Bình luận về đợt tăng thuế mới đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, tờ New York Times (của Mỹ) cho rằng, động thái này nhằm bảo vệ các lĩnh vực sản xuất chiến lược của Mỹ khỏi sự cạnh tranh chi phí thấp nhằm mục đích tăng việc làm, nhưng người tiêu dùng có thể không thích chi phí cao.
Tìm khe hở để lấy được thị phần
Trong khi đó, giới quan sát lưu ý dù Mỹ tiếp tục đánh thuế thì những sản phẩm và hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc sẽ vẫn tìm được đường vào thị trường này. Và việc ngăn chặn hàng Trung được ví như “bóp quả bóng bay”.
Chính sách hỗ trợ xuất khẩu cho các DN sản xuất của Việt Nam cần có những thay đổi để cạnh tranh hiệu quả hơn với hàng Trung Quốc giá rẻ trên thị trường quốc tế.
Còn trên tờ The Wall Street Journal (WSJ - nhật báo tài chính hàng đầu của Mỹ) hôm 21/5 nhận định, Mỹ đang dựa vào châu Âu để giúp chống lại sự gia tăng xuất khẩu (XK) của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu, cố gắng đạt được sự thống nhất giữa các đồng minh có quan điểm khác biệt về cách ứng phó với sức mạnh kinh tế của Trung Quốc.
Ở diễn biến khác, trong những tháng gần đây, Ủy ban Châu Âu đã tiến hành một loạt cuộc điều tra liên quan tới hoạt động giao thương với Trung Quốc. Ông Jens Eskelund, Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, bày tỏ mối lo ngại rằng EU và Trung Quốc đang trên bờ vực chiến tranh thương mại, khi căng thẳng kinh tế giữa 2 bên đang ở mức cao chưa từng có.
Còn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vừa cho biết, Washington và EU sẽ cần tiếp tục phối hợp để bảo vệ hai nền kinh tế khỏi “chính sách công nghiệp của Trung Quốc”.
Nhân chuyện này, trong buổi tiếp đoàn các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đến thăm và làm việc tại Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cách đây vài ngày, khi hai bên thảo luận vấn đề cạnh tranh về giá với thị trường Trung Quốc, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT của Vinatex, nhấn mạnh lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc không những phụ thuộc hoàn toàn vào giá cả mà còn phụ thuộc rất lớn vào các chính sách thương mại của Mỹ và châu Âu.
Thực tế thời gian qua cho thấy Mỹ và châu Âu đã cáo buộc hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường toàn cầu với các sản phẩm giá rẻ để đối phó với tình trạng dư thừa công suất công nghiệp.
Theo ông Trường, chúng ta không thể đánh giá được chính xác chính sách thương mại toàn cầu trong những năm tới áp dụng vào hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc. Đây chính là khe hở cho các quốc gia nhỏ như Việt Nam lấy được thị phần của Trung Quốc.
Ngoài ra, ông Lê Tiến Trường cho rằng Trung Quốc là thị trường có lợi thế cạnh tranh cao trong sản xuất các mặt hàng phổ thông với quy mô lớn, nguồn nguyên liệu sẵn có, trình độ tự động hóa cao, trọn vẹn.
Chính vì vậy, việc cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất hàng phổ thông không chỉ Việt Nam mà bất kỳ đất nước nào cũng đều khó cạnh tranh với Trung Quốc. Hiện tại, lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công của Việt Nam đã không còn.
“Do đó, các DN Việt Nam nói chung và Vinatex nói riêng phải tìm đến những thị trường ngách, nhỏ và linh hoạt để tránh được việc cạnh tranh về giá thành từ Trung Quốc”, ông Trường bộc bạch.
Số liệu 10 năm trở lại đây cho thấy Trung Quốc không gây áp lực lớn lên ngành dệt may Việt Nam. Bằng chứng là thị phần hàng dệt may của Trung Quốc ở Mỹ giảm từ 55% xuống còn 35%, trong khi hàng Việt Nam tăng lên cao nhất khoảng 29%. Giới chuyên gia chỉ rõ lợi thế của Trung Quốc là lý do để ngành dệt may Việt Nam phấn đấu, cạnh tranh chứ không phải để rút lui trước thế mạnh của đối thủ.
Thay đổi để tốt hơn
Bàn về “làn sóng” hàng Trung Quốc giá rẻ, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết qua trao đổi với một số doanh nhân Trung Quốc thì họ nói rằng chủ trương từ nhà nước của họ là yêu cầu các DN Trung Quốc phải đi ra nước ngoài chứ không quay vào thị trường bên trong nữa. Và như vậy, khi họ quay ra ngoài sẽ có được sự khuyến khích nhất định về phí hải quan, rồi các khoản thuế cho hàng xuất khẩu.
Từ đó để thấy, muốn hàng Việt cạnh tranh với hàng Trung Quốc trên thị trường XK đòi hỏi các chính sách trong nước để hỗ trợ cho DN xuất khẩu phải hiệu quả hơn nữa. Trong khi đó, như băn khoăn của bà Hạnh, ở một số địa phương vẫn còn đặt ra những yêu cầu mà DN nội địa cảm thấy bản thân rất khó để đáp ứng.
“Nếu đặt ở vị trí cạnh tranh đối với những hàng hóa mà chính phủ của người ta hỗ trợ rất nhiều thì chúng ta cũng thấy là các DN Việt Nam đã gặp khó rồi. Chưa kể, chúng ta chưa có ngồi bàn với nhau về những hệ quả sẽ xảy ra, chẳng hạn như việc bảo vệ việc làm cho công nhân của Việt Nam như thế nào”, bà Hạnh bày tỏ.
Qua quan sát hiện nay có thể thấy trong gần 5 tháng đầu năm 2024, do nhu cầu trong nước vẫn chậm chạp, lại dư thừa công suất nên Trung Quốc đang tiếp tục đẩy mạnh XK hàng hóa thành phẩm. Ngày càng nhiều DN Trung Quốc đang bán nguồn cung dư thừa ra nước ngoài với giá chiết khấu nhằm góp phần phục hồi XK.
Điều này đặt ra mối đe dọa cho các ngành công nghiệp Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm Trung Quốc trên thị trường toàn cầu. Trong đó, rủi ro đặc biệt cao đối với các ngành XK chủ lực của Việt Nam, đơn cử như dệt may, giày dép, điện tử, đồ nội thất, thủy sản...
Điển hình như dệt may Việt Nam, theo ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm thông tin thương mại và công nghiệp (Bộ Công Thương), mặc dù XK nhiều nhất sang Mỹ, sang EU nhưng cũng đang phải chịu áp lực trước đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Trung Quốc. Hoặc như XK giày dép của Việt cũng gặp đối thủ lớn là Trung Quốc.
Thực ra áp lực cạnh tranh trước thế mạnh của hàng Trung Quốc là khó tránh khỏi. Nhất là mối lo thường trực của các DN Việt Nam khi bị đối thủ có lợi thế về giá rẻ này giật đơn hàng. Trước thách thức đó mong rằng các DN của Việt Nam không nên né tránh mà đối mặt với thực tại để có phương thức chống chịu, thay đổi thích hợp nhằm nâng cao sức cạnh tranh tốt hơn so với hàng hóa Trung Quốc trên “sân khách” ở thị trường quốc tế.
Đặc biệt, không chỉ tìm đến thị trường ngách, nhỏ và linh hoạt để tránh được việc cạnh tranh về giá thành từ Trung Quốc, vấn đề là việc sản xuất hàng Việt phải thay đổi để nâng cao được chất lượng, giảm được giá thành. Song song đó, chính sách của Nhà nước trong việc hỗ trợ XK cũng phải có những thay đổi hiệu quả hơn như cách thức mà chính phủ ở Trung Quốc đang làm với DN của họ.