Xem nhẹ giá trị thương hiệu, doanh nghiệp Việt nhận “trái đắng”

Xem nhẹ giá trị thương hiệu, doanh nghiệp Việt nhận “trái đắng”

Tỷ phú Warren Buffett đã khẳng định: “Nếu chia tài sản của một công ty, tôi sẽ cho bạn phần cơ sở vật chất, và tôi sẽ giữ lại phần THƯƠNG HIỆU”. Thực tế, ở Việt Nam không ít những doanh nghiệp đã nhận được bài học “đau xót” khi xem nhẹ giá trị thương hiệu vì không đăng ký bản quyền, và rồi bị các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký và lấy mất thương hiệu. Tiêu biểu như thương hiệu nước mắm Phú Quốc, thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột…

 


Ảnh: PV

Thương hiệu Việt đang bị “đánh cắp”

Hiện tại, không ít thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam đã bị đối tác làm nhái hoặc đăng ký độc quyền nhãn hiệu ở nước ngoài từ kẹo dừa Bến Tre, thuốc lá Vinataba, cà phê Trung Nguyên, mì Vifon… Ngay cả những chỉ dẫn địa lý nổi tiếng như nước mắm Phú Quốc, nước mắm nhĩ Phan Thiết cũng bị Cty nước ngoài đăng ký nhãn hiệu.

Hệ quả là những sản phẩm hàng hóa nổi tiếng của Việt Nam có nguy cơ bị đối thủ kinh doanh nhái thương hiệu nhằm trục lợi, khiến khách hàng không phân biệt được đâu là sản phẩm thật - giả làm doanh số bán hàng của DN sụt giảm. Nghiêm trọng hơn, thương hiệu của DN có thể mất uy tín và khiến hoạt động kinh doanh của DN bị thiệt hại.

Một thực tế nữa đang diễn ra là do chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trên thị trường thế giới nên một số đối tượng đầu cơ đã lấy các thương hiệu Việt nổi tiếng đem đi đăng ký ở những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam dưới tên của mình. Sau đó, họ quay sang chào bán lại thương hiệu với giá cao cho chủ sở hữu đích thực, ép DN buộc phải ký kết hợp đồng đại lý/phân phối hàng hóa với giá rẻ, cản trở việc xâm nhập thị trường nước ngoài.

Phải tự bảo vệ mình

Với thực trạng trên, DN Việt không thể lơ là việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Quan tâm bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa là bảo vệ tài sản trí tuệ vô giá của chính DN. Khi hội nhập sâu rộng, DN Việt sẽ phải đối mặt với nhiều trường hợp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Do đó, các tổ chức, cá nhân cần nhanh chóng chủ động đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với các tài sản trí tuệ.

Ông Đinh Hữu Phi, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, sở hữu trí tuệ (bao gồm: Chỉ dẫn địa lý, quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu, nhãn hiệu…) là những “tài sản vô hình”, nhưng có thể lớn hơn rất nhiều so với giá trị các tài sản hữu hình. Vì thế, việc bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ góp phần nâng cao năng lực, vị thế của các DN, thúc đẩy phát triển nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm có giá trị lớn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.

“Bảo hộ sở hữu trí tuệ là công cụ cạnh tranh hữu hiệu cho DN cũng như nền kinh tế quốc gia, là một trong những năng lực nội sinh quan trọng hàng đầu để phát triển bền vững”, ông Đinh Hữu Phi nhấn mạnh.

PGS.TS. Mai Hà, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ (VIPA) cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, tuyên truyền kiến thức về sở hữu trí tuệ đến DN; có những hỗ trợ về mặt pháp lý để tạo thói quen cho DN xây dựng thương hiệu, cũng như hướng dẫn DN sử dụng “tài sản vô hình” một cách có chiến lược.

Bà Hà Nguyệt Thu, Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, vai trò của chỉ dẫn địa lý đối với việc giữ gìn thương hiệu cho DN cũng rất quan trọng. Tại buổi tọa đàm, bà Thu cũng đưa ra các ví dụ điển hình như cam Cao Phong, nước mắm Phú Quốc… việc sử dụng tốt chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sẽ phát huy được các lợi thế riêng của địa phương để phát triển và quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế cho đặc sản. Việc duy trì chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý sẽ giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương, đồng thời được xem là công cụ hữu hiệu bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng.

Theo LĐ

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang