Khám phá "chìa khóa vàng" để Việt Nam dẫn đầu cuộc đua thu hút FDI ngành công nghệ số

Khám phá "chìa khóa vàng" để Việt Nam dẫn đầu cuộc đua thu hút FDI ngành công nghệ số

Để Việt Nam tạo thế cạnh tranh thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp công nghệ số thì việc có ưu đãi hấp dẫn là chưa đủ, mà cần phải có cơ chế thu hút đầu tư mang tính chiến lược và hiệu quả hơn nữa. “Chìa khóa” cho chuyện này đang chờ thêm sự đổi mới ở khâu chính sách, tránh các rào cản không cần thiết, nâng cao năng lực các khu công nghệ số, đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực. 

Nguồn:Vnbusiness

Ghi nhận ở một số địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai cho thấy trong 8 tháng đầu của năm 2024 đã và đang tiếp tục đón “sóng” đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, đặc biệt là ngành sản xuất bán dẫn, công nghệ thông tin, thiết bị tự động hóa, sản xuất công nghệ mới.

Ưu đãi hấp dẫn là chưa đủ

Đơn cử như tỉnh Bình Dương đã thu hút hơn 1,1 tỷ USD vốn FDI (nằm trong nhóm các địa phương thu hút vốn FDI cao của cả nước), trong đó lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều nhà đầu tư nhất.

Để tạo thế cạnh tranh thu hút FDI đầu tư vào công nghiệp công nghệ số trong thời gian tới rất cần Việt Nam có cơ chế thu hút đầu tư mang tính chiến lược và hiệu quả hơn nữa.

Để tăng sức cạnh tranh thu hút các các doanh nghiệp (DN) FDI đầu tư vào công nghệ cao hay công nghiệp công nghệ số, tỉnh này đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ có thêm 10 khu công nghiệp mới (trong đó chú trọng phát triển mô hình khu công nghiệp thế hệ mới thông minh, chuyên ngành cơ khí, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin...hướng đến sản xuất thông minh) và mở rộng các khu công nghiệp hiện tại theo hướng cao hơn về công nghệ.

Còn tỉnh Đồng Nai trong 8 tháng đầu năm nay cũng thu hút gần 1,1 tỷ USD vốn FDI, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023. Các dự án FDI đầu tư mới và tăng vốn vào Đồng Nai chủ yếu thuộc các ngành công nghệ cao, đặc biệt là ngành sản xuất bán dẫn. Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, địa phương đang chọn lọc những dự án có các yếu tố sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế biến, chất bán dẫn…

Nhằm tạo sức thu hút khối ngoại đầu tư vào công nghiệp công nghệ số và công nghệ cao, thời gian tới tỉnh này sẽ có ít nhất 2 khu công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, với diện tích trên 600 ha, trong đó tập trung vào các ngành công nghệ bán dẫn, sản xuất chíp và Trí tuệ nhân tạo (AI); ngành thiết bị tự động hóa và thiết bị công nghệ thông tin; ngành công nghệ hàng không.

Không chỉ hai địa phương nêu trên, để tăng sức cạnh tranh thu hút khối ngoại rót vốn vào công nghiệp công nghệ số, ở một số tỉnh, thành phố khác cũng đang cố gắng để tạo môi trường tốt nhất để hướng đến “làn sóng” đầu tư mới này. Nhất là xây dựng các khu công nghiệp mới theo hướng thông minh, chủ động xúc tiến đầu tư đến một số quốc gia có tiềm năng để tìm kiếm những DN bảo đảm các tiêu chí đề ra, hỗ trợ nhà đầu tư về thủ tục hành chính, các chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế…

Tuy nhiên, vẫn còn đó mối lo về việc có không ít “đại bàng” công nghệ số khi tới Việt Nam rồi lại chọn đầu tư ở quốc gia khác khi mà khâu chính sách vẫn chưa thật sự làm cho họ yên tâm, cùng với đó là một số mối băn khoăn khác. Và, câu hỏi đặt ra trong thời gian tới là cần có chiến lược gì nhằm tạo thế cạnh tranh cho Việt Nam trong việc thu hút khối ngoại đầu tư vào công nghiệp công nghệ số?

Bà Nguyễn Phương Ly, Giám đốc dự án Viện Tony Blair tại Việt Nam, cho rằng để có thể mang tính cạnh tranh hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ số thì việc “có ưu đãi hấp dẫn là chưa đủ”, mà cần phải có cơ chế thu hút đầu tư mang tính chiến lược và hiệu quả. Đây là điều mà nhiều quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới đều đã thực hiện và thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Khi góp ý vào Dự án luật Công nghiệp công nghệ số (đang được lấy ý kiến), bà Ly lưu ý ở Điều 39 trong Dự thảo của luật này có nói đến việc “hình thành mạng lưới đại diện công nghiệp công nghệ số Việt Nam ở nước ngoài”. Thế nhưng Dự thảo hiện nay chưa nêu bật được vai trò của cơ quan đầu tư nước ngoài trong việc thu hút đầu tư cũng như những cơ chế cần thực hiện hoặc thay đổi để đẩy mạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài ở một lĩnh vực mang tính chiến lược như công nghệ số.

Tránh các rào cản không cần thiết

Chính vì vậy, vị giám đốc dự án Viện Tony Blair tại Việt Nam đưa ra một số đề xuất bổ sung về cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển công nghiệp công nghệ số ở Việt Nam. Cụ thể là cần thành lập bộ phận phụ trách đầu tư nước ngoài về công nghiệp công nghệ số, thuộc Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). 

“Điều này nhằm mục đích trở thành đầu mối chính làm việc với nhà đầu tư nước ngoài về công nghiệp công nghệ số, hỗ trợ cung cấp thông tin về ngành, chính sách cũng như các ưu đãi của Chính phủ, giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư, cũng như là cầu nối giữa nhà đầu tư và địa phương”, bà Ly nói.

Bên cạnh đó, đối với những thị trường được xác định là trọng điểm trong việc thu hút nhà đầu tư về công nghiệp công nghệ số, bà Nguyễn Phương Ly kiến nghị có đại diện xúc tiến đầu tư phụ trách chuyên môn tại các thị trường này để tích cực tham gia vào việc tiếp xúc với nhà đầu tư. Cơ chế đãi ngộ, xây dựng năng lực cho đội ngũ này sẽ cần được nghiên cứu và bổ sung trong các hướng dẫn chi tiết.

Trong khi đó, như băn khoăn của bà Nguyễn Thị Thư, Giám đốc điều hành Bay Global Strategies, Phó Trưởng Ban Kinh tế số thuộc Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), việc quản lý quá mức hoặc luật không nhất quán có thể cản trở quá trình chuyển đổi số của Việt Nam, làm nản lòng đầu tư nước ngoài và tạo ra các rào cản không cần thiết đối với sự tăng trưởng trong lĩnh vực này.

Bà Thư cũng chỉ rõ chính sách trong việc ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số sản xuất trong nước có thể dẫn đến việc đối xử không công bằng với cộng đồng DN nước ngoài. 

Mặt khác, vị giám đốc này cũng khuyến nghị về năng lực của các khu công nghệ số có thể cần được bổ sung bằng các công nghệ mới nhất từ các nhà cung cấp dịch vụ ứng dụng điện toán đám mây, giúp các tổ chức trong các khu công nghệ số này trở nên linh hoạt hơn và đổi mới nhanh hơn.

Ngoài ra, để giành được cơ hội gia tăng thu hút vốn FDI vào công nghiệp công nghệ số thì điều quan trọng là Việt Nam cần đáp ứng cho được nguồn nhân lực có khả năng triển khai và quản lý các tiêu chuẩn cao cần thiết cho công nghệ kỹ thuật số. Chẳng hạn như mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn được cho là còn đầy thách thức trong bối cảnh phải “chạy đua” với thời gian.

Vnbusiness
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang