Hình ảnh Hội thảo sáng ngày 01/07/2020. Ảnh: THU THẢO
Ngày 28/5 vừa qua, tại kì họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Hiệp định EVFTA và nếu không có gì thay đổi thì Hiệp định sẽ có hiệu lực thi hành từ tháng 8/2020. Cả hai Hiệp định CPTPP và EVFTA đều có mức bảo hộ cao đối với lĩnh vực SHTT trên cơ sở hiệp định TRIPS của WTO. Trước hết, Hiệp định này mang lại cơ hội xuất khẩu cho VN với những mặt hàng như : dệt may, da giầy, nông thổ sản, đồ gỗ,... khả năng kim ngạch xuất khẩu của VN vào EU sẽ tăng thêm 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của EU vào VN cũng sẽ tăng lên nhưng ở mức độ thấp hơn: 15,28% vào năm 2020, 33,05% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, GDP của VN sẽ tăng thêm ở mức bình quân 2,18% – 3,25% (2019 – 2023), 4,57% - 5,3% (2024 – 2028) và 7,07% - 7,72% ( 2029 – 2033). Bên cạnh đó về nhập khẩu, các doanh nghiệp VN cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa nguyên vật liệu từ EU với chất lượng cao và ổn định và mức giá hợp lý. Đồng thời VN cũng có cơ hội nhập khẩu các máy móc thiết bị công nghệ kĩ thuật cao nhằm nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng sản phẩm của mình. Như vậy là rất trùng hợp sau khi VN cơ bản giải quyết được Dịch Covid 19 đã có trong tay một lợi thế rất lớn để khai thác một thị trường với quy mô 18.000 tỷ USD bình quân hàng năm. Điều cần lưu ý là các cam kết trong Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh lớn hơn đối với các doanh nghiệp VN, như các ngành dược phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng bảo hiểm, logistic,... Rõ ràng khi tham gia CPTPP và EVFTA là chúng ta đã bước vào một sân chơi lớn, một sân chơi chất lượng cao, chúng ta chấp nhận đến với các khó khăn thách thức mới để cạnh tranh với các nước lớn. Rồi đây Chính phủ chắc chắn sẽ ban hành kế hoạch thực hiện những Hiệp định này nhằm triển khai đúng, đầy đủ các cam kết, giúp hiện thực hóa các lợi ích do các Hiệp định đem lại cho người dân và cho các doanh nghiệp: cụ thể có mấy nhiệm vụ chính phải tiến hành trong thời gian sắp tới, đó là:
- Công tác xây dựng pháp luật cho tương thích với các quy định trong Hiệp định đã kí
- Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực: nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho các ngành hàng. Đặc biệt chú trọng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ , nông dân. Đồng thời chuẩn bị những giải pháp ứng phó đối với một số ngành hàng chịu tác động lớn trực tiếp từ việc thực thi Hiệp định, hỗ trợ doanh nghiệp VN tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu.
- Về chủ trương chính sách, đối với các Tổ chức công đoàn và tổ chức khác của người lao động tại doanh nghiệp, sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để điều chỉnh các quan hệ lao động. Tổ chức lao động phù hợp với các Công ước Quốc tế mà VN tham gia.
- Về chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững: xây dựng và ban hành đồng bộ các chính sách xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Riêng về vấn đề sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành của VN để phù hợp với những cam kết trong EVFTA (chương XII của Hiệp định về Sở hữu trí tuệ). Đối với thị trường trong nước, xu hướng về tăng cường bảo vệ quyền SHTT với những quy định về việc chống xâm phạm quyền SHTT sẽ nghiêm minh hơn, có thể khiến doanh nghiệp VN nếu không nhận thức rõ nguy cơ sẽ phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, đặc biệt là khi bị rơi vào những vụ tranh chấp và kiện tụng. Trong vấn đề này, mặt tích cực của việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ sẽ góp phần vào việc thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển giao và phổ biến công nghệ vì lợi ích chung của các nhà sản xuất và những người sử dụng kiến thức công nghệ theo cách thức có lợi cho phúc lợi xã hội và kinh tế của mỗi nước, vì sự cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ. Hay có thể nói 1 cách khác: hệ thống sở hữu trí tuệ mạnh là cơ sở tiền đề để một quốc gia kiểm soát các hoạt động kinh doanh, bảo vệ thương hiệu, từ đó giúp thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia với những công nghệ tiên tiến, tạo môi trường và hành lang pháp lý vững chắc để các cá nhân tổ chức yên tâm phát triển những ý tưởng sáng tạo, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng có tính ứng dụng cao.
Nhìn toàn cảnh về Hiệp định CPTPP và EVFTA cho ta thấy, nền kinh tế VN sẽ có những cơ hội đồng thời có những thử thách phải vượt qua:
- Về cơ hội: cơ hội lớn nhất là cho xuất khẩu, cơ hội nâng cao thể chế kinh tế, cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp VN phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu, cơ hội để làm ăn một cách minh bạch, kỉ luật sản xuất kinh doanh chặt chẽ, cơ hội cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu của mình ở quốc tế và trong nước một cách vững chắc. Cuối cùng là cơ hội cho người tiêu dùng Việt tiếp cận với những hàng hóa, các thiết bị dùng cho sản xuất và tiêu dùng và các gia đình với chất lượng cao, giá cả hợp lý, tránh được việc mua phải những hàng giả, hàng nhái vi phạm quyền SHTT.
- Về thách thức phải vượt qua:
+ Về SHTT, thách thức lớn nhất như một chuyên gia đã nói “ Hiệp định EVFTA là một cửa lớn rất sáng sủa nhưng không phải dễ vào” Chương XII trong Hiệp định đã nêu rất đầy đủ và nội dung phong phú có tính ràng buộc pháp lý đối với các bên kí Hiệp định.
+ Một thách thức nữa là chúng ta phải vượt qua chính mình bởi những quy định về SHTT với các điều khoản nghiêm minh hơn, doanh nghiệp có lúc phải chịu những thủ tục kiểm soát đặc biệt, có thể rơi vào những vụ tranh chấp kiện tụng trong quá trình giao dịch thương mại.
+ Tiếp nữa, làm thế nào để chúng ta bảo vệ được những thành quả đầu tư cho các hoạt động sáng tạo đổi mới công nghệ, mẫu mã, bao bì để nhận diện sản phẩm một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.
Đứng trước những cơ hội và thách thức thì chúng ta phải làm gì? Ở góc độ thị trường nội địa:
- Về nguồn cung: hàng hóa tiêu dùng ở trong nước bao gồm nguồn hàng từ sản xuất và hàng hóa nhập khẩu ở các nước vào thị trường VN. Vấn đề phức tạp nhất hiện nay ở thị trường nội địa đó là: chúng ta có thể đi đâu cũng gặp phải hàng giả, hàng nhái, hàng chất lượng không đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng xã hội, những loại hàng này không chỉ xuất hiện ở chợ, cửa hàng lẻ mà còn ở một số siêu thị trung tâm thương mại. Hàng giả hàng nhái đều xuất hiện ở kênh bán hàng trực tiếp và kênh bán hàng online, đặc biệt lưu ý nhất là đối với các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu cho đời sống hàng ngày của nhân dân. Sau đó đến thuốc chữa
bệnh, các loại thực phẩm chức năng và các hàng bách hóa tiêu dùng khác. Một số năm gần đây, mặc dù các lực lượng hành pháp đã có nhiều cố gắng để kiểm tra, truy xét và xử lý vấn nạn này, tuy nhiên mới làm được “phần nổi của tảng băng chìm” của những vi phạm về SHTT trong lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng ở VN. Một số ví dụ cụ thể: có những địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nội,... đã có những cơ sở sản xuất kinh doanh hàng giả hàng nhái tồn tại nhiều năm nhưng chưa giải quyết được một cách triệt để, rõ ràng vai trò quản lý nhà nước của các cấp chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng có những vấn đề cần phải xem xét lại. Đồng chí thường trực Ban bí thư TW Đảng nói “Tại sao tình hình sản xuất và kinh doanh hàng giả gây nhức nhối ở một số địa phương nhiều năm mà không bị phát hiện và xử lý triệt để?”. Mặt khác, các lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ trên thị trường hiện nay chủ yếu là phát hiện ở khâu thương mại bán lẻ, còn những ổ hay tụ điểm lớn về sản xuất kinh doanh có được kiểm tra nhưng vẫn rất ít so với thực tế tình hình vi phạm SHTT hiện nay ở thị trường VN.
Về hàng hóa nhập khẩu, chúng ta đã hội nhập thì hàng hóa các nước nhập khẩu vào VN ngày càng nhiều là một tất yếu. Ở đây, chúng ta chỉ bàn đến là việc ngăn chặn những hàng hóa vi phạm SHTT ngay ở biên giới hải đảo vẫn còn chưa được chặt chẽ để lọt sâu vào thị trường nội địa rồi mới kiểm soát, thực tế đã gây những hậu quả cho người tiêu dùng.
- Nói vấn đề bảo vệ quyền SHTT của sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp, đó là không ít các doanh nghiệp sản xuất còn chưa thật chú trọng tới việc bảo vệ những hàng hóa của mình bị xâm phạm, có lúc chưa cộng tác với các cơ quan hành pháp để điều tra, truy xét và xử lý một cách kịp thời. Chỉ đến khi nào hàng giả của mình đã lan tỏa một cách rộng lớn trên thị trường thì mới đề nghị các cơ quan chức năng giúp đỡ. Công nghệ sản xuất của một số doanh nghiệp còn chưa chú trọng tới bao bì nhãn mác, mã số mã vạch để nhận biết sản phẩm của mình đồng thời có tác dụng chống sản xuất hàng giả.
- Về vấn đề đối với Cầu:
+ Đầu tiên cần phải nói đến là còn một bộ phận người tiêu dùng VN phần vừa do ít kinh phí, cũng có một phần sính ngoại nên đã chấp nhận việc mua và sử dụng hàng giả hàng nhái trên thị trường, gây thêm những khó khăn trong công tác chống những vi phạm này.
+ Tiếp theo là hàng sản xuất trong nước của VN còn chậm thay đổi về kiểu dáng, mẫu mã, màu sắc, công tác điều tra nhu cầu thị trường còn làm chưa đầy đủ dẫn tới chưa kích thích mạnh mẽ sức cầu của người VN đối với hàng nội địa.
+ Các cuộc triển lãm hàng giả hàng thật, những công cụ báo chí tuyên truyền các cấp vẫn chưa thông tin đầy đủ kịp thời cho người tiêu dùng xã hội nhận biết để mua sắm, thậm chí cá biệt còn tuyên truyền chưa đúng sự thật gây sự hiểu lầm không đáng có đối với người tiêu dùng khi đi mua sắm.
+ Đối với kỉ cương xã hội: số vụ của các lực lượng hành pháp kiểm tra xử lý trên thị trường cũng rất lớn trong những năm qua, tuy nhiên những khung hình phạt xử lý những tội phạm về sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái vẫn chưa đủ sức răn đe, dẫn tới có thể những đối tượng này sau khi bị xử lý vẫn tiếp tục tái phạm. Chỉ khi nào các mức độ xử lý để những đối tượng xấu không dám làm nữa thì lúc đó pháp luật mới có sức răn đe và thuyết phục thực sự.
Kết luận: Nhận thức đúng vai trò quan trọng của SHTT, nhất là khi Việt Nam đã tham gia vào các Hiệp định FTA với các nước , các điều kiện ràng buộc về SHTT nâng cao hơn và chặt chẽ hơn, minh bạch hơn. Chính vì vậy, các bộ ngành các doanh nghiệp cần có những kiến nghị đề xuất nhằm thực thi quyền SHTT ngày càng đầy đủ hơn ở nước ta. Đồng thời qua công tác kiểm tra xử lý góp phần tích cực bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính, xử lý nghiêm những vụ việc vi phạm. Cơ hội của Việt Nam khi tham gia các Hiệp định FTA là rất lớn song đi đôi với đó là những thách thức không nhỏ, đòi hỏi chúng ta phải vượt qua chủ yếu bằng nội lực của chính mình nhằm góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Theo VŨ VINH PHÚ
Chuyên gia kinh tế - Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị HN