70% doanh nghiệp chưa biết tới chứng nhận xanh Việt Nam

70% doanh nghiệp chưa biết tới chứng nhận xanh Việt Nam

70% doanh nghiệp chưa biết tới chứng nhận xanh Việt Nam, 51,3% doanh nghiệp không quan tâm đến biến đổi khí hậu, 62% doanh nghiệp không sẵn lòng đầu tư cho sản phẩm xanh.


Đây là con số được Trung tâm Thông tin Vibiz đưa ra tại Hội nghị “Doanh nghiệp thực hiện an sinh xã hội và tăng trưởng xanh” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh vừa tổ chức  tại Hà Nội. 

.

Theo nhiều chuyên gia, khi tín hiệu từ người tiêu dùng thay đổi theo hướng xanh hóa đi cùng việc các tập đoàn lớn trên thế giới đã coi sản xuất xanh như công cụ mềm để cạnh tranh thì doanh nghiệp Việt Nam cũng không thể nằm ngoài cuộc sự chuyển đổi này.

Những con số này của Vibiz cũng cho thấy, doanh nghiệp đang đi ngược với xu thế tiêu dùng của người tiêu dùng.

Cụ thể, nghiên cứu của Vibiz năm 2017 trên 12.000 người tiêu dùng cho thấy, có tới 73,5% người dùng quan tâm tới các yếu tố về môi trường, 80% sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn để sử dụng các sản phẩm sạch, 84,5% ưu tiên sử dụng sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ và 91,2% chi tiêu nhiều hơn cho sản phẩm có chất lượng cao.

Nói rõ hơn về hành vi của người tiêu dùng, ông Trần Nhật Tân, Phó phòng nghiên cứu Trung tâm Vibiz cho biết, khoảng 78% người tiêu dùng sẽ đọc thông tin trên bao bì sản phẩm trước khi mua, 85% người Việt tra cứu thông tin sản phẩm trên internet và 63,2% tin rằng các sản phẩm từ siêu thị và cửa hàng sạch hơn ở các chợ truyền thống. Riêng với các sản phẩm hữu cơ, tỷ lệ nam giới tin vào chữ organic chiếm tới 52,1%, trong khi nữ giới chiếm tới 74,5%.

Ông Tân cho rằng, xu thế mua sắm tại siêu thị và cửa hàng cũng là lý do khiến tốc độ tăng trưởng cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini của Việt Nam thời gian qua đạt mức 200% với số cửa hàng hiện có vào khoảng 1.600 cửa hàng.

Mặc dù có tốc độ tăng trưởng lớn như vậy nhưng ông Tân cũng cho biết, thị trường bán lẻ sẽ còn tiếp tục phát triển khi thị phần kênh bán lẻ hiện đại của Việt Nam mới dừng ở con số 25% trong khi các nước khác như Philipine, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia và Singapore lần lượt là 33%, 34%, 51%, 60% và 90%.

“Như vậy, để cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp phải tính tới sản xuất những sản phẩm thân thiện môi trường. Xu thế này đã được các tập đoàn lớn trên thế giới thay đổi từ sản phẩm, vùng trồng nguyên liệu, bao bì, thương hiệu tới chuỗi cung ứng”, ông Tân nói.

Nhìn vào các khía cạnh khác nhau về tăng trưởng xanh, ông Phạm Hoàng Mai, Vụ Khoa học Giáo dục Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, tăng trưởng xanh cấu thành bởi 3 yếu tố gồm xanh hóa sản xuất, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và xanh hóa tiêu dùng.

Nhưng ông Mai cũng chỉ ra một thực tế là với mục tiêu giảm phát thải 10-12% mỗi năm, Việt Nam sẽ cần tới 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh vào năm 2020 và 2/3 số vốn này cần sự đóng góp từ khu vực tư nhân trong các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, xi măng, giấy, phát điện, thép, năng lượng, nông nghiệp…

Nhìn từ thực tế, ông Mai cho rằng, số tiền doanh nghiệp đầu tư cho những khía cạnh theo hướng tăng trưởng xanh chỉ chiếm 30-40% nhu cầu.

Để minh họa cho nhận định này, ông Mai lấy dẫn chứng, chi phí đầu tư thực hiện giai đoạn 2010-2015 ở các ngành thép, xi măng, giấy và bột giấy, mía đường lần lượt là 170 triệu USD, 227 triệu USD, 119 triệu USD, 127 triệu USD trong khi tổng nhu cầu đầu tư của các ngành này theo hướng xanh hóa lần lượt là 450 triệu USD, 650 triệu USD, 306 triệu USD và 324  triệu USD.

“Số chi phí các doanh nghiệp bỏ ra để sản xuất theo hướng xanh của các ngành trên chỉ đạt 643 triệu USD trên tổng nhu cầu là 1.730 triệu USD. Câu hỏi đặt ra là tại sao tiềm năng nhiều nhưng các doanh nghiệp không mặn mà với vấn đề này, mặc dù nhiều chính sách đã lồng ghép trong các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, nhiều dự án được thúc đẩy trong khu vực công tư, nhiều chính sách đã được hoàn thiện. Câu trả lời có thể do chính sách chưa đủ thúc đẩy doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư và cách tiếp cận từ trên xuống đang gây hạn chế sự tích cực của doanh nghiệp đi cùng những công cụ tài chính chưa linh hoạt”, ông Mai nói.

Ông Mai cũng lấy ví dụ, kết quả sau thời điểm Ngân hàng Nhà nước ra chỉ thị 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng thì dư nợ tín dụng xanh đã tăng từ 84,789 tỷ từ tháng 9/2016 lên 109,7 tỷ vào tháng 6/2017. Trong khi đó, dư nợ tín dụng cho các dự án có đánh giá rủi ro môi trường và xã hội tăng từ 129,160 tỷ tháng 9/2016 lên 449,5 tỷ vào tháng 6/2017.

“Thực tế này cho thấy, các công cụ tài chính đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp sẽ thúc đẩy tăng trưởng xanh phát triển. Đi cùng việc điều chỉnh chính sách mua sắm công, tạo nhu cầu đầu tư tăng trưởng xanh, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều cuộc đối thoại công tư về vấn đề này để lắng nghe xem doanh nghiệp cần gì để Nhà nước có hướng hỗ trợ từ lãi suất, xây dựng mô hình điểm để nhân rộng hay hỗ trợ đào tạo nhân lực…để doanh nghiệp có lực hơn trong chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh”, ông Mai nhấn mạnh.

Theo Đầu Tư

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang