Tuy nhiên, đây vẫn là mức giá khá cao, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với áp lực cạnh tranh về giá.
*Giá gạo có xu hướng chững lại
Hiện loại gạo nguyên liệu IR50404 (dạng gạo lứt, chưa qua đánh bóng, xay xát) thu hoạch trong vụ Đông Xuân có giá 9.000 đồng/kg; còn gạo thu hoạch vụ Hè Thu thì chỉ ở mức 8.700-8.800 đồng/kg. Nhóm gạo thơm nguyên liệu vụ Đông Xuân có giá dao động từ 9.700-9.800 đồng/kg; còn gạo vụ Hè Thu lại ở mức 9.400-9.500 đồng/kg.Theo bà Trần Thu Ba, đại diện Doanh nghiệp tư nhân Tấn Tài (huyện Cái Bè, Tiền Giang), hiện giá lúa gạo ở khu vực ĐBSCL đang có xu hướng chững lại. Riêng một số loại lúa gạo mới thu hoạch trong vụ Hè Thu thì giảm nhẹ khoảng 200-300 đồng/kg, do có chất lượng kém hơn so với lúa gạo vụ Đông Xuân.
Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Việt cũng cho biết, dù giá gạo trong nước đang chững lại, nhưng đây vẫn đang ở mức cao kỷ lục trong vài năm gần đây. So với cùng kỳ năm ngoái, giá gạo đã tăng bình quân gần 1 triệu đồng/tấn gạo, mang lại lợi nhuận đáng kể cho người nông dân. Theo các doanh nghiệp, giá gạo trong nước tăng cao kỷ lục do kỳ vọng trúng thầu xuất khẩu 250.000 tấn gạo cho Philippines ngày 22/5 vừa qua. Tuy nhiên, trong đợt đấu thầu này, các doanh nghiệp Việt đã không thể thắng gói thầu nào, vì bỏ thầu cao hơn so với các đối thủ. Đây cũng là một trong những lý do chính khiến giá lúa gạo nội địa có dấu hiệu chững lại trong vài ngày gần đây.
Dẫu kết quả đấu thầu xuất khẩu sang Philippines không như mong đợi, song ngành gạo xuất khẩu vẫn có một số điểm sáng đáng kể. Hiện nguồn cung gạo của Việt Nam không còn nhiều, trong khi nhu cầu giao hàng vẫn còn tương đối lớn, nhất là một số hợp đồng giao hàng cho Indonesia, Philippines, Cuba…
Mới đây, một doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam cũng vừa trúng thầu cung cấp 52.800 tấn gạo cho Hàn Quốc, trong đó chủ yếu là gạo lứt Japonica với mức giá dao động từ 608-666 USD/tấn. Điều này cũng chứng minh sự chủ động của các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các thị trường tiềm năng để thúc đẩy tiêu thụ gạo trong nước ổn định.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy, trong tháng 5/2018, lượng gạo xuất khẩu của cả nước ước đạt 452.000 tấn, với giá trị đạt 347 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo của cả nước ước đạt 2,66 triệu tấn và 1,45 tỷ USD, tăng 13,9% về khối lượng và tăng 40% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2018 đạt 503 USD/tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay với 33,5% thị phần.
* Tiếp tục đối mặt với cạnh tranh về giá
Theo các doanh nghiệp, với giá gạo nội địa hiện nay, rất ít doanh nghiệp mua vào hoặc chỉ mua vừa đủ cho các hợp đồng đã ký. Phần lớn các doanh nghiệp đang tập trung bán gạo trong kho để chốt lời; còn đối với những doanh nghiệp phải mua nguyên liệu thời điểm này có thể sẽ không có lãi, thậm chí chịu thua lỗ. Một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo sang Trung Quốc cho biết, do giá gạo của Việt Nam cao nên các nhà nhập khẩu nước này cũng đang hạn chế mua vào.Giá gạo nội địa và xuất khẩu tăng cao, người nông dân có lời, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo cũng gia tăng đáng kể so với cùng kỳ… Rõ ràng, nếu chỉ bình xét vào những chỉ tiêu trên, ngành gạo Việt Nam đang ở thời kỳ “hưng thịnh” nhất trong vài năm gần đây. Thế nhưng khi phân tích kỹ tính cạnh tranh của ngành gạo hiện nay trên thị trường, thì các doanh nghiệp Việt vẫn đang ở thế yếu.
Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Gạo Việt cho biết, việc giá lúa gạo trong nước tăng cao hơn so với mức tăng giá gạo xuất khẩu đang khiến các hợp đồng thương mại của doanh nghiệp bị hạn chế đáng kể. Hiện giá gạo xuất khẩu chào bán của Việt Nam vẫn đang cao hơn so với Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ… trong khi khách hàng chủ yếu vẫn lựa chọn các gói với giá cạnh tranh hơn. Đây cũng là lý do chính khiến doanh nghiệp này có lượng gạo thương mại xuất khẩu giảm 30-40% so với cùng kỳ.
Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) cũng cho rằng, việc giá gạo Việt Nam đang cao kỷ lục như hiện nay sẽ khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận với các hợp đồng thương mại. Nhất là sắp tới đây, có thể một số nước nhập khẩu gạo sẽ cho thương nhân tham gia nhập khẩu. Khi đó, chắc chắn họ sẽ lựa chọn các nguồn cung có mức giá cạnh tranh hơn và các doanh nghiệp Việt sẽ khó tiếp cận, nếu vẫn còn giá chào bán cao như hiện nay.
Nhìn lại vụ đấu thầu của Philippines ngày 22/5 cũng thấy rõ, việc giá gạo cao đã khiến không có doanh nghiệp Việt Nam nào trúng thầu. Với giá thu mua nguyên liệu nội địa như vừa qua, các doanh nghiệp có bỏ thầu trên 510 USD/tấn giao tại kho thì vẫn chưa có lời. Trong khi giá trúng thầu thấp nhất một công ty Thái Lan đưa ra chỉ là 461,75 USD/tấn.
Nhận định về diễn biến thị trường sắp tới, phần lớn các doanh nghiệp tỏ vẻ khá dè dặt và cho rằng khó dự báo trước. Tuy vậy, theo nguồn tin từ doanh nghiệp, mới đây Philippines đã cho phép thương nhân trong nước tham gia nhập khẩu hơn 800.000 tấn gạo theo chương trình hạn ngạch, kể từ đầu tháng 7/2018. Đây sẽ điểm nhấn quan trọng để thị trường lúa gạo sôi động hơn trong thời gian tới và thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo vụ Hè Thu ổn định.
Dù là tín hiệu tích cực, song nếu giá lúa gạo trên thị trường không có sự điều chỉnh hợp lý thì các doanh nghiệp Việt sẽ rất khó tiếp cận cũng như có hiệu quả khi tham gia xuất khẩu sang thị trường Philippines cũng như các thị trường khác trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cao, các doanh nghiệp trong nước cũng cần lưu ý không nên cạnh tranh với nhau bằng giá bán. Điều này sẽ khiến mặt bằng giá gạo xuất khẩu giảm thấp hơn nữa so với giá nội địa. Khi đó, hiệu quả chung của ngành lúa gạo sẽ xuống thấp hơn nữa.
Hiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang bắt đầu vào đợt thu hoạch sớm vụ Hè Thu. Tính đến ngày 24/5, các địa phương đã thu hoạch được hơn 50.000 ha với năng suất bình quân khoảng 5,8 tấn/ha, trong tổng 1 triệu ha diện tích đã gieo trồng.
Theo BNews/TTXVN