.png)
Các doanh nghiệp Việt Nam tập trung ở công đoạn lắp ráp, vốn tạo ra giá trị gia tăng thấp. Ảnh minh họa
Cơ hội khi chuỗi cung ứng dịch chuyển
Những tháng gần đây số lượng doanh nghiệp đăng ký mới gia tăng trở lại, thể hiện niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào triển vọng kinh tế, cũng như các biện pháp điều hành và cải cách kinh tế của Chính phủ.
Dù vậy, theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), sự phát triển của khu vực doanh nghiệp còn đứng trước không ít thách thức. Các doanh nghiệp đa số có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; số doanh nghiệp có quy mô lớn, có năng lực tham gia, dẫn dắt các công đoạn quan trọng trong chuỗi cung ứng còn tương đối hạn chế.
Hoạt động của doanh nghiệp đã “khó lại thêm khó” khi nhiều thị trường đang gia tăng các quy định về phát triển bền vững và dữ liệu, chẳng hạn như Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) hay quy định về bảo mật dữ liệu cá nhân, qua đó tác động đến hoạt động nhập khẩu, trong đó có hàng hóa từ Việt Nam.
Bước sang năm 2025, kinh tế thế giới dự báo vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Bức tranh của kinh tế thế giới vẫn sẽ bị phủ bóng bởi nhiều biến số không thuận lợi. Đầu năm 2025, ông Donald Trump sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ và có thể bắt đầu gia tăng các biện pháp thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc. Dòng vốn đầu tư sẽ tiếp tục dịch chuyển để “né” hoặc “hạn chế tác động” của các biện pháp thuế quan từ Mỹ.
Theo PGS.TS Phạm Thị Thu Trà, Chủ nhiệm nhóm bộ môn Kinh tế và Tài chính, Đại học RMIT Việt Nam, thuế cao đánh vào hàng hóa Trung Quốc có thể khiến các doanh nghiệp Mỹ chuyển sản xuất về nước hoặc dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng sang các nước khác, tạo cơ hội cho Việt Nam.
Khi các tập đoàn quốc tế chuyển chuỗi cung ứng và nhà máy sản xuất sang Việt Nam, doanh nghiệp Việt có cơ hội lớn để mở rộng hợp tác, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và nâng cao vị thế. Những cơ hội lớn bao gồm việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho các tập đoàn lớn, đặc biệt là nếu có thể tham gia vào chuỗi giá trị xanh và bền vững. Vấn đề đặt ra lúc này là liệu doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng nắm bắt cơ hội này chưa?
Thực tế, PGS.TS Phạm Thị Thu Trà chỉ ra, các doanh nghiệp Việt Nam tập trung ở công đoạn lắp ráp, vốn tạo ra giá trị gia tăng thấp. Vị trí thấp trong chuỗi giá trị khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khăn trong cạnh tranh, lợi nhuận thấp và khó mở rộng thị trường quốc tế. Hơn nữa, phần lớn nguyên liệu đầu vào đều nhập khẩu, khiến tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa trên tổng sản lượng xuất khẩu thấp. Tỷ lệ giá trị gia tăng trong tổng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm từ 69% năm 2000 xuống còn 52% năm 2020 — một xu hướng không xuất hiện ở các nước ở trình độ phát triển tương đương.
Tỷ trọng ngành giá trị thấp có nguy cơ gia tăng
Do đó, điều cốt lõi là Việt Nam cần nâng tầm vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, không chỉ dừng lại ở công đoạn gia công lắp ráp. Đây cũng là khuyến nghị chính sách lâu nay — doanh nghiệp Việt cần tham gia sản xuất các sản phẩm cường độ vốn cao hơn hoặc tích hợp theo chiều dọc, để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo giá trị gia tăng cho quốc gia.
“Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không kịp thời chuyển mình, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam – vốn có thể được thúc đẩy bởi đường lối đối ngoại của ông Trump – có nguy cơ dẫn đến một vấn đề nghiêm trọng là tỷ trọng của các ngành công nghiệp giá trị thấp sẽ tiếp tục gia tăng”, PGS.TS Phạm Thị Thu Trà nhận định.
Hiện tại, các ngành công nghiệp công nghệ thấp chiếm khoảng 65-70% trong lĩnh vực chế biến chế tạo tại Việt Nam, so với mức chỉ 18% trên toàn cầu. Điều này khiến giá trị gia tăng từ xuất khẩu vẫn ở mức thấp, và các doanh nghiệp Việt Nam vẫn bị giới hạn ở vị trí thấp nhất trong chuỗi giá trị. Kết quả là, Việt Nam có nguy cơ trở thành một "xưởng lắp ráp" mới của thế giới, thay vì nâng cao vị thế và giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong bối cảnh này, Tiến sĩ Scott McDonald, Giảng viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại Đại học RMIT Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp chiến lược có thể làm thay đổi đáng kể vị thế xuất khẩu của Việt Nam trong thập kỷ tới.
Theo vị chuyên gia này, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam sẽ thu được lợi ích lớn khi đầu tư vào công nghệ tiên tiến và phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao, giúp từng bước vươn lên các bậc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tối ưu hóa chuỗi cung ứng cũng là một chiến lược then chốt. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang xây dựng các mạng lưới logistics tiên tiến với hệ thống theo dõi thời gian thực, quản lý hàng tồn kho thông minh và phân tích dự báo. Những cải tiến này giúp giảm thiểu lãng phí, hạ thấp chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tăng cường năng lực tuân thủ thương mại. Đầu tư vào chuyên môn và hệ thống nhằm đảm bảo quá trình thông quan trôi chảy không chỉ giúp duy trì vị thế là đối tác tin cậy, mà còn xây dựng lòng tin với đối tác và giảm thiểu các rào cản trong giao dịch.
“Thông qua áp dụng công nghệ, xây dựng quan hệ và cải tiến không ngừng, các doanh nghiệp Việt Nam cần hành động ngay từ bây giờ để đảm bảo vị thế của mình trong tương lai thương mại toàn cầu”, Tiến sĩ Scott McDonald khuyến nghị.