
Thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị định số 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ, với mong muốn lắng nghe tiếng nói từ thực tiễn; đồng thời kết nối góc nhìn của cơ quan quản lý, chuyên gia và đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức Tọa đàm "Hộ kinh doanh trước vấn nạn hàng giả và tuân thủ thuế".
Tọa đàm sẽ diễn ra tại tầng 11 nhà D, Khách sạn thể thao, 15 Lê Văn Thiêm, Hà Nội.
Chương trình có sự tham gia của các khách mời:
- Chủ trì tọa đàm, TS. Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
- Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương).
- TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh.
- Ông Nguyễn Văn Phúc - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế quốc hội.
- Bà Lê Thị Duyên Hải – Phó Tổng thư ký Hội Tư vấn thuế Việt Nam.
- Ông Nguyễn Văn Phụng – Nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế.
- Ông Đinh Xuân Dương - Chủ tịch FlyG Entertainment.
Tại tọa đàm, chuyên gia và nhà quản lý sẽ trình bày các tham luận chuyên sâu, như: "Hộ kinh doanh cần một khung pháp lý rõ ràng và chính sách hỗ trợ phù hợp để phát triển bền vững", nhấn mạnh vai trò của thể chế và hành lang pháp lý trong thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình, nâng cao năng lực cạnh tranh.
"Quản lý thị trường đồng hành cùng hộ kinh doanh trong minh bạch hóa nguồn gốc hàng hóa", đề xuất giải pháp phối hợp giữa lực lượng chức năng và hộ kinh doanh trong phòng chống hàng giả.
"Giải pháp tháo gỡ cho các hộ kinh doanh khi thực hiện Nghị định 70/2025/NĐ-CP: Hướng tới công bằng, đơn giản và phù hợp với thực tiễn", phân tích các điểm nghẽn hiện nay trong quy định về hóa đơn, chứng từ và đề xuất điều chỉnh sát với thực tế hộ kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ.
Tọa đàm hướng với mục đích lắng nghe từ thực tiễn, từ đó kiến nghị chính sách linh hoạt, khả thi và mang tính hỗ trợ, thay vì chỉ tập trung vào biện pháp quản lý hành chính.
Ngoài các tham luận, tọa đàm cũng có phiên thảo luận mở với sự góp tiếng từ Hiệp hội doanh nghiệp, chính các hộ kinh doanh, cửa hàng bán lẻ, tiểu thương truyền thống… nhằm tạo đối thoại hai chiều, thực chất giữa chính sách và thực tiễn.