
Công nhân Công ty Qui Phúc đóng gói sản phẩm vào container để xuất khẩu. Ảnh: ST
Đáp ứng nhu cầu mới
Các khảo sát về xu hướng thị trường trong thời gian gần đây đều cho thấy, thực phẩm xanh, sạch, thực phẩm chữa lành đang ngày càng trở thành xu thế tiêu dùng phổ biến. Chính vì vậy, các DN sản xuất thực phẩm cũng đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ để đáp ứng những nhu cầu mới này của khách hàng.
Điển hình như Công ty CP Vinamit đã chuyển đổi thành một DN khoa học – công nghệ. DN này cũng đang tiếp tục xây dựng cho mình một Viện Nghiên cứu và Ứng dụng về khoa học sức khoẻ để tập hợp những nhà khoa học trẻ, nghiên cứu những sản phẩm thật sự mang lại lợi ích về sức khoẻ cho người tiêu dùng và nâng tầm giá trị của sản phẩm nông nghiệp, nâng tầm giá trị của cây trồng.
Tương tự, ông Kaneda Hiroki, Tổng giám đốc Acecook Việt Nam cũng đánh giá, đổi mới, sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng trong một DN để có thể theo kịp sự thay đổi của xã hội và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng của khách hàng. Theo đó, Acecook Việt Nam đang không ngừng đổi mới để cải tiến lợi ích của sản phẩm, tối ưu hoá trong trải nghiệm của người tiêu dùng như bổ sung thêm khoai tây, đậu Hà lan, khoáng chất (canxi cho mì dành cho trẻ em) trong sản phẩm, phát triển thêm các loại hình sản phẩm mới như mì không chiên, sản phẩm ăn liền từ gạo… Ngoài ra công ty cũng luôn thực hiện các hoạt động đổi mới trong công tác quản trị và vận hành DN, như tổ chức hoạt động sáng kiến cho nhân viên, đào tạo nâng cao năng lực, đổi mới tư duy cho nhân viên… Không những vậy, để góp phần giảm thiểu rác thải nhựa cho môi trường, Acecook Việt Nam còn đang đầu tư cho các hoạt động cải tiến sản phẩm từ ly nhựa chuyển sang ly giấy, sử dụng nĩa nhựa sinh học, nghiên cứu các vật liệu bao bì thân thiện môi trường…
Còn tại Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại - Dịch vụ Qui Phúc, ông Trần Thái Nguyên, Phó Tổng giám đốc cho biết, với việc tập trung vào hoạt động chăm sóc khách hàng và xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả, hiện Qui Phúc xây dựng thành công 63 nhà phân phối và hơn 15.000 điểm bán trên 63 tỉnh, thành. DN này dự kiến tăng từ 15 đến 20% mỗi năm cho kênh bán hàng truyền thống và đã có hệ thống siêu thị cho kênh bán hàng hiện đại từ lâu. Kênh B2B cũng nhận được sự chú ý đặc biệt, cũng như các kênh đặc thù như trường học, ban ngành và bệnh viện.
Từ nền tảng vững chắc tại thị trường nội địa, Qui Phúc hiện đang không ngừng vươn ra thị trường khu vực, mở rộng kênh xuất khẩu với 20 nhà phân phối và hơn 3.000 điểm bán tập trung chủ yếu vào Đông Nam Á và đang tiếp tục mở rộng ra toàn cầu. “Chúng tôi đặt ra nhiều mục tiêu tiếp theo là cập nhật công nghệ và tự động hóa quy trình. Tập trung vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm thông minh, tiện ích và chất lượng. Tiếp tục đầu tư vào năng lực nhân sự và xây dựng môi trường làm việc tích cực” – ông Trần Thái Nguyên cho biết.
Tận dụng công cụ và công nghệ mới
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu ảm đạm, DN tại nhiều quốc gia vẫn thành công trong việc chinh phục thị trường quốc tế bằng các phương thức kinh doanh mới giúp đưa hàng hóa từ nhà máy thẳng đến khách hàng. Các mô hình cửa hàng trực tuyến (shop) trên sàn thương mại điện tử đa quốc gia, nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới ngày càng trở nên phổ biến, thậm chí còn có xu hướng shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí).
Với kinh nghiệm 13 năm làm livestream, vừa quản lý khoảng 300 nhân viên và là người trực tiếp livestream bán hàng, Livestreamer ViruSs (tên thật là Đặng Tiến Hoàng và là một nam YouTuber, streamer) cho rằng việc chủ DN đứng trước khách hàng nói về sản phẩm của mình là một trong những phương thức bán hàng xuyên biên giới hiệu quả. Để triển khai livestream bán hàng, Livestreamer ViruSs cho biết, DN chỉ cần chi phí khoảng 40-50 triệu đồng cho tất cả thiết bị nên rẻ hơn rất nhiều so với đầu tư cửa hàng vật lý, trong khi khả năng tiếp cận khách hàng vượt trội so với hầu hết phương thức bán hàng truyền thống, nhất là mở rộng thị trường bán hàng xuyên biên giới. “Các báo cáo cho thấy trang livestream Tiktok thấp nhất cũng tiếp cận được đến hơn 250 người” - Livestreamer ViruSs cho biết. Đặc biệt, đội ngũ người làm ra sản phẩm đứng bán hàng là cách marketing 0 đồng nhưng hiệu quả nhất hiện nay.
Thương mại điện tử bắt đầu ở thị trường Trung Quốc vào năm 2005, đến nay tại Trung Quốc đã hình thành những trường học dạy livestream. Điều này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của hình thức bán hàng trực tuyến tại thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, tại Việt Nam, nhiều DN cũng đang có sự chuyển hướng mạnh mẽ sang hình thức kinh doanh mới này và đạt được nhiều thành công.
Là một thương hiệu thực phẩm nổi tiếng của Việt Nam, ông Trần Lệ Nguyên, CEO Tập đoàn KIDO cho biết, trong những năm gần đây, công ty đã chuyển mạnh sang kinh doanh trực tuyến và hiện tại doanh số bán hàng trực tuyến chiếm gần 70%. Trên nền tảng Shopee, KIDO đang đứng trong top 3. Theo ông Nguyên, để xây dựng một kênh bán hàng hiệu quả trên mạng, điều quan trọng nhất là phải có lượng người theo dõi đáng kể. Việc xây dựng các nền tảng và kênh truyền thông không chỉ để quảng cáo và bán hàng mà còn để tương tác và cung cấp giải trí cho cộng đồng.
Mới đây, Tập đoàn KIDO đã "bắt tay" với TikTok mở kênh giải trí và livestream bán hàng mang tên E2E. Chỉ mới ra mắt hơn 3 tháng, nhưng kênh E2E đã nhanh chóng thu hút người xem khi đã có những clip lên đến hàng chục triệu lượt xem, mang lại một làn gió mới cho các tiểu thương, DN khi mang hàng chợ lên thương mại điện tử. “Thương mại điện tử các nước phương Tây hay Trung Quốc đã đi trước từ rất lâu và đã rất thành công với vô vàn các nền tảng. Việt Nam đi sau nhưng vẫn còn nhiều cơ hội khi có các nền tảng mới xuất hiện. Chúng ta hãy mạnh dạn tăng tốc đừng để quá muộn mới bắt đầu” - ông Nguyên cho biết.