2007, thanh trà Thủy Biều đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa “Thanh Trà Huế” theo Quyết định số 5382/QĐ-SHTT. Nông dân liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp Thủy Biều sản xuất 170ha thanh trà, thu nhập trung bình khoảng 160 triệu đồng/ha.

Từ nguồn vốn của tỉnh, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và PTNT Thừa Thiên - Huế, HTX Quảng Thọ (Quảng Điền) đã thực hiện thành công mô hình sản xuất rau má an toàn với diện tích 30ha, 194 hộ tham gia. Năng suất rau má nguyên liệu bình quân 50 tấn/ha/năm. Các sản phẩm rau má được phát triển chủ yếu là rau má tươi; thực phẩm chức năng trà rau má.

Để phát triển rau má theo chuỗi gắn với xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu hàng hóa, HTX Quảng Thọ đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa (logo) và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp; đăng ký mã vạch các sản phẩm rau má tươi và trà rau má, đã được Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp. Hiện, HTX đã mở được các địa điểm giới thiệu và bán sản phẩm ở nhiều địa phương.

Ưu tiên 5 mặt hàng chủ lực

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chuyên đề: “Phát triển sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi gắn với xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu hàng hóa”, TS.Trần Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhấn mạnh: Thương hiệu là một trong những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp tạo uy tín nhằm duy trì, mở rộng giữ thị trường một cách minh bạch, văn minh, chống cạnh tranh không lành mạnh. Thương hiệu giúp xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuộc tính của sản phẩm; giúp khách hàng tiết kiệm chi phí tìm kiếm sản phẩm, giảm rủi ro khi quyết định mua một sản phẩm. Vì vậy, thương hiệu là yếu tố chủ yếu quyết định khách hàng mua sản phẩm.Thương hiệu không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia. Khi hội nhập vào thị trường quốc tế sẽ gắn với hình ảnh quốc gia thông qua nhãn hiệu, CDĐL, đặc tính sản phẩm.

Theo ông Khởi, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là một yếu tố quan trọng thúc đẩy xây dựng thương hiệu hàng hóa cho doanh nghiệp. Chiến lược phát triển sản phẩm và phân phối sản phẩm là cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu của doanh nghiệp. Sản xuất theo quy mô lớn, áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật để tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng đảm bảo theo yêu cầu của khách hàng, cung cấp thường xuyên cho doanh nghiệp là cơ sở bền vững cho hình thành và duy trì phát triển thương hiệu của doanh nghiệp.

Được biết, để triển khai xây dựng Chương trình phát triển thương hiệu nông sản chủ lực đến năm 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Công Thương triển khai Chiến lược Thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam đã được Chính phủ giao tại Công văn số 8981/VPCP-KTTH ngày 20/10/2016, trong đó xác định xây dựng thương hiệu cho 09 mặt hàng nông sản chủ lực (gạo, rau quả, thủy sản, cà phê, chè, hồ tiêu, hạt điều, dừa, mật ong). Trước mắt, Bộ đề xuất tập trung vào 5 mặt hàng có thế mạnh để đầu tư xây dựng thương hiệu trong giai đoạn từ nay tới năm 2020, gồm: Xoài, thanh long, chè, cà phê, cá tra.

Để triển khai việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản chủ lực đảm bảo các yêu cầu được thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp, có định hướng rõ ràng, có lộ trình bền bỉ, lâu dài và có thể áp dụng khả thi trong  thực tiễn, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề xuất một số giải pháp cơ bản sau:

Ưu tiên các chính sách tín dụng, chính sách thúc đẩy đầu tư cho nông nghiệp, đặc biệt là các mặt hàng nông sản có thế mạnh của địa phương và phục vụ xuất khẩu theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX có thể tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng các nguồn hỗ trợ.

Ưu tiên các chính sách hỗ trợ nhằm phát huy tiềm lực về đất đai, tài chính, khoa học kỹ thuật, phát triển thị trường, nguồn nhân lực, thúc đẩy sự liên kết phối hợp giữa nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân để tham gia chặt chẽ, hiệu quả vào lộ trình xây dựng thương hiệu.

Có chính sách, chủ trương nhất quán của Nhà nước trong hỗ trợ phát triển thương hiệu, ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm nông sản chủ lực và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành nông nghiệp. Xây dựng chương trình tổng thể về phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam, trong đó có bao gồm đầy đủ các hướng dẫn thực hiện về lộ trình, các công cụ tài chính, kỹ thuật, thị trường, cơ chế phối hợp, hệ thống chia sẻ, xác định thị trường, ngành hàng tập trung xây dựng thương hiệu … một cách khả thi áp dụng thực tiễn  để các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện.

Tăng cường các chính sách tích tụ ruộng đất, các cơ chế tạo quỹ đất công, đất sạch để phục vụ công tác thiết lập các vùng sản xuất nông nghiệp; tăng tính hiệu quả trong liên kết vùng.

Theo KTNT

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang