Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc, Viện trưởng CIEM, TS Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trọng tâm là chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực công nghệ cao đang có những tác động nhanh, sâu rộng trên mọi mặt của lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cùng với đó, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang phải đối mặt với những thách thức lớn về biến đổi khí hậu, trong đó có những điều kiện thời tiết cực đoan, suy giảm tài nguyên thiên nhiên truyền thống, và các vấn đề an ninh phi truyền thống.
“Những xu hướng, tác động trên đây còn phức tạp và khó lường hơn trong bối cảnh gia tăng xung đột địa chính trị và cạnh tranh chiến lược”, TS Hồng Minh nhìn nhận. Trong bối cảnh đó, chính sách công nghiệp không chỉ đóng vai trò định hướng phát triển các ngành kinh tế trọng điểm mà còn là công cụ đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trình bày báo cáo nghiên cứu tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng nâng cao hàm lượng công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đưa ra những phân tích về định hướng, yêu cầu chính sách công nghiệp nhằm tháo gỡ những vấn đề “cố hữu” của Việt Nam như năng suất lao động còn thấp, khả năng phát triển công nghệ hạn chế và sự phụ thuộc vào các ngành thâm dụng lao động…, nhóm nghiên cứu của CIEM khuyến nghị tập trung vào việc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong nước kết nối hiệu quả vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
“Các giải pháp như nâng cao năng lực sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện khả năng tiếp cận tài chính sẽ giúp doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vượt qua rào cản hiện tại và dần đóng góp vào năng lực tự chủ của nền kinh tế, kể cả trong các ngành, lĩnh vực mới gắn với chuyển đổi số và chuyển đổi xanh”, chuyên gia Nguyễn Anh Dương phát biểu.
Theo đó, báo cáo kiến nghị tăng cường liên kết thực chất giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, từ đó hình thành hệ sinh thái công nghiệp bền vững, thích ứng với xu hướng phát triển toàn cầu.
Góp ý về báo cáo, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh chia sẻ quan điểm của nhóm nghiên cứu về “liều lượng”, cách thức và thời điểm nhà nước can thiệp vào thị trường trong tình hình mới.
“Các công cụ can thiệp của nhà nước không phải không có, nhưng hẹp lại và cần được sử dụng khéo léo hơn. Đặc biệt, cần có sự hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp “đầu đàn” của dân tộc, nhưng lại phải phù hợp với cam kết quốc tế và phòng tránh lợi ích nhóm”, chuyên gia này bình luận.