Nhà nước cần có những chính sách đột phá để huy động dòng vốn đầu tư tư nhân. Trong ảnh: công nhân Tập đoàn giày da TBS trong công đoạn sản xuất túi xách qua thị trường Mỹ trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh: T.T.D.
Trao đổi với ông LÊ HỮU NGHĨA - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM kiêm phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM. Ông nói:
- Cần có một "gói đầu tư tư nhân" huy động vốn từ trong dân để song hành với gói đầu tư công trị giá gần 650.000 tỉ đồng mà Chính phủ đang triển khai. Gói này Nhà nước không cần phải bỏ tiền, mà chỉ cần cởi trói chính sách, lược bớt các thủ tục trong một khoảng thời gian để người dân, DN mạnh dạn đổ tiền đầu tư, vực dậy thị trường.
Dịch bệnh khiến nhiều DN chết, song vẫn có nhiều DN khá lên từ dịch. Trong tổng số hơn 700.000 DN (sách trắng DN VN năm 2019), chỉ cần 2.000 DN trên cả nước đầu tư mỗi dự án 500 tỉ đồng, Nhà nước đã có 1 triệu tỉ đồng cùng với gói đầu tư công, đời sống nhân dân sẽ khởi sắc hơn.
Phải đột phá và chưa có tiền lệ
* Dịch bệnh quay lại, nhiều DN đang trên đà phục hồi bỗng điêu đứng và âu lo về tương lai, ông có cảm thấy như thế?
- Nhiều DN có thể gọi là "chết" luôn chứ không còn khó khăn như đợt 1 nữa, ví dụ như ngành du lịch, dịch vụ, khách hủy tour, nhà hàng tiệc cưới đóng cửa, vận tải và hàng không chỉ hoạt động cầm chừng...
Nhiều DN chỉ còn cầm cự thêm được vài tháng nữa, nếu dịch vẫn tiếp diễn thì họ sẽ phá sản, gần như nguyên một năm không kinh doanh được.
Nếu phá sản, DN sẽ "nhả" ra một lượng lớn lao động thất nghiệp, gây áp lực rất lớn đến an sinh xã hội. Đồng thời, hệ lụy kéo theo là tác động rất mạnh đến thị trường nội địa bởi sức mua giảm sút.
Tôi lo nhất là các DN sẽ ngã gục dây chuyền như "hiệu ứng domino" bởi các ngành đều có mối quan hệ với nhau, hàng sản xuất ra không ai mua thì sẽ chết. DN sống bằng nguồn xuất khẩu và bán hàng nội địa, nhưng cả hai thị trường này đều đang cực kỳ khó khăn.
* Vậy "chiếc phao cứu sinh" cho DN trong thời điểm này theo ông là gì?
- Đó là sự kịp thời trong chính sách. Thứ nhất, Nhà nước đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Nhưng nói thật gói này chủ yếu rơi vào hạ tầng. Thứ hai, cần tận dụng nguồn lực đang có trong dân để vực dậy toàn bộ các ngành, đó là xây dựng gói "đầu tư tư nhân".
Ở VN có nhiều DN lớn và ít bị ảnh hưởng bởi dịch, thậm chí còn phát triển tốt. Một dự án có tổng vốn 1.000 tỉ đồng hiện nay khá bình thường. Khi đã đầu tư thì kéo theo bao ngành khác phát triển, giảm thất nghiệp.
* Nhưng rất nhiều DN đang cẩn trọng xem tình hình, theo ông có thể khơi thông cách nào?
- Muốn đẩy mạnh đầu tư tư nhân không cách nào khác là phải có một cú hích trong chính sách, đột phá và chưa có tiền lệ. Phải "cởi trói" chính sách, rút ngắn các thủ tục, chấp nhận một khoảng thời gian ngắn chúng ta lược bớt các thủ tục đầu tư. Điều này phải được Quốc hội luật hóa.
Hiện nay, việc cấp phép một dự án kéo dài 1-2 năm rất bình thường. Trong thời dịch phải rút ngắn quy trình tối đa. Nhà nước phải mạnh dạn từ nay đến hết năm 2021 chúng ta lược bỏ nhiều thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư.
Ví dụ một dự án chỉ trong vòng 30 ngày là được cấp phép đầu tư. Hay như quy trình cấp phép một dự án phải thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp phép xây dựng. Nếu lược đi thủ tục không cần thiết như DN nào đã thẩm định thiết kế cơ sở rồi thì miễn 2 bước còn lại.
Còn việc thiết kế kỹ thuật, thi công là DN tự chịu trách nhiệm, tự thuê đơn vị thẩm tra để đẩy nhanh thi công. Suy thoái kinh tế sẽ có độ trễ đến năm 2021, nếu có "phao cứu sinh" là một lượng tiền lớn cho phát triển sẽ kéo những ngành khác không rơi xuống vực thẳm.
Nâng tinh thần dân tộc, sẻ chia với DN
* Nhà nước đang tiếp tục xây dựng gói hỗ trợ kinh tế. Ở góc độ DN, theo ông cần nhất của các gói hỗ trợ này là gì?
- Mấu chốt của gói hỗ trợ lần thứ 2 cần giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) để kích cầu tiêu dùng. Một sản phẩm 100 đồng, thuế VAT lên 110 đồng, giảm thuế sản phẩm sẽ xuống chỉ còn 105 đồng và kích thích người tiêu dùng mua nhiều hơn. Ngoài ra, cần có chính sách lãi suất cho vay đối với các DN nhỏ và vừa, cụ thể là tài trợ lãi suất.
Đối với những DN sử dụng nhiều nhân công như giày da, dệt may... khi vay tiền để trả lương, Nhà nước sẽ "gánh" giúp lãi suất để DN được vay lãi suất thấp hoặc 0%. Như thế, cả Nhà nước và DN đều được lợi khi DN sẽ không sa thải công nhân, không đẩy những gánh nặng an sinh xã hội về phía Nhà nước.
Bên cạnh đó, để hạn chế tối đa thất nghiệp, Nhà nước cần miễn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng đến 1 năm, người dân vẫn được hưởng bảo hiểm trong khi DN cũng không bị áp lực sa thải nhân công. Mọi chính sách cần sớm xây dựng và công bố để DN, người lao động thấy được ánh sáng cuối đường hầm.
Vẫn chờ các chính sách mạnh mẽ hơn thúc đẩy các DN phục hồi, tăng sản xuất, xuất khẩu và tạo công ăn việc làm. Trong ảnh: các DN vận chuyển hàng hóa tại một cảng phía Nam - Ảnh: NGỌC HIỂN
* Tình thế này, có cần một "gói hỗ trợ từ lòng dân" sẻ chia với DN Việt để kích cầu tiêu dùng nội địa?
- Thời điểm này rất cần sự chia sẻ, nâng tinh thần dân tộc VN lên. Để đất nước vượt qua gian khó thì "kiềng 3 chân" là người dân, DN và Nhà nước cùng đồng lòng chia sẻ. Ví như người có mặt bằng nên giảm, chia sẻ với DN để giá thành sản phẩm giảm xuống.
DN cũng phải có trách nhiệm để tăng chất lượng, giảm chi phí để cạnh tranh với hàng nước ngoài, không thể vận động dùng hàng Việt khi chất lượng thua kém.
Một trong những biện pháp cứu DN Việt hiện nay đó là kiểm soát thật chặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, nhập lậu... Các nước đều khó xuất khẩu, Trung Quốc cũng vậy nên nếu họ đẩy hàng tồn sang VN với giá rẻ thì DN nội địa càng chới với.
Nên tiếp tục vận động người dân ưu tiên dùng hàng Việt, tăng kích cầu tiêu dùng nội địa. Chỉ cần 50% người tiêu dùng hưởng ứng đã tác động to lớn. Hãy nhớ người Nhật sau sống thần vẫn vượt qua được, đó là nhờ tinh thần, nội lực của họ, tại sao chúng ta không làm được? Chỉ cần khơi đúng tinh thần dân tộc thì dân Việt sẽ đồng lòng.
Nhìn lại những gói hỗ trợ cũ
Kích thích dòng vốn tư nhân sẽ khiến các nhà đầu tư mạnh dạn đổ tiền ra, làm sống động nền kinh tế. Trong ảnh: các công nhân Tập đoàn Đồng Tâm sản xuất cọc bêtông tại nhà máy ở Long An phục vụ các dự án hạ tầng - Ảnh: NGỌC HIỂN
Dù Chính phủ đã đưa ra rất nhiều biện pháp hỗ trợ nhưng đến hết tháng 7-2020 vẫn có hơn 17,6 triệu người bị giảm thu nhập do COVID-19, DN đăng ký tạm dừng kinh doanh tăng 41,5%, thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Chính ông Nguyễn Chí Dũng - bộ trưởng Bộ KH-ĐT - cũng cho rằng cần đánh giá lại các gói hỗ trợ, thậm chí thiết kế chính sách kinh tế phù hợp hơn khi đến nay hiệu quả thực tế cho từng thành phần được thụ hưởng dường như vẫn chưa như kỳ vọng của Chính phủ.
Chẳng hạn gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng về thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, triển khai chỉ được hơn 11.000 tỉ đồng.
Cũng chưa đến 30% DN xin chậm nộp thuế và tiền thuê đất so với ước tính 700.000 DN của Bộ Tài chính. Số tiền chi thực tế chỉ 52.991/182.000 tỉ đồng. Tại TP.HCM, ghi nhận của Sở LĐ-TB&XH hồi đầu tháng 7-2020 chỉ duy nhất... một DN được vay 44,2 triệu đồng để trả lương ngừng việc người lao động.
Do đó, khi Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục đề xuất gói hỗ trợ đợt 2 khoảng 18.600 tỉ đồng thì phải đánh giá lại hiệu quả lẫn tác động của gói hỗ trợ đợt 1.
Với gói 300.000 tỉ đồng dành để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn, giảm lãi cho khoản vay mới, nhiều DN cho hay vẫn không dễ dàng tiếp cận được các khoản hỗ trợ như kỳ vọng.
Theo TTO
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI