Tại diễn đàn Shark Tank Forum 2025 cùng chủ đề “Tăng trưởng bền vững – đón sóng đầu tư trong kỷ nguyên xanh” do TVHub - Nhà sản xuất chương trình Shark Tank Việt Nam và VTV Digital thực hiện sáng 15/1 ở TP HCM, các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận về nhiều chủ đề.
Một trong những chủ đề được đông đảo nhà khởi nghiệp quan tâm đã được nêu ra trong phiên tọa đàm là "Khẩu vị mới của nhà đầu tư sau 'mùa đông gọi vốn'". Phiên tọa đàm có sự tham gia của Shark Bùi Quang Minh - Chủ tịch Beta Group, Shark Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn NextTech, Shark Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Go Global Holdings, bà Hoàng Thị Kim Dung - Giám đốc quốc gia Genesia Ventures Việt Nam và ông Phạm Lê Nhật Quang - Partner và Executive IC Member tại ABB Private Equity.
Tại tọa đàm, Shark Bùi Quang Minh cho biết, doanh nghiệp của ông tập trung vào ngành giải trí nên những mảng liên quan đến giải trí cũng được ưu tiên. Bên cạnh đó, ông Minh đánh giá cao ngành giáo dục và y tế vì hai ngành này có nhiều tiềm năng trong tương lai. Về tố chất của người sáng lập, ông Minh cho rằng người đó hội tụ càng nhiều yếu tố càng tốt và nếu họ thiếu mặt nào thì ông và các cộng sự sẽ bù vào cho người đó.
Trong khi đó, Shark Nguyễn Hòa Bình nhắm đến các startup D2C (direct to customers), nghĩa là các doanh nghiệp sản xuất hoặc gia công rồi bán hàng trực tiếp đến khách hàng, có thể bán online, vì đó là xu hướng của tương lai.
Về người sáng lập, ông Bình cho rằng, yếu tố đạo đức được đặt lên hàng đầu. Nếu người có đạo đức mà thất bại, họ sẽ nghĩ cách tốt nhất để làm cho các đối tác. Còn người không có đạo đức thì dù nếu có thành công, họ cũng có rất nhiều thủ đoạn nên rất rủi ro cho nhà đầu tư.
Chia sẻ tại tọa đàm, Shark Nguyễn Phi Vân, shark “franchise” (nhượng quyền) đánh giá cao tiềm năng của ngành F&B, ngành thời trang và mỹ nghệ. Về người sáng lập, bà cho rằng, các yếu tố như đạo đức, khát vọng và phát triển bản thân là rất cần cho các founders.
Bên cạnh đó, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh khẳng định “Chưa bao giờ tôi thấy các doanh nghiệp nhiều niềm tin, khát vọng như lúc này. Chúng ta đừng để mất quá nhiều thời gian ôn nghèo kể khổ, cũng đừng quá yêu thành công mà hãy biết trân trọng những thất bại, thất bại dạy cho ta nhiều bài học để thay đổi”.
TS. Võ Trí Thành chia sẻ thêm rằng dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng đây là kỷ nguyên theo ông là đáng sống nhất.
Ông nói mình đã làm việc suốt những năm khó khăn của đất nước, từ khi đổi mới, đến những năm phát triển và tăng tốc, mỗi thời kỳ có những vất vả, cơ hội khác nhau nhưng với ông, đây là kỷ nguyên đáng sống nhất và cũng là điểm mở đầu giai đoạn phát triển bền vững cho những năm tháng tiếp theo.
TS Võ Trí Thành: Chưa bao giờ tôi thấy trong khó khăn, người ta lại nói nhiều đến cơ hội như vậy. (Ảnh: N. Hà)
“Điều tôi thấy vui nhất là người ta nhìn thấy cơ hội trong khủng hoảng. Trước đây, nếu khó khăn thì chúng ta sẽ quen nghe chuyện gỡ khó, vượt khó; nhưng bây giờ, người ta nói với nhau, họ thấy cơ hội trong khủng hoảng, khó khăn”, ông Thành nói.
Chuyên gia kinh tế này nói rằng nền kinh tế năm 2025 vẫn khó khăn khi tình hình thế giới còn nhiều biến động, chuỗi cung ứng đứt gãy, thế giới phân mảnh, biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt nếu biết tận dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo và khả năng tư duy, ứng xử, kết nối với các tập đoàn kinh tế lớn trên toàn cầu khi phương thức kinh doanh thay đổi chú trọng đến kinh doanh minh bạch, sản xuất xanh.
“Quan trọng là doanh nghiệp Việt có đủ văn hóa để "ứng xử" với đại gia không, chúng ta "đi chân đất" nhưng đi đàng hoàng thì không ngại gì bắt tay với tập đoàn lớn. Đó là cơ hội chưa từng có. Thời kỳ mới này, thắng thua, thành bại là phụ thuộc vào sự nhạy bén và năng lực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trẻ”, TS Võ Trí Thành gửi gắm.
Về triển vọng kinh tế năm 2025, ông Thành nói quan trọng là xây dựng nền móng vững chắc cho tăng trưởng và phát triển những năm tiếp theo. Nền móng đó là hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt là các công trình trọng điểm tạo ra sự phát triển của đất nước như sân bay Long Thành, hệ thống đường cao tốc Bắc Nam, hệ thống đường sắt đô thị ở các đô thị lớn; đảm bảo nguồn năng lượng cho sản xuất, đầu tư phát triển cảng biển hiện đại… Cùng với đó là hoàn thiện thể chế, quy định, khuôn khổ cho số và xanh.