Xuất khẩu nhiều nhưng giá trị thấp
“Vì sao Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng giá trị thấp?” là câu hỏi được rất nhiều chuyên gia đặt ra tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư, trong khuôn khổ Vietnam Expo 2017.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu đánh giá, 176 tỷ USD doanh số xuất khẩu, tăng 9%, một con số hết sức cố gắng, được coi là tăng trưởng nóng của xuất khẩu. Tuy nhiên, đó mới là tăng số lượng, sản lượng, chứ chưa sâu về chất lượng.
Theo ông Hải, xuất khẩu chủ yếu dựa vào nông sản và thủ công nghiệp, tiếp đến là khoáng sản và dầu thô. Với sản phẩm nông nghiệp, sản lượng dẫn đầu nhưng không đưa được giá trị lên ở mức cao hơn. Cà phê đứng thứ nhì nhưng không ai biết sản phẩm của họ uống có hạt cà phê của Việt Nam vì sản phẩm đến tay họ mang thương hiệu khác.
Các chuyên gia và DN bàn cách tăng giá trị xuất khẩu
Sản phẩm công nghiệp chủ yếu là gia công, tức là nhập khẩu các nguyên phụ liệu từ nước ngoài về và lắp ráp, khâu vá để đưa ra những sản phẩm. “Chúng ta cũng tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu như giầy dép, điện thoại, có yếu tố made in vietnam nhưng phần giá trị tạo ra ở Việt Nam còn rất thấp”, ông Hải cho biết.
Ông Hải cho rằng, trong chuỗi giá trị sản phẩm có “mắt xích then chốt”, nhưng hiện nay sản xuất công nghiệp của Việt Nam chưa “với được” mắt xích đó, mà chỉ là “mắt xích phụ thuộc”.
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software chỉ rõ, xuất khẩu hơn 30 tỷ USD điện thoại thì nhập khẩu cũng 25 tỷ USD, phần giá trị gia tăng Việt Nam làm được rất ít. Ngành chúng ta làm chính như lúa gạo thì hóa ra giá trị gia tăng của nông dân làm ra là 50% còn lại là nhập phân bón thuốc trừ sâu.
Chủ tịch Hội nông dân, ông Lại Xuân Môn, thừa nhận, xuất khẩu với khối lượng lớn nhưng giá trị của Việt Nam cực kỳ thấp. Ông lấy dẫn chứng, hạt tiêu hạt điều đứng thứ 1-2 thế giới về sản lượng nhưng giá trị lại đứng thứ 6.
Theo ông Môn, xuất khẩu nhiều, giá trị thấp nên đời sống của người nông dân cực kỳ khó khăn. “Cần tìm ra gốc của vấn đề xuất khẩu tăng về số lượng nhưng phải đảm bảo về chất lượng. Nhưng nếu tăng về số lượng và đảm bảo về chất lượng mà đời sống của người dân không tăng thì coi như cũng không có giá trị”, ông Môn nói.
Ông Nguyễn Văn Nam, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng, chúng ta quan tâm đến kim ngạch xuất khẩu nhưng cũng phải tính đến yếu tố bền vững. Bởi, như cách ví von của vị Viện trưởng thì đây “giống như người tham gia giao thông muốn đi nhanh nhưng phải đảm bảo an toàn”.
Đứng trên vai người khổng lồ
Bàn về biện pháp để nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu, ông Phạm Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT, TGĐ CTCP Cao su Hà Nội, gợi ý, cạnh tranh với các tên tuổi lớn trước hết là tham gia vào chuỗi sản xuất của chính họ ở khâu có giá trị gia tăng cao.
Tuy nhiên, cần tham gia ngay từ đầu, từ khi họ phát triển sản phẩm. Ông Việt cho rằng, khi ngay từ đầu thì có thể sẽ thất bại nếu như họ thất bại, cái giá mà DN phải chấp nhận.
|
Nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu |
Theo ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ, không phải doanh nghiệp nào cũng tham gia vào tất cả các khâu trong chuỗi giá trị. Mỗi doanh nghiệp chỉ cần làm 1 đến 2 khâu, nhưng phải nắm chắc mình có thể làm được gì và sẽ thay đổi được gì, tức là tăng giá trị gia tăng theo chức năng.
“Doanh nghiệp cứ làm những gì mình đang làm nhưng cần nâng cao năng suất. Chỉ cần thay đổi cách quản lý thì năng suất đã tăng 10-15%”, ông Thành nói.
Nhằm tăng giá trị xuất khẩu, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, chia sẻ, trung bình mỗi nhân viên làm ra khoảng 550 triệu đồng/năm. Cứ 100 USD xuất khẩu thì có 84-86 USD do người Việt làm ra. Như vậy thì giá trị gia tăng của ngành này rất ổn.
Theo ông Tiến, lúa gạo xuất khẩu nếu xuất khẩu 7-8 triệu tấn thì ổn nhưng xuất khẩu đến 10 triệu tấn thì sẽ thừa. Ngành phần mềm lại có điều rất đặc biệt, thị trường phần mềm có doanh số 994 tỷ USD. Năm ngoái, doanh nghiệp mới chỉ làm được 230 triệu USD trong tổng số 944 tỷ USD giá trị của thị trường, đây là thị trường không giới hạn vấn đề giới hạn là năng lực.
“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chuyển dịch số, cả thế giới đang chuyển dịch nhu cầu ngày càng cao ít nhất là trong 15 năm tới. Tôi cho rằng việc nghiên cứu vào phần mềm là hướng đi hoàn toàn có thể lựa chọn”, ông Tiến nhận định.
Theo VietNamNet