Tại Trung Quốc, tháng 2 hàng năm thông thường với dịp nghỉ Tết Nguyên đán sẽ là khoảng thời gian “cực thịnh” của các hãng hàng không nhưng năm nay, tình hình đảo ngược hoàn toàn.
Tại Trung Quốc trong tháng 2/2020, cứ mỗi ngày, 10.000 chuyến bay bị hủy. Con số này tương đương đến 2/3 tổng số các chuyến bay bình thường. Áp lực suy giảm lợi nhuận lên các hãng hàng không vô cùng lớn.
Kết quả, các hãng hàng không Trung Quốc công bố lỗ 20,96 tỷ nhân dân tệ tương đương 3 tỷ USD trong tháng 2/2020. Số lượng hành khách sụt giảm 84,5% xuống 8,34 triệu hành khách. Khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không giảm 21% chỉ riêng trong tháng 2/2020.
Câu chuyện kinh doanh khó khăn không chỉ diễn ra trong ngành hàng không Trung Quốc mà còn diễn ra tại rất nhiều nền kinh tế lớn khác trên thế giới như Mỹ hay các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Sang đến tháng tháng 3/2020 khi mà các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội được áp dụng trên quy mô rộng hơn, tháng 3 đã trở thành một tháng đen tối nhất trong nhiều năm của ngành hàng không thế giới.
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của ngành hàng không trong tổng thể kinh tế thế giới. Ngành hàng không đóng góp khoảng 2,7 nghìn tỷ USD vào GDP toàn cầu, tức tương đương khoảng 3,6% GDP thế giới. Và nếu ngành hàng không đứng riêng trong vai trò một đất nước, quy mô của ngành sẽ đứng thứ 20 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (International Air Transport Association – IATA) công bố nhu cầu đi lại bằng máy bay trên toàn thế giới giảm đến 52,9% so với cùng kỳ năm trước. Mức sụt giảm về nhu cầu đi lại bằng đường hàng không như vậy cao chưa từng có trong lịch sử. Theo các chuyên gia ngành, nó là kết quả trực tiếp từ các biện pháp giãn cách xã hội mà chính phủ nhiều nước đang áp dụng để ngăn đại dịch Covid-19 lây lan mạnh.
Tổng giám đốc IATA, ông Alexandre de Juniac, nhận xét rằng, tháng 3/2020 có thể coi như một tháng bi quan kỷ lục đối với ngành hàng không. Các hãng hàng không chịu tác động nặng nề từ các biện pháp đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại mà chính phủ nhiều nước đưa ra, kể cả tại ngay chính thị trường nội địa của họ. Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trở lại ngưỡng của năm 2006, tuy nhiên quy mô đội tàu bay và nhân viên ngành hàng không giờ đã tăng gấp đôi. Tình hình này thậm chí còn tồi tệ hơn trong tháng 4/2020 và chưa có nhiều dấu hiệu của sự phục hồi nhanh.
IATA nhấn mạnh rằng khó khăn mà ngành hàng không toàn cầu đang đối mặt lớn chưa từng có, doanh thu cả năm của ngành hàng không thế giới có thể giảm đến 55% so với năm 2019 còn số lượng khách đi lại giảm 48%.
Trong bối cảnh khó khăn như vừa qua, không khó để hiểu các hãng hàng không đối diện với tình cảnh nguy nan đến thế nào. Việc hãng hàng không quốc gia Thai Airways phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào giữa tháng 5/2020 xảy ra như một cái kết được nhiều người dự đoán trước. Trước khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản lần này, công việc kinh doanh của hãng hàng không quốc gia cũng đã chật vật trong nhiều năm.
Từ năm 2013 đến nay, hãng hàng không quốc gia Thái Lan đã liên tục thua lỗ. Đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Thai Airways là 257 tỷ baht trong khi đó tổng nợ của hãng là 245 tỷ baht.
Hãng hàng không quốc gia Thái Lan tuy nhiên chẳng phải nạn nhân đầu tiên trong chuỗi domino sụp đổ bởi đại dịch Covid-19. Trước đó hãng hàng không Avianca nổi tiếng của Colombia cũng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Trong tháng 4/2020, hãng hàng không Virgin Australia cũng đã sụp đổ. Tháng 3/2020, hãng hàng không Flybe của Anh cũng buộc phải tuyên bố không thể tiếp tục duy trì hoạt động bởi công việc kinh doanh quá khó khăn.
Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như hiện tại, các hãng hàng không đã buộc phải đưa ra nhiều biện pháp tái cơ cấu nhằm cứu vãn hoạt động kinh doanh.
Một loạt các hãng hàng không lớn của thế giới như British Airways của Anh, Vueling và Iberia của Tây Ban Nha phải công bố cắt giảm mạnh chi phí nhằm duy trì hoạt động. Lãnh đạo British Airways cũng đang đau đầu giữa việc làm sao duy trì được hoạt động và vẫn giữ được nhân viên.
Nếu như vào đầu tháng 5/2020, British Airways thông báo cắt giảm 12.000 nhân viên thì đến hiện tại, British Airways lại ra thông báo rằng sẽ vẫn cho phép 12.000 nhân viên này tiếp tục đi làm với điều kiện chấp nhận không nhận lương 6 tuần mỗi năm. Trước khủng hoảng Covid-19, British Airways từng tuyển dụng 45.000 nhân viên.
Với kế hoạch cắt giảm mạnh tay chi phí, CEO của British Airways, ông Willie Walsh, khẳng định rằng hãng vẫn cảm thấy mọi chuyện với hãng còn tốt hơn và hãng đã có kế hoạch độc lập hơn so với việc nhiều hãng hàng không lớn khác của Đức hay Pháp đang phải xin trợ cấp từ chính phủ.
Cuối tháng 4/2020, chính phủ Pháp và Đức công bố các khoản giải cứu quy mô ít nhất 9,7 tỷ USD để cứu 2 hãng hàng không bao gồm Air France và KLM. Hai hãng này đã phải dừng bay phần lớn máy bay do đại dịch Covid-19.
Quyết định trên được đưa ra là kết quả của quá trình đàm phán kéo dài nhiều tuần giữa đại diện các hãng và chính phủ của họ, nhiều hãng hàng không trên thế giới đang buộc phải chấp nhận phá sản hoặc tìm kiếm cơ hội được chính phủ giải cứu.
Nhiều tuần hạn chế đi lại vừa qua đã gây tổn hại nghiêm trọng đến ngành hàng không. Air France và KLM đến thời điểm hiện tại cho biết lượng hành khách vận chuyển của hai hãng có thể giảm 90% trong những tháng tới. Tuy nhiên, các hãng hàng không có nhận hỗ trợ từ chính phủ đều phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu mà chính phủ đưa ra, bao gồm điều kiện kinh doanh có lãi và đảm bảo sẽ điều chỉnh chính sách bay thân thiện hơn với môi trường.
Ngành hàng không Mỹ dưới sức ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đã đề nghị chính phủ hỗ trợ 50 tỷ USD để vượt qua khó khăn hiện tại. 50 tỷ USD này có thể bao gồm các khoản hỗ trợ tài chính ưu đãi từ chính phủ, giảm thuế phí hoạt động của các hãng.
Không chỉ các hãng hàng không châu Âu hay Mỹ, các hãng hàng không châu Á ngoài việc tái cơ cấu cũng đã phải tìm đến sự hỗ trợ của chính phủ. 8 hãng hàng không bao gồm Bangkok Airways Pcl (BA.BK), Thai AirAsia, Thai AirAsia X, Thai Lion Air, Thai Vietjet Air, Thai Smile, NokScoot và Nok Airlines Pcl xin chính phủ Thái Lan hỗ trợ khoản vay 770 triệu USD, lãi suất vay ưu đãi 2% và trả dần tiền trong vòng 5 năm.
Bất chấp tất cả các nỗ lực từ các hãng hàng không và chính phủ nhiều nước như trên, IATA dự báo rằng dù sẽ phục hồi dần dần nhưng ngành hàng không trên thế giới sẽ còn khó khăn ít nhất đến năm 2023.
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 024.62 9191 37 - Email: info@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI