Xuất khẩu vẫn là “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế Việt Nam 2018

Xuất khẩu vẫn là “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế Việt Nam 2018

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước tính đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017.


Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 33,07 tỷ USD, tăng 19,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 80,86 tỷ USD (chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 14,5%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2017.

xuatkhau1.jpg

Xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 22,5 tỷ USD, tăng 15,4% trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Internet.

Trong 6 tháng đầu năm nay có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 85,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Điện thoại và linh kiện đạt 22,5 tỷ USD, tăng 15,4%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 13,5 tỷ USD, tăng 15,7%; hàng dệt may đạt 13,4 tỷ USD, tăng 13,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt hơn 7,8 tỷ USD, tăng 30,6%; giày dép đạt 7,8 tỷ USD, tăng 10,6%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 4,1 tỷ USD, tăng 20,5%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,1 tỷ USD, tăng 12,4%.

Vẫn theo Tổng cục Thống kê, nhìn chung, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực chủ yếu vẫn thuộc về khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó: Điện thoại và linh kiện chiếm 99,7%; điện tử, máy tính và linh kiện 95,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 89,7%; hàng dệt may 60,6%. 

Một số mặt hàng nông sản tuy lượng xuất khẩu tăng nhưng do giá xuất khẩu bình quân giảm nên kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước: Cà phê đạt 2 tỷ USD, giảm 6% (lượng tăng 9,6%); cao su đạt 819 triệu USD, giảm 8,2% (lượng tăng 16,6%); hạt tiêu đạt 457 triệu USD, giảm 35,7% (lượng tăng 5,9%).

Riêng dầu thô tính chung 6 tháng tiếp tục giảm mạnh về cả lượng và kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước mặc dù giá xuất khẩu bình quân tăng 37,3%: Kim ngạch xuất khẩu dầu thô đạt trên 1 tỷ USD, giảm 32,2% (lượng giảm 50,7%).

Trao đổi với báo chí về tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng qua, ông Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, sở dĩ tình hình xuất khẩu của Việt Nam liên tục khởi sắc trong năm 2017 và nửa đầu năm 2018 là do từ năm 2017, nền kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc.

Theo ông Phương, yếu tố thuận lợi hơn cả là những trung tâm kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc và ASEAN đều là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam phát triển ổn định đã tạo thuận lợi lớn cho xuất khẩu của Việt Nam.

Còn theo dự báo của ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận hành cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN,  xuất khẩu sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng tốt.

Cụ thể, xuất khẩu tăng trưởng 2 con số và có thể cao gấp 2 lần GDP. Trong đó, xuất khẩu ước đạt từ 240-242 tỷ USD, tăng 13% so với 2017. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt từ 475-477 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2017. Thặng dư cán cân thương mại hàng hoá mức thấp. Cùng với đà tăng trưởng này, năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ cán mốc 525 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 265 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018, tăng 50 tỷ USD so với năm 2017. 

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế mở được định hướng bởi xuất khẩu, đồng thời có nhiều sản phẩm xuất khẩu nổi tiếng như nông lâm thủy sản, dệt may, da giày, sản phẩm nhựa...

Để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ phải đứng trước nhiều thách thức về thông tin thị trường, công tác dự báo cung cầu, những cách thức quản trị cũng như hoạch định chiến lược...

Do đó, ông Vinh khuyến cáo, các doanh nghiệp không nên quá phân vân về thị trường trong nước hay nước ngoài. Khi hai thị trường này luôn được ngăn cách bởi các hàng rào văn hóa, chính trị… sự cạnh tranh của các sản phẩm trong con mắt người tiêu dùng sẽ tạo ra giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, là cơ sở thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3/8/2017, mục tiêu chung là nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới và phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đến năm 2020 tăng gấp trên 3 lần năm 2010, cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020 và đạt thặng dư thương mại thời kỳ 2021-2030.

 

Theo enternews 

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang