Chính sách hỗ trợ nên hướng vào đâu?

Chính sách hỗ trợ nên hướng vào đâu?

Theo các chuyên gia, khó khăn lớn nhất đối với nền kinh tế lúc này là sức chịu đựng của doanh nghiệp. Bởi vậy rất cần thêm các chính sách hỗ trợ, song phải có trọng tâm, trọng điểm; đặc biệt phải hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, bật lên sau dịch.


Khó khăn vẫn ở phía trước

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, qua đó đến thu nhập và việc làm của người lao động.

“Đại dịch Covid-19 trên thế giới có đặc trưng cơ bản là sức tàn phá tới sức khỏe, tính mạng và nền kinh tế cực kỳ lớn và rất tàn bạo”, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) dự báo. Theo TS. Thành, bất định và khó lường đang ở phía trước, kinh tế còn tiếp tục chịu ảnh hưởng xấu. May ra tới năm 2022 kinh tế Việt Nam mới quay trở lại được mức như trước khi có dịch.

Do đã có kinh nghiệm chống dịch nên làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 này không khiến chuỗi sản xuất bị đứt gãy, nhưng khó khăn rất lớn hiện nay là khả năng duy trì sản xuất và sức chống chịu của nền kinh tế. Đây chính là vấn đề các chuyên gia lưu ý.

chinh sach ho tro nen huong vao dau
Các chính sách cần hướng vào giúp doanh nghiệp phục hồi

Theo PGS.TS.Tô Trung Thành - Đại học Kinh tế quốc dân (NEU), khả năng chống chịu của doanh nghiệp đang là thách thức lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam năm 2021, trong khi sức chịu đựng của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Tuy nhiên theo PGS.TS.Tô Trung Thành, trong các chính sách hỗ trợ thì các chính sách liên quan đến an sinh xã hội phải được xếp thứ tự ưu tiên hàng đầu. “Dịch Covid-19 còn có thể tái bùng phát bất kỳ lúc nào nên cần duy trì các gói an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng vì Covid-19. Trong đó nên được mở rộng đối tượng thụ hưởng và chú trọng tới nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức”, TS. Tô Trung Thành nhấn mạnh.

Trong dài hạn, Việt Nam nên xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật hàng năm các thông tin về người lao động để các gói hỗ trợ tương tự trong tương lai sẽ được triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng và ít tốn kém nguồn lực. Ngoài ra, Nhà nước nên cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong việc đào tạo kỹ năng cho người lao động trong thời gian giãn việc, nghỉ việc. Đồng thời, người lao động, dù tạm thời chưa có việc làm, nên được phép tiếp tục duy trì tham gia BHXH, từ đó được bảo đảm các quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Đừng để doanh nghiệp rời bỏ thị trường

PGS.TS. Đặng Ngọc Đức - nguyên Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (NEU) lưu ý thêm, lúc này rất nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực hàng không, du lịch, khách sạn... đang ngừng trệ hoạt động. Trong khi phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, dệt may, gia giày… chỉ 50% công suất do cầu giảm mạnh. Bởi vậy cần có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp này giữ được lao động, cơ cấu lại hoạt động và tiếp cận khách hàng mới, chuyển đổi số… “Giữ được sự sống cho các doanh nghiệp này chính là giải pháp để kinh tế phục hồi nhanh sau đại dịch. Nếu không giữ được doanh nghiệp thì khi dịch qua nền kinh tế rơi vào tình trạng suy giảm năng lực sản xuất”, PGS.Đặng Ngọc Đức phát biểu.

Quan sát sự vận động của nền kinh tế những ngày tháng vừa qua, TS.Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, trong tình hình mới, việc xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi. Theo ông, nếu lần này Chính phủ đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua ảnh hưởng của Covid-19 thì mục tiêu là hỗ trợ phục hồi, chứ không hỗ trợ để doanh nghiệp cầm cự như trước.

Theo đó cần chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư trong đó chú ý tới các ngành nghề kinh doanh đang được khuyến khích đầu tư, như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới. Mục tiêu thúc đẩy tối đa các hoạt động đầu tư này để tạo năng lực mới cho nền kinh tế, tạo ra động lực chuyển đổi cơ cấu theo mục tiêu mà nền kinh tế đang cần. Các nút thắt trong thủ tục đầu tư cũng phải được gỡ quyết liệt.

Nhưng theo ông Cung thúc đẩy đầu tư cũng cần có trọng điểm; nên tập trung chính sách để thúc đẩy, hỗ trợ các trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Bởi các trung tâm kinh tế, các cực tăng trưởng sẽ là nơi cần hỗ trợ để thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng vào thời điểm này, khi các doanh nghiệp được đặt trong bối cảnh phải cơ cấu lại, xem xét lại chiến lược kinh doanh. Đồng thời cần hỗ trợ, khuyến khích đầu tư nhằm vào những đối tượng, khu vực đang tạo nên những dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, chứ không phải là hỗ trợ chung chung.

“Quan điểm của tôi là cần hỗ trợ các kế hoạch kinh doanh, đầu tư hiện hữu, khả thi của doanh nghiệp, hỗ trợ phần cung, chứ không đơn thuần là hỗ trợ thanh khoản, hỗ trợ cầu như các gói chính sách năm ngoái”, ông Cung nói.

Và theo TS.Nguyễn Đình Cung ưu tiên hàng đầu và cũng là cách hỗ trợ thiết thực nhất và rất quan trọng đó là cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Việc này có thể làm được ngay, có tác động trực tiếp ngay, nếu thực sự hành động. PGS.TS.Đặng Ngọc Đức cũng cùng quan điểm này khi ông nhấn mạnh: cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính vẫn là giải pháp thường xuyên liên tục mà doanh nghiệp cần nhất. Với doanh nghiệp giảm thời gian và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính còn cần hơn giảm lãi suất bởi thủ tục vẫn đang là rào cản.

Cũng bàn về chủ để này, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh quá trình phục hồi kinh tế cần gắn với cải cách thể chế kinh tế một cách mạnh mẽ nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, để tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, thể chế chống chọi với các “cú sốc” là vấn đề rất lớn cần đặt ra bên cạnh câu chuyện ổn định vĩ mô, dư địa chính sách cho tăng trưởng... Có một vấn đề cần lưu ý là muốn phát triển, muốn xây dựng mô hình phục hồi thì phải tính đến tác động của Covid-19 tới xu hướng và xu thế của thế giới.

Và các chuyên gia rất đồng thuận ở một quan điểm sự hỗ trợ giá trị nhất, hiệu quả nhất, cơ bản nhất đó là tiêm vắc xin cho người dân và nên xã hội hóa, hợp tác công tư để có vắc xin tiêm cho toàn bộ người dân trong thời gian sớm nhất.

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang