Doanh nghiệp cần vừa xanh, vừa chuyển đổi số

Doanh nghiệp cần vừa xanh, vừa chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới, tạo sự đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo xu hướng mới, mô hình kinh tế và kinh doanh mới và tạo ra cạnh tranh mới, thách thức mới với mọi quốc gia.

Nguồn:Nhà Đầu tư

TS. Võ Trí Thành. Ảnh: Phạm Thắng.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định thế giới đang đổi thay mạnh mẽ cùng nhiều xu hướng lớn, một thế giới của tư duy mới về phát triển như: Từ "tăng trưởng kinh tế" sang "phát triển bền vững, bao trùm"; từ "kinh tế nâu" sang "kinh tế xanh"; từ "kinh tế tuyến tính" sang "kinh tế tuần hoàn"; từ "kinh tế thực" sang "kinh tế số"; từ "thị trường" sang "thị trường cùng một nhà nước/xã hội thúc đẩy sáng tạo"; từ "tự do hóa thương mại" sang "tự do hóa cùng tạo dựng các chuỗi cung ứng hiệu quả, có khả năng chống chịu".

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần đồng hành cùng Chính phủ để nắm bắt chính sách, cải cách, thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường, cần coi ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) như một trọng yếu trong xây dựng thương hiệu, chiến lược phát triển doanh nghiệp và ứng dụng mô hình kinh tế xanh; kinh tế tuần hoàn.

Song hành chuyển đổi xanh và chuyển đổi số

Đối với những thách thức của Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng thách thức từ bên ngoài luôn hiện hữu. Sức chống chịu tổng thể của nền kinh tế (FM Resilience Index) ở mức trung bình thấp (xếp thứ 109/130 thế giới và 7/9 ASEAN); mô hình tăng trưởng chưa có nhiều đổi mới.

Bên cạnh đó nhu cầu vốn đầu tư lớn trong khi nguồn lực hạn chế (theo World Bank, Việt Nam cần tới 368 tỷ USD trong 2022-2040 (6,8% GDP/năm) để phát triển kinh tế xanh, hướng giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050…); Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu; thể chế và nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế số, nhất là AI, chuyển đổi xanh…còn nhiều hạn chế.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV. Ảnh: Phạm Thắng.

Ông Lực nhận định cần song hành chuyển đổi số và chuyển đổi xanh vì hai nhân tố này tương trợ, bổ trợ cho nhau rất chặt chẽ. Chuyển đổi xanh tốt thì phải đưa công nghệ vào và gắn kết với nhau, còn chuyển đổi số tốt cũng phải xanh hoá, tiết kiệm năng lượng.

“Do đó, tôi kiến nghị Nhà nước hoàn thiện khung chính sách, cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh doanh mới; quan tâm phát triển thị trường tài chính, nhất là thị trường TPDN, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thị trường vốn đầu tư mạo hiểm; thị trường phái sinh và thị trường tín chỉ carbon”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Theo ông Lực, cần có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn (cả Nhà nước và tư nhân) cho đầu tư phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng (thành lập Quỹ tăng trưởng xanh…); có chính sách, giải pháp đột phá phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ trong bối cảnh mới; ưu tiên thích đáng phát triển AI, an ninh mạng và lựa chọn mô hình phát triển công nghiệp bán dẫn phù hợp…

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Phạm Thắng.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Thanh Hải cho biết, quá trình chuyển đổi xanh song song với chuyển đổi số này được Ủy ban Châu Âu gọi là “chuyển đổi kép”.

Việt Nam không thể phát triển nằm ngoài xu hướng “chuyển đổi kép” toàn cầu, đặc biệt là chuyển đổi xanh này. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) ngày 19/3/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam xác định tăng trưởng xanh cùng với chuyển đổi số là hai yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững.

Bên cạnh vai trò định hình khung chính sách và pháp lý của Nhà nước, doanh nghiệp chính là chủ thể quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi xanh này.

“Có thể nói thách thức và rủi ro lớn nhất cho chuyển đổi năng lượng nói riêng và chuyển đổi xanh nói chung của các doanh nghiệp hiện nay chính là thiếu chuẩn mực phân loại xanh rõ ràng, khung pháp lý và chính sách còn thiếu và hay thay đổi”, ông Hải nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Thanh Hải cho rằng trong điều kiện Việt Nam là nền kinh tế tuy còn nhỏ, nhưng rất mở và liên kết rất chặt với nền kinh tế thế giới, để định hướng chuyển đổi xanh, Việt Nam cần xây dựng chuẩn mực và khung pháp lý, chính sách cho quá trình chuyển đổi xanh.

Trong đó, phải từng bước xây dựng một hệ thống tiêu chí để phân loại xanh tương thích với các chuẩn mực quốc tế và phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam, làm cơ sở để xây dựng các chuẩn mực, cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư các ngành xanh được ưu tiên và phát triển tài chính xanh cho chuyển đổi xanh.

Nhà Đầu tư
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang