Tọa đàm nằm trong chuỗi các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu của Bộ Ngoại giao nhằm đánh giá toàn diện tác động của đại dịch Covid-19 đối với thế giới, khu vực và Việt Nam.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ chủ trì tọa đàm, với sự tham gia của các diễn giả là các chuyên gia cao cấp về kinh tế, tài chính, đối ngoại và hội nhập quốc tế gồm: Tiến sĩ Võ Trí Thành - Chủ tịch VNCPEC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga - Phó Chủ tịch VNCPEC, Cố vấn cao cấp, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao và Tiến sỹ Cấn Văn Lực - Ủy viên VNCPEC, chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV), Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới và khu vực. Nhắc lại cảnh báo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II, Thứ trưởng đề nghị tọa đàm cần tập trung đánh giá sâu về các hệ lụy của đại dịch, triển vọng phục hồi của thế giới và khu vực, vai trò của châu Á-Thái Bình Dương trong tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, xu thế chuyển đổi số, những chuyển dịch và động lực mới cho phát triển và hội nhập khu vực, từ đó đề xuất chính sách và biện pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam, nhất là tại châu Á-Thái Bình Dương.
Các diễn giả nhất trí cho rằng đại dịch Covid-19 là khủng hoảng chưa từng có tiền lệ, tác động toàn diện tới mọi quốc gia và khu vực, trong đó châu Á-Thái Bình Dương là tâm điểm, đứng trước những tác động nặng nề cả trước mắt và dài hạn. Cùng với những nhân tố đã và đang ảnh hưởng đến tình hình thế giới và khu vực những năm gần đây, đại dịch Covid-19 tạo ra những thách thức lớn hơn đối với hợp tác đa phương, liên kết quốc tế, nhất là liên kết kinh tế, quá trình toàn cầu hóa, song về dài hạn, xu thế hợp tác và liên kết vẫn tiếp tục được thúc đẩy.
Các diễn giả và nhiều đơn vị của Bộ Ngoại giao cũng chia sẻ nhận định Covid-19 đẩy nhanh những tư duy mới về phát triển, về lối sống và tiêu dùng, về cách tiếp cận mới đối với các thách thức an ninh phi truyền thống, quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Mặc dù chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, song châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng, liên kết kinh tế toàn cầu và kinh tế số. Bên cạnh đó, triển vọng hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập trong thảo luận.
Các diễn giả cũng phân tích sâu những chính sách và giải pháp Việt Nam đã, đang và dự kiến thực hiện nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế, tác động của các chính sách này đối với ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng, các kịch bản phục hồi, từ đó đề xuất chính sách đối với Việt Nam trong nỗ lực phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và triển khai đối ngoại trong tình hình mới.
Những đánh giá toàn diện và sâu sắc tại tọa đàm về hệ lụy của Covid-19 đối với châu Á-Thái Bình Dương có ý nghĩa thiết thực đối với Bộ Ngoại giao và VNCPEC nhằm thúc đẩy hơn nữa sự chủ động tham gia và tích cực đóng góp của Việt Nam trong xây dựng chính sách hợp tác, liên kết khu vực, nhất là xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020, Tầm nhìn ASEAN sau 2025…, đồng thời góp phần vào quá trình nghiên cứu, xây dựng chủ trương, chính sách và biện pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nâng tầm đối ngoại đa phương trong giai đoạn phát triển mới.